Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong 28 tỉnh, thành có bờ biển và là địa phương có đội ngũ hậu cần nghề cá phát triển nên là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc EU cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Sau hơn 07 năm (kể từ ngày 23/10/2017), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) và thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong công tác này đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận.
Lực lượng biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền cho ngư dân về IUU trước khi ra khơi. Ảnh: Hoàng Nhị/ TTXVN.
Với quyết tâm chính trị, đặt ra yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương cùng giải quyết các vụ án, vụ việc. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thông qua việc giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến IUU trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi nhận thấy cần phải tiếp tục áp dụng một số giải pháp như sau:
- Cấp có thẩm quyền sớm ký kết các văn bản giữa Việt Nam và các nước liên quan, nhất là đối với những tồn tại về vùng chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và phát sinh tranh chấp các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền … tạo cơ sở hành lang pháp lý cho nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển cũng như việc hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân. Phối hợp với lực lượng chức năng các nước trong khu vực giải quyết các vụ việc liên quan đến ngư dân ta; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ, trợ giúp, bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động khai thác hợp pháp, tạo chỗ dựa, củng cố niềm tin để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
- Tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân về nỗ lực phòng, chống khai thác IUU của Đảng và Chính phủ Việt Nam; thông tin, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân điển hình trong phòng, chống khai thác IUU, có lồng ghép các chính sách, quy định về xử lý các hành vi vi phạm có liên quan.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực và thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương, đặc biệt tại các cảng cá đảm bảo thống nhất, đồng bộ về mô hình tổ chức quản lý cảng cá, mô hình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU tại cảng cá.
- Thúc đẩy nghiên cứu xây dựng ban hành cơ chế cấm khai thác thủy sản theo vùng, theo mùa… để duy trì và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản tự nhiên; đẩy nhanh thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, phát triển thủy sản bền vững như: Chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng tại các khu vực cấm khai thác có thời hạn nhằm phục hồi và cải tạo nguồn lợi thủy sản; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác chọn lọc, thân thiện môi trường và hỗ trợ chuyển đổi kinh tế sang các ngành nghề khác.
- Huy động các nguồn lực đầu tư áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hóa trong công tác quản lý giám sát hoạt động nghề cá đồng bộ từ bờ đến tàu, bảo đảm cho các lực lượng, phương tiện trên biển cùng khai thác, chia sẻ thông tin kịp thời. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đảm bảo chủ tàu, thuyền viên và đối tượng vi phạm không thể can thiệp được vào thiết bị; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác hải sản theo khu vực biển; xây dựng, vận hành Trung tâm giám sát tàu cá; trong đó, chú trọng triển khai và thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát, định vị GPS, thông tin liên lạc ICOM, quy định khai báo trước, trong và sau mỗi lần ra khơi,… tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý để ngư dân dễ dàng thực hiện, cũng như tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, duy trì trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.
- Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống tàu cá ngư dân vi phạm IUU, nhất là ở các vùng biển, khu vực trọng điểm, xử lý ngay từ cơ sở, từ gốc rễ của vấn đề; làm tốt hơn nữa công tác quản lý đội tàu; rà soát, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giấy phép khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng theo quyết định phân bổ hạn ngạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Các lực lượng chuyên trách cần kịp thời cập nhật tình hình, xác minh cụ thể, chính xác các vụ việc tàu cá vi phạm pháp luật; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, thu thập thông tin có liên quan đến các hành vi vi phạm IUU và những hành vi vi phạm khác trên biển. Trong đó, tập trung nắm các hành vi khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài và hành vi môi giới đưa người, phương tiện sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; hành vi vi phạm của các chủ thể tàu cá trong sử dụng, vận hành, gửi thiết bị giám sát hành trình… để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Nâng cao chất lượng công tác THQCT, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc có liên quan. Theo đó, Viện kiểm sát cần tích cực tham gia kiểm sát đầy đủ các hoạt động điều tra như: Khám nghiệm hiện trường, xác định tọa độ vị trí, nhận dạng, đối chất,...nắm chắc tiến độ giải quyết, kịp thời đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh cụ thể, chi tiết, chính xác; cần thực hiện việc gắn công tố với điều tra, tham gia sâu vào các hoạt động điều tra để nắm rõ, nắm chắc các tình tiết vụ án trong giai đoạn điều tra, có kế hoạch THQCT, kiểm sát điều tra và yêu cầu Điều tra viên thường xuyên trao đổi, chuyển tài liệu đã thu giữ được theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên cần theo sát tiến độ điều tra để kịp thời báo cáo với Lãnh đạo nắm và chỉ đạo. Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Điều tra viên rà soát, tổng hợp, đánh giá chứng cứ, xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can khi cần thiết nhằm đảm bảo chứng cứ vững chắc khi quyết định truy tố; đề xuất xử lý nghiêm khắc tội phạm có liên quan.
- Nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành và tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm nhằm hạn chế các vi phạm trong nghiệp vụ khi giải quyết các vụ án hình sự nói chung và các vụ án liên quan đến IUU nói riêng. Lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên ở các giai đoạn tố tụng, đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ về kiểm sát việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; khởi tố, đề ra yêu cầu điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ, kiểm sát việc lập hồ sơ, kiểm sát việc kết thúc điều tra, đề xuất truy tố, xử lý vụ án.
Lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường các tàu cá có hành vi tháo gửi và nhận cất dấu thiết bị giám sát hành trình.
Tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với đời sống, sinh kế của ngư dân, mà còn tác động sâu sắc tới nền kinh tế của đất nước. Do vậy, thực hiện thắng lợi mục tiêu này đã, đang là yêu cầu cấp bách của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, của các tổ chức, lực lượng, góp phần quan trọng phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, vị thế, uy tín đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Tin bài: Ma Quang Lâm – Trưởng phòng 1 VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.