Qua công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong vòng 3 năm (từ 2020 -2023) các cơ quan tố tụng hai cấp đã khởi tố 146 vụ án 53 bị can liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng.
Từ thực tiễn công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, có thể nhận diện một số thủ đoạn phổ biến dưới đây:
1. Lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn này được các đối tượng sử dụng thông dụng nhất trong giai đoạn hiện nay, với những biểu hiện như sau: [1] Sau khi tìm hiểu thông tin của người bị hại, đối tượng lập tài khoản Zalo, Facebook, Instagram... để tên và hình ảnh đại diện của người bị hại và sử dụng một tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc vay tiền, nạp thẻ điện thoại... từ bạn bè, người thân của người bị hại.
2. Giả danh cán bộ cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng tâm lý chung trong nhân dân lo sợ khi làm việc với cơ quan tư pháp, các đối tượng giả danh cán bộ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tà án nhân dân... gọi điện thoại di động, gửi mail hoặc thông qua gọi thoại mạng VoIP (truyền giọng nói từ điện thoại thông qua kết nối Internet để thực hiện các cuộc gọi), “dẫn dắt” nguyên nhân, quá trình giải quyết vụ việc nạn nhân đang bị điều tra do có liên quan đến đường dây rửa tiền, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thực hiện hành vi phạm tội khác... rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để bảo đảm điều tra hoặc nhằm phong tỏa để xác minh nguồn tiền trong tài khoản ngân hàng, thậm chí yêu cầu nạn nhân cung cấp user và password của Internet Banking để đăng nhập và chuyển tiền sang tài khoản khác nhằm chiếm đoạt.
3. Giả danh là nhân viên ngân hàng để để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Đối tượng sẽ trao đổi, mời người bị hại cung cấp thông tin cá nhân như sổ hộ khẩu, căn cước công dân... để hỗ trợ vay vốn, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi ưu đãi. Để tạo niềm tin với người bị hại, đối tượng giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo ngân hàng gửi cho người bị hại để chứng minh bị hại đã được giải ngân khoản vay, đủ điều kiện để nhận ưu đãi từ ngân hàng và yêu cầu bị hại nộp trước một khoản tiền để làm thủ tục, hứa sẽ được hoàn lại cùng với số tiền được giải ngân. Sau khi nhận được tiền, đối tượng cắt đứt mọi thông tin liên lạc với người bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
4. Lợi dụng các trang mua sắm trực tuyến hoặc quảng cáo trên mạng xã hội (Telegram, Facebook, Zalo, Twitter, Instagram)... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lập/tạo website giả mạo website ngân hàng
Lợi dụng kiến thức về công nghệ thông tin, thành tựu khoa học, công nghệ, các đối tượng có thể dễ dàng tạo một website, xây dựng nền tảng giống như website chính thức của ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thông qua các hình thức khác nhau, đối tượng sẽ gửi đường dẫn (link) giả mạo với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống, tài khoản tạm ngừng dịch vụ... và yêu cầu bị hại truy cập vào các website bằng đường link giả (thường được giới thiệu là link dự phòng của ngân hàng) và làm theo các yêu cầu của đối tượng. Khi bị hại truy cập vào link, cung cấp thông tin thì đối tượng có thể dễ dàng chiếm đoạt tiền từ tài khoản thực của bị hại.
5. Kết hợp tinh vi nhiều thủ đoạn phạm tội khác nhau:
Các đối tượng đóng giả nhân viên công ty giao nhận hàng (shipper) hoặc nhân viên ngân hàng gọi điện đến bị hại thông báo có món đồ từ một công ty hoặc ngân hàng gửi do trúng thưởng (bên cạnh việc gọi điện thông báo, các đối tượng kết hợp nhắn tin, gửi hình ảnh để tạo lòng tin) và yêu cầu bị hại chuyển tiền để nhận hàng; hoặc đóng giả shipper thông báo đến bị hại có món đồ đang được vận chuyển đến nhưng bị công an tạm giữ để điều tra sau đó các đối tượng sẽ kết nối với một đối tượng khác giả danh cán bộ công an để trao đổi, đe dọa và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản mà đối tượng cung cấp để xác minh.
Một số giải pháp phòng ngừa:
- Thứ nhất, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao kiến thức về giao dịch, chuyển khoản ngân hàng qua máy tính, điện thoại thông minh. Trước khi giao dịch cần tìm hiểu kỹ thông tin dịch vụ, các quy định về lãi suất, phí... trước khi quyết định vay tiền, chuyển tiền; đồng thời lựa chọn các tổ chức tín dụng, ngân hàng uy tín để tránh “mắc bẫy” từ tín dụng đen sử dụng công nghệ cho vay trực tuyến lãi suất cao; luôn cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email, yêu cầu truy cập đường link lạ, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân; cần tìm hiểu kĩ lưỡng, chính xác danh sách chính thống của các website và fanpage của ngân hàng mà cá nhân đang sử dụng dịch vụ để tránh truy cập vào các website giả mạo. Trước khi thực hiện mỗi giao dịch, cần xác thực người định thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền...
Thứ hai, các cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Viện Kiểm sát nhân dân cần kịp thời tổng kết, ban hành kiến nghị phòng ngừa đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền như các tổ chức tín dụng, ngân hàng, chủ quản mạng xã hội của nước ngoài tại Việt Nam... để kịp thời có biện pháp phòng ngừa tội phạm phù hợp.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan báo chí, truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhấn mạnh vào thủ đoạn thực hiện hành vi hiện nay…
Thứ tư, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng.
Tin bài: Đào Thị Hồng Vân – phòng 2