Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính, nhất là các vụ án khiếu kiện quyết định hành chính về thu hồi, bồi thường và hỗ trợ tái định cư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; theo đó, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ bao gồm nhiều nội dung như: Phần diện tích đất thu hồi được bồi thường, phần diện tích đất bị thu hồi không được bồi thường; giá đất thu hồi được bồi thường; hỗ trợ về công trình kiến trúc có trên đất; các nội dung về tái định cư, giao đất ở mới hoặc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm….. Tuy nhiên, người có đất bị thu hồi không đồng ý một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định phê duyệt; yêu cầu Tòa án buộc Ủy ban nhân dân (UBND) phải thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho người khởi kiện các quyền lợi của người sử dụng đất. Tuy nhiên, có yêu cầu khởi kiện mà trong quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường chưa được UBND quyết định; mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án xác định người khởi kiện không đủ điều kiện để được chấp nhận yêu cầu này nhưng Tòa án cũng không có thẩm quyền tuyên bác yêu cầu khởi kiện.
Ví dụ vụ án hành chính giải quyết về “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” giữa:
Người khởi kiện: Bà Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1962
Người bị kiện: Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Vũng Tàu
Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu
Nội dung vụ án: Vào ngày 31/12/2019, UBND thành phố Vũng Tàu ban hành Quyết định số 7263/QĐ-UBND về việc thu hồi 5.264,30 m2 đất tại phường Thắng Nhì do ông (bà) Trịnh Văn Thắng - Nguyễn Thị Hương đang sử dụng, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu (Quyết định 7263).
Cùng ngày 31/12/2019, UBND thành phố Vũng Tàu ban hành Quyết định số 7266/QĐ-UBND (Quyết định 7266) về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho ông (bà) Trịnh Văn Thắng - Nguyễn Thị Hương do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án trường Tiểu học Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu. Trong đó, tại mục A Phần 1 Điều 1 của quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá trị quyền sử dụng đất xác định như sau: đất nuôi trồng thủy sản vị trí 1, đường loại 3, diện tích 3.964,4 m2, giá 5.366.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản vị trí 2, đường loại 3, diện tích 1.299,9 m2, giá 3.766.000 đồng/m2; tiền bồi thường về đất là 26.168.393.800 đồng.
Tại mục Đ Phần 1 Điều 1 của quyết định về hỗ trợ nhà, vật kiến trúc: hỗ trợ hàng rào lưới B40, trụ bê tông 17,6 m2, giá 292.000 đồng/m2, thành tiền là 5.139.200 đồng; hỗ trợ mái che tôn fibro, nền đất, vách tôn 24 m2, giá 265.000 đồng/m2, thành tiền là 6.360.000 đồng.
Bà Hương không đồng ý với giá đất bồi thường tại quyết định 7266, nên làm đơn khiếu nại, yêu cầu được bồi thường giá trị đất tính theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất. Ngày 22/05/2020, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 2329/QĐ-UBND, bác bỏ khiếu nại của bà Hương, giữ nguyên quyết định 7266.
Vì vậy, bà Hương khởi kiện, yêu cầu Tòa án xét xử như sau:
- Hủy mục A Phần 1 Điều 1 của quyết định 7266;
- Hủy quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 2329;
- Buộc UBND thành phố Vũng Tàu bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại thời điểm ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung;
- Buộc UBND thành phố Vũng Tàu hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 1,5 lần giá đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất thu hồi 5.264,3 m2 theo bảng giá đất do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định.
Tại bản án hành chính sơ thẩm số 33/2021/HC-ST ngày 21/06/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xét xử như sau: Bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hương.
Bản án hành chính phúc thẩm số 192/2023/HC-PT ngày 28/3/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử: Hủy một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu giải quyết lại về yêu cầu khởi kiện: Buộc UBND thành phố Vũng Tàu hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, bằng 1,5 lần giá đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất thu hồi 5.264,3 m2 theo bảng giá đất do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định do:
Điều 83 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc “Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất”, như sau:
“1. Nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
a) Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ
b) Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.
2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
…….
b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;”.
Theo quy định của điều luật dẫn chiếu nói trên thì khi thu hồi đất, ngoài việc bồi thường, Nhà nước còn phải xem xét về nhiều khoản hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, trong đó, có việc xem xét về “Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm...” (Điểm b Khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai năm 2013).
Tuy nhiên, tại quyết định số 7266/QĐ-UBND ngày 31/12/2019, UBND thành phố Vũng Tàu chưa xem xét, giải quyết về việc “Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm...” đối với gia đình bà Nguyễn Thị Hương là người bị thu hồi đất. Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng “...gia đình bà Hương không đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm…..” nên đã xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của đương sự. Việc nhận định và xét xử nói trên là sai sót, bởi vì về nguyên tắc, Tòa án chỉ có quyền xem xét đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính mà phía người bị kiện đã thực hiện hoặc không thực hiện, theo luật định. Trong trường hợp này, khi yêu cầu về “Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm...” của gia đình bà Nguyễn Thị Hương chưa được UBND thành phố Vũng Tàu xem xét chấp nhận hay không chấp nhận thì Tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền bác bỏ yêu cầu khởi kiện.
Như vậy, khi nhận diện được thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với những nội dung liên quan đến quyết định hành chính/hành vi hành chính chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ giúp cho các cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu loại án này dễ dàng nhận diện và có quan điểm đối với vi phạm của Tòa án trong việc xác định thẩm quyền giải quyết; qua đó thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu; hạn chế án hủy, sửa có trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Tin, bài: Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phòng 10