11/04/24 14:57

Phát huy vai trò của nhân dân trong mối quan hệ lớn giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

PGS, TS HOÀNG HÙNG HẢI
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23:17, ngày 10-04-2024

TCCS - Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ lớn được Đại hội XIII của Đảng chính thức bổ sung. Tăng cường pháp chế là yếu tố bảo đảm, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân được thực hành thực chất và rộng rãi trong thực tiễn; trong khi đó, thực hành dân chủ được mở rộng và phát huy sẽ là điều kiện và tiền đề để pháp chế được tăng cường và kỷ cương trong xã hội được tôn trọng. Trong mối quan hệ lớn giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội, thì nhân dân luôn vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu.


Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc tết công nhân lao động Thủ đô_Ảnh: TTXVN

Tiến trình phát triển của Nhà nước và xã hội có những bước thăng trầm ở từng giai đoạn khác nhau nhưng nhân dân luôn giữ vị trí trung tâm, vai trò then chốt trong mọi cuộc cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh, ở đâu và khi nào biết lấy dân làm gốc, chăm lo đến đời sống của nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, thì ở đó “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”(2) và nhấn mạnh thêm: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”(3).

Là người đặt nền móng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và quyết tâm thực hiện phương châm: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(4). Thể chế hóa quan điểm này, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nhân dân là người chủ thực sự của đất nước bởi nhân dân là lực lượng hùng hậu nhất, to lớn nhất, quý giá nhất, tạo nên sức mạnh to lớn “lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(5). Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và phát triển đất nước.

Một là, nhân dân trong phát huy dân chủ

Trong bất kỳ nhà nước nào, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng quản lý. Gốc rễ của quyền lực nhà nước thuộc nhân dân, các cơ quan nhà nước được nhân dân ủy quyền thực hiện sứ mệnh vinh quang nhưng cũng không kém phần nặng nề của mình là phục vụ nhân dân theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nước ta là nước dân chủ, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(7). Tinh thần này được thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhận thức rất rõ sự cần thiết của phát huy dân chủ thông qua việc xây dựng Hiến pháp, nền tảng pháp lý quan trọng hàng đầu đối với các quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đặt ra yêu cầu: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”(8). Theo đó, một trong ba nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (Hiến pháp năm 1946) là bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Tinh thần này xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và quá trình lập hiến nói riêng. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trên cơ sở Hiến pháp, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng phát huy dân chủ. Đại hội VI của Đảng khẳng định: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý là nguyên tắc trong quản lý xã hội(9). Trên tinh thần đó, thể chế về dân chủ ngày càng được hoàn thiện cả phương diện đường lối, chính sách và pháp luật, cũng như triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.

Phát huy dân chủ là một quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn và được thực hiện trên cả hai phương diện: người dân tích cực chủ động trong công việc, Nhà nước quản lý xã hội theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị phải được thiết kế sao cho tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức là công bộc, đầy tớ của nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự nhận thức được vị trí, vai trò và thực hiện đúng chức trách của mình. “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”(10). “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”(11). “Phải dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”(12).

Hai là, nhân dân với tăng cường pháp chế

Sự tồn tại của bất cứ nhà nước nào cũng không thể thiếu pháp luật. Pháp luật là phương tiện quan trọng hàng đầu để nhà nước thực hiện quản lý xã hội. Không có pháp luật, nhà nước không thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy vậy, pháp luật không phải yếu tố duy nhất để nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Pháp luật chỉ có thể phát huy được sức mạnh của mình khi được mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nỗ lực thực thi trong thực tiễn. Nếu nhân dân không tuân theo pháp luật thì sẽ không có pháp chế và mọi nỗ lực của nhà nước sẽ không mang lại hiệu quả. Hệ thống pháp luật tiến bộ mang trong mình bản chất dân chủ, vì quyền con người, quyền công dân nên đó cũng chính là công cụ, phương tiện để nhân dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và ngược lại khi pháp chế được thực hiện nghiêm sẽ xử lý theo pháp luật các hành vi xâm phạm tới dân chủ, bảo vệ và nuôi dưỡng thực hành dân chủ chân chính phát triển. Vì thế, việc ban hành pháp luật là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tổ chức pháp luật trong thực tiễn. “Thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”(13). Sự nghiêm minh của pháp luật trong thực tiễn chính là hình thức thể hiện của pháp chế và đòi hỏi phải có sự tham gia của nhân dân, mọi cơ quan, tổ chức.

Dân chủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với pháp luật, thực hiện pháp luật, phát huy vai trò, giá trị của pháp luật trong cuộc sống. Dân chủ và thực hành dân chủ thúc đẩy việc tăng cường pháp chế và sự tăng cường pháp chế là điều kiện căn bản bảo đảm thực hành dân chủ và kỷ cương xã hội. Nhân dân đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm pháp chế, nhưng nhân dân không thể đứng trên pháp luật, pháp chế. Việc tuân theo pháp luật, bảo đảm cho pháp chế được thực thi là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để dân chủ được phát huy trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ba là, nhân dân với bảo đảm kỷ cương

Trong đời sống nhà nước, đời sống xã hội, pháp luật, pháp chế tuy là những yếu tố quan trọng để điều hành bộ máy nhà nước, quản lý xã hội nhưng bên cạnh đó không thể thiếu kỷ cương. Pháp luật, pháp chế có đầy đủ đến đâu cũng không thể bao quát hết được các quan hệ xã hội mà nó cần điều chỉnh, nên bên cạnh đó, cần có kỷ cương. Kỷ luật, kỷ cương trong xã hội ở chừng mực nhất định được hiểu là trạng thái ở đó xã hội và các quan hệ tương tác giữa người với người nằm trong một trật tự ổn định; đôi khi còn được hiểu chính là những quy tắc, quy định do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm duy trì xã hội hoặc các thành tố của xã hội trong một trật tự nhất định.

