23/04/24 15:49

Các hình thức biểu hiện của văn hóa trong chính trị

GS, TS NGUYỄN TRỌNG CHUẨN
Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam

   TCCS - Văn hóa trong chính trị giữ vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm sự bền vững của một đảng cầm quyền, của mỗi chế độ, mỗi quốc gia. Do đó, cần nhận thức rõ các hình thức biểu hiện của văn hóa trong chính trị để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện dựa trên nền tảng văn hóa, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân viên Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới _Nguồn: vietnamnet.vn

   Văn hóa kết tinh trình độ phát triển lịch sử của con người và xã hội loài người; biểu hiện phong phú dưới các hình thức, kiểu mẫu và cách thức tổ chức cuộc sống, cách thức hành động của con người, cũng như trong những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, các chuẩn mực văn hóa do con người tạo ra; được tiếp nối, bổ sung, làm phong phú thêm qua các thế hệ. Văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị. Xây dựng văn hóa trong chính trị là xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa công sở, văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị... Với hoạt động chính trị, nền tảng văn hóa và lý luận giống như “cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”(1). Nếu cán bộ không tự trang bị tri thức, nền tảng văn hóa để vận dụng vào hoạt động thực tiễn thì khó tránh khỏi sai lầm, thậm chí có thể thất bại. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ phải có văn hóa làm gốc”(2). Nếu mỗi cán bộ, đảng viên ứng xử, hành động theo những hệ giá trị và các chuẩn mực văn hóa thì hoạt động chính trị sẽ hiệu quả, từ đó tạo dựng được lòng tin của nhân dân, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển xã hội.

   Văn hóa trong chính trị có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, tiêu biểu là tri thức chính trị, ý thức chính trị, năng lực hành động chính trị. Thông qua các hình thức biểu hiện này có thể thấy được năng lực, phẩm chất, sự tu dưỡng, rèn giũa, bản lĩnh và năng lực chính trị của một cá nhân, tổ chức, đảng phái chính trị nhất định.

   Trước tiên, văn hóa trong chính trị biểu hiện ở tri thức chính trị của lãnh tụ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Tri thức chính trị là những kiến thức lý luận và thực tiễn về nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quân sự đến địa - chính trị, địa - kinh tế, tri thức về tổ chức, tập hợp, đoàn kết, quản trị, lãnh đạo, điều hành hoạt động chính trị. Đây là nhân tố không thể thiếu, đóng vai trò định hướng cho hoạt động thực tiễn, nhất là đối với đảng chính trị cầm quyền. Người làm chính trị mà yếu và thiếu tri thức chính trị thì sẽ giống như nhắm mắt mà dò dẫm đường đi. Hiện nay, hơn lúc nào hết, trong một thế giới cạnh tranh hết sức khốc liệt, đầy rẫy những bất đồng, mâu thuẫn và những biến động “bất định”, “bất ổn”, “khó lường” cùng với những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, thì vai trò của tri thức chính trị, độ nhạy bén và sự mềm dẻo chính trị sẽ quyết định hiệu quả, mức độ thành công của các quyết sách cả trước mắt và lâu dài trong quá trình phát triển đất nước. Để tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, phải có nền tảng và trình độ văn hóa chính trị vững chắc, xứng tầm, có sự tinh tường, nhạy bén, linh hoạt, có tri thức sâu rộng, cập nhật về tình hình chính trị - xã hội của khu vực và thế giới để đề xuất chính sách và đường lối đúng đắn. Thời nào cũng vậy, văn hóa chính trị cùng với văn hóa đạo đức trong sáng luôn tạo nên sức mạnh, bảo đảm sự chính danh của đảng chính trị lãnh đạo và cầm quyền. Đối với một chế độ chính trị mà tất cả đều thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì văn hóa chính trị tiến bộ là một bảo đảm cho sự bền vững lâu dài của chế độ đó. Về điều này, lịch sử xã hội loài người đã cho thấy, văn hóa đạo đức, đặc biệt là văn hóa chính trị tiến bộ, có thể góp phần củng cố sự bền vững của chế độ, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, việc trang bị tri thức chính trị, giáo dục văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để xây dựng một xã hội đề cao các giá trị dân chủ, pháp quyền, công bằng, nhân văn; xây dựng quốc gia hùng cường, văn minh, phát triển; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

   Thứ hai, văn hóa trong chính trị biểu hiện ở ý thức chính trị. Ý thức chính trị phản ánh trình độ hiểu biết, nhận thức của cá nhân, tổ chức chính trị về quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp, về vấn đề nhà nước, hệ thống chính trị, lý tưởng của các đảng phái trong một xã hội; thể hiện quan điểm, mục tiêu, bản chất của một chế độ xã hội. Văn hóa chính trị được phản ánh trung thực thông qua ý thức chính trị của mỗi cá nhân trong xã hội (bao gồm ý thức chính trị thường ngày và ý thức chính trị lý luận).

