Tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đề nghị được kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần bảo vệ lợi ích của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ổn định tình hình an ninh, chính trị và phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian (từ ngày 01/12/2017 đến ngày 31/5/2020) VKS 2 cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận: 1092/1092 việc đơn. Trong đó, Đơn Khiếu nại: 299 đơn/299 việc (chiếm tỉ lệ 27,4%); Đơn Tố cáo: 51 đơn/51 việc (chiếm tỉ lệ 4,7%); Đơn yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm: 02 đơn/02 việc (chiếm tỉ lệ 0,2%); Đơn đề nghị kiểm tra lại 07 đơn/07 việc (chiếm tỉ lệ 0,64%); Tin báo, tố giác về tội phạm: 233 tin/233 việc (chiếm tỉ lệ 21,3%); Tố giác trong hoạt động tư pháp: 03 đơn/03 việc (chiếm tỉ lệ 0,3%); Đơn khác: 497 đơn/497 việc (chiếm tỉ lệ 45,5%).
Nội dung dơn tập trung chủ yếu: Đối với lĩnh vực tố tụng hình sự (khiếu nại Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Kết luận điều tra; khiếu nại Quyết định giải quyết khếu nại). Lĩnh vực tố tụng hành chính và tố tụng dân sự (khiếu nại Thông báo trả lại đơn khởi kiện; khiếu nại quyết định giải quyết của Tòa án cấp huyện, yêu cầu bổ sung nội dung, trình bày vấn đề; đề nghị thay đổi Kiểm sát viên, tố cáo Thẩm phán không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án). Lĩnh vực thi hành án dân sự (liên quan vấn đề kê biên, cưỡng chế, yêu cầu thi hành án, định giá tài sản). Lĩnh vực thi hành án hình sự (đơn xin hoãn thi hành án, giảm nhẹ) và các trường hợp đơn liên quan đến vấn đề hành chính, đất đai, chính sách…
Việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn đã được VKS 2 cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo thời hạn, thời hiệu giải quyết.
Bên cạnh những mặt làm được, công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn vẫn còn những tồn tại: Cán bộ được phân công làm công tác này ở một số đơn vị VKS cấp huyện còn bị động trong việc nắm bắt Quy chế số 51 và các văn bản liên quan điều chỉnh. Về xử lý đơn theo quy định tại Điều 10 Quy chế số 51 một số đơn vị VKS cấp huyện còn lúng túng trong xác định đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS với đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp khác mà VKS có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết, giữa đơn tố cáo với tin báo, tố giác về tội phạm..
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ, giảm tình tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị…gửi vượt cấp, kéo dài. Thanh tra – Khiếu tố VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại xử lý đơn ở VKSND 2 cấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới như sau:
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Viện VKS các cấp đối với công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn để đảm bảo việc bố trí sắp xếp cán bộ hợp lý trong việc phân công công việc.
Cán bộ, Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn cần phải nâng cao trách nhiệm đối với công việc được giao nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, không ngừng nâng cao tinh thần học hỏi đồng nghiệp qua kinh nghiệm thực tế, trao dồi kiến thức pháp luật chung, các quy định, Quy chế riêng của ngành và cập nhật các văn bản liên quan để áp dụng vào giải quyết công việc.
VKS cấp trên thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ theo kế hoạch năm để cán bộ, Kiểm sát viên trang bị thêm kiến thức, nâng cao tinh thần học hỏi và trau đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, rút ra được những bài học áp dụng thực tế, mặt hạn chế của những tồn tại.
Tăng cường công tác hướng dẫn và phối hợp trao đổi nghiệp vụ giữa VKS cấp trên đối với VKS cấp dưới, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác này khi VKS cấp dưới có thỉnh thị đối với những nội dung, tình huống phát sinh.
VKS cấp trên cần đẩy mạnh công tác kiểm tra việc triển khai, thực hiện các quy định về công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn đối với VKS cấp dưới theo định kỳ hoặc kế hoạch năm nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục kịp thời để mang lại hiệu quả cao cho công việc.
Tăng cường kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp cùng cấp về trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo…thông qua kiểm sát việc ra văn bản giải quyết đơn, thời hạn giải quyết, lập hồ sơ giải quyết trên cơ sở đối chiếu các quy định của pháp luật và các Thông tư liên tịch để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm trong quá trình giải quyết.
Đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần chủ động tham mưu giúp lãnh đạo Viện trong việc xây dựng, ra văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm xử lý kịp thời, chính xác những phát sinh trong quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn. Thường xuyên đối chiếu, đôn đốc việc giải quyết đơn của các đơn vị (bộ phận) nghiệp vụ cũng như của các cơ quan tư pháp ở địa phương nhằm đảm bảo việc giải quyết đúng quy định, hiệu quả cao.
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Kiểm sát tiến hành phối hợp chặt chẽ với các ngành và các cấp, các đoàn thể trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật; đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao hiểu biết, giúp người dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình khiếu nại, tố cáo… tránh xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài./.
Bài viết: Hoàng Thị Ngọc - Phòng Thanh tra – Khiếu tố