Kỷ cương đóng vai trò quan trọng cho việc vận hành xã hội có nền nếp, trật tự. Không ai khác, chính nhân dân là chủ thể tạo nên kỷ cương của xã hội. Tuy vậy, nhân dân không thể đứng ngoài hay đứng trên kỷ cương mà nhân dân cũng phải chịu điều chỉnh bởi kỷ cương. Không có kỷ cương thì không có sự phát triển của xã hội và theo đó dân chủ cũng không được phát huy. Kỷ cương được đặt ra để mọi người cùng tuân thủ, chấp hành, chính là vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi công dân khi có quyền làm chủ thì phải tự giác thực hiện nghĩa vụ của người làm chủ. Quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ, lợi ích gắn liền với trách nhiệm. Đó là thực chất của dân chủ.

Trong bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, dân chủ và kỷ cương là hai mặt thống nhất trong chỉnh thể cơ chế vận hành đúng đắn, lành mạnh của xã hội, nghĩa là: trong yếu tố dân chủ thực sự đã bao hàm cả yếu tố kỷ cương và kỷ cương để bảo đảm cho tính dân chủ được vững chắc; trong yếu tố kỷ cương đã bao hàm cả tính chất dân chủ của nó. Ngày nay, dân chủ và kỷ cương là hai thành tố (trạng thái) khác nhau nhưng có quan hệ gắn bó, không thể tách rời nhau. Dân chủ là quá trình phát triển từ thấp đến cao, tùy từng giai đoạn nhất định và có giới hạn là kỷ cương, pháp chế, buộc tất cả mọi người phải tuân thủ. Cũng như dân chủ, kỷ cương cũng phải được định chế bởi pháp luật, không lợi dụng kỷ cương để can thiệp vào quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tức là, kỷ cương là nhân tố làm cho dân chủ được phát huy đúng định hướng, không vượt qua giới hạn được phép.


Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân huyện Nậm Pồ_Ảnh: TTXVN

Như vậy, xét tổng thể mối quan hệ trên, nhân dân là nhân tố then chốt, quyết định, kết nối các thành tố cấu thành. Bởi lẽ, nhân dân là trung tâm, là gốc rễ của quyền lực nhà nước, xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(14) “Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(15). Pháp chế, kỷ cương sẽ không được thực hiện nếu không có dân chủ, dân chủ không được phát huy, nhân dân không được làm chủ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”(16). Dân chủ trong Đảng và trong xã hội ít nhiều còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực chưa nghiêm. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo còn thiếu tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; cán bộ lãnh đạo ở một số nơi còn có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Ở nơi nào dân chủ không được bảo đảm, thì ở đó, pháp chế, kỷ cương bị buông lỏng và ngược lại… Do vậy, thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội phải được tiến hành đồng bộ, tuyệt đối không được coi nhẹ mà bỏ qua bất kỳ nhiệm vụ nào, trên cơ sở phát huy cao độ vai trò của nhân dân:

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân “hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”(17), đồng thời “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(18), khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân.

Thứ hai, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước, sao cho tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa(19). Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế bảo vệ hiệu quả để người dân thực hiện dân chủ trực tiếp, tham gia quản trị nhà nước, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đó là, “tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”(20). “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (khoản 2, Điều 8, Hiến pháp năm 2013). Theo đó, Nghị quyết số 161/2021/QH14, ngày 29-4-2021, của Quốc hội, “Về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước” đưa ra giải pháp: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố trung tâm, quan trọng trong giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương, phù hợp với mỗi giai đoạn, bối cảnh cụ thể khác nhau. Không thể đưa phương pháp lãnh đạo thời kỳ này áp dụng cho thời kỳ khác. Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tận tụy phục vụ nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong bộ máy nhà nước có nghĩa vụ làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao theo thẩm quyền và khi có yêu cầu. Thực hiện nghĩa vụ này góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa hoạt động của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân nói riêng và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước nói chung.

Thứ năm, xử lý kịp thời, công minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền làm chủ của nhân dân và các hành vi lạm dụng kỷ cương hạn chế quyền con người, quyền công dân trái Hiến pháp, pháp luật, trên tinh thần hiến định: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế bằng luật. Hiện nay, chế tài đối với hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã được pháp luật quy định khá cụ thể; tuy nhiên, đối với hành vi lạm dụng kỷ cương với những hình thức biểu hiện khác nhau để hạn chế quyền tự do, dân chủ trái Hiến pháp, pháp luật, cũng cần bổ sung các quy định xử lý phù hợp để phòng ngừa và ngăn chặn./.

      Nguồn: tapchicongsan.org.vn

Lên đầu trang