   Ý thức chính trị thường ngày được hình thành qua sự từng trải hằng ngày của mỗi người, tuy chưa phản ánh sâu sắc các quan hệ giai cấp và lợi ích giai cấp trong xã hội, song làm tăng thêm vốn hiểu biết, kinh nghiệm hoạt động chính trị của con người. Một yêu cầu tiên quyết được đặt ra đối với cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là cần có ý thức chính trị ở trình độ lý luận cao, đó là kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; bản lĩnh, không được phép phai nhạt lý tưởng cách mạng, không mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin vì bất cứ lý do gì. Các cán bộ phải nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa chính trị trong thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện quốc tế phức tạp, khó lường hiện nay, ý thức chính trị đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta phải nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; và đặc biệt, mối quan hệ mới được bổ sung tại Đại hội XIII là “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(3). Ý thức chính trị ấy sẽ đóng vai trò định hướng đúng đắn, hướng dẫn những bước đi phù hợp cho các hành vi và hành động chính trị có văn hóa, phù hợp với lý tưởng cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

   Ý thức chính trị luôn gắn với niềm tin chính trị và tình cảm chính trị. Niềm tin chính trị được hình thành và củng cố dựa trên cơ sở kinh nghiệm chính trị, tri thức chính trị, tình cảm chính trị và lý tưởng chính trị, là yếu tố giúp cho con người có sức mạnh, vững vàng, kiên trì lý tưởng và vượt qua những thời điểm khó khăn. Chủ thể chính trị củng cố tình cảm chính trị, lý tưởng chính trị và đạo đức của mình để hình thành hành động chính trị. Do đó, niềm tin chính trị là nhân tố cốt lõi, quyết định bảo đảm cho sự ổn định, sự kiên định, vững vàng về tư tưởng chính trị của một con người. Kinh nghiệm chính trị cùng với tri thức chính trị và niềm tin chính trị góp phần bổ sung, hoàn thiện, thúc đẩy và phát triển khả năng hành động chính trị thực tiễn của cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị.

   Văn hóa trong chính trị biểu hiện ở năng lực hành động chính trị. Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, đường lối đã đề ra, các đảng chính trị hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối ấy bằng hành động cụ thể, thiết thực; qua đó, thể hiện bản chất của chế độ xã hội, đồng thời thể hiện văn hóa của cá nhân, tổ chức chính trị nhất định. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động của Đảng đều đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, hướng tới mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng ta luôn nhất quán quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, là nhân tố cốt lõi làm nên giá trị của chủ nghĩa xã hội. Do đó, mọi hoạt động của Đảng đều được soi đường bởi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Các cán bộ, đảng viên ở các cấp trong hệ thống chính trị thường xuyên trau dồi, nâng cao khả năng tư duy khoa học, không ngừng bổ sung những kiến thức mới về các khoa học cơ bản, lý luận chính trị - xã hội, nhất là văn hóa chính trị Hồ Chí Minh; thấm nhuần, tiếp thu, vận dụng linh hoạt các giá trị trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, trong đó có tu dưỡng đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân tiêu cực, hình thành văn hóa ứng xử khoan dung, nghiêm khắc với bản thân mình, rộng lượng với người khác. Việc cán bộ các cấp không biết “luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình”, không biết cách tự phê bình và phê bình, không biết rút kinh nghiệm trong hoạt động chính trị, trong thực thi chính sách để điều chỉnh chính sách và cách thực thi chính sách cho phù hợp thì sẽ rất khó thành công, thậm chí khó tránh khỏi thất bại.

   Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã phải thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ các cấp, kể cả các cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý cho thấy những nỗ lực trong việc xây dựng, chỉnh đốn, củng cố sức mạnh của Đảng và hệ thống chính trị. Tham nhũng, tiêu cực là nạn “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo từ rất sớm rằng, “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”(4). “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”(5). Cảnh báo đó của Bác đặc biệt đúng trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta. Ở một số nơi, một số lĩnh vực, nạn “giặc nội xâm” đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào chính quyền các cấp, vào Nhà nước, vào sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, rất cần “sự thống nhất cao về ý chí và hành động”, phải hoàn thiện cơ chế trong phòng ngừa và chống tham nhũng, tiêu cực để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng”. Các cơ quan công quyền, các “công bộc của dân” cần lấy lại niềm tin của người dân. Bởi vì “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, mất niềm tin của dân là mất tất cả, dẫn tới nguy cơ đối với sự tồn tại của chế độ và sự bền vững của đất nước. Nếu không kiên quyết để sớm bài trừ các tệ nạn này, nếu luật pháp của Nhà nước và kỷ luật đảng không thật sự được tôn trọng, không được thực thi có hiệu quả thì nguy cơ đối với chế độ do nạn tham nhũng, nạn nhận hối lộ gây ra sẽ vô cùng lớn. Quyết tâm chống tham nhũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào… Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”(6). Sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thực sự là vấn đề đáng lo ngại, đồng thời đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các nữ đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tìm hiểu về nghệ thuật tranh Đông Hồ tại làng Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ngày 6-3-2024 _Ảnh: TTXVN

   Bên cạnh cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng ta chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;… là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đường lối đó có sự kế thừa kinh nghiệm của cha ông ta. “Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”(7).

   Như vậy, văn hóa chính trị biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Những hình thức biểu hiện này cũng chính là những yếu tố cốt lõi làm nên văn hóa chính trị của cán bộ trong hệ thống chính trị; gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau tạo thành phẩm chất, nhân cách, thúc đẩy năng lực hành động chính trị của các cá nhân, tổ chức chính trị, từ đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chính trị đã đề ra./.

       Nguồn: tapchicongsan.org.vn

-----------------------       

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 273 - 274
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 388
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 39
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 278
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 362 - 363
(6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 396
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 184

Lên đầu trang