10/11/20 09:39

KINH NGHIỆM TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ

Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản”, giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn A và bị đơn là Ban quản lý rừng phòng hộ, tôi xin trao đổi để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu, tham khảo như sau:

1. Tóm tắt nội dung vụ án:

Nguyên đơn cho rằng: Ban quản lý rừng phòng hộ và ông Phạm Văn A có ký kết 02 hợp đồng khoán bảo vệ rừng và trồng rừng phòng hộ Núi Dinh - Thị Vải, cụ thể: Hợp đồng ngày 15/4/1995 với tổng diện tích gây trồng rừng là 7,7 ha thuộc lô số 10,11; Hợp đồng ngày 15/4/2001 với tổng diện tích khoán bảo vệ rừng là 4,0 ha thuộc lô 12, các diện tích này đều thuộc khoảnh I, tiểu khu Long Hương và có thời hạn hợp đồng đến 25/4/2045. Nội dung của hai hợp đồng này đều thể hiện: Ông A được thanh toán tiền công bảo vệ, gây trồng rừng phòng hộ sau khi nghiệm thu theo thời giá nhà nước đầu tư hàng năm hoặc các sản phẩm khác quy thành tiền; được hưởng các sản phẩm khác do mình kết hợp làm ra như trồng xen canh cây công nghiệp, cây dược liệu trên diện tích nhận khoán nhưng không được làm tác hại đến cây trồng rừng; được thu hái đặc sản, hạt giống, lâm sản phụ, củi khô nhưng không được làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng; được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa trong quá trình bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ. Khi thời gian nhận khoán theo hợp đồng đã ký kết chưa kết thúc, do hoàn cảnh khách quan không thể tiếp tục nhận khoán nữa, ông A có thể chuyển quyền nhận khoán cho người khác hoặc được thanh toán phần hợp đồng trong thời gian thực hiện để bên giao khoán lập hợp đồng khoán với người đó; được bồi thường thiệt hại nếu bên giao khoán gây ra. Ngoài ra, ông A đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng mà không vi phạm. Tuy nhiên, Ban quản lý rừng phòng hộ đã lợi dụng trách nhiệm được giao về hướng dẫn, kiểm tra khai thác trong rừng phòng hộ, không thông báo cho ông A biết mà đơn phương hướng dẫn cho chi nhánh Sông Đà 11.5 khai thác và lấy toàn bộ sản phẩm gỗ có diện tích 1.106,7 m2 thuộc lô 11, 12, khoảnh 01 gây thiệt hại cho ông A. Ngay khi phát hiện ra vụ việc, ông A đã làm đơn gửi Hạt kiểm lâm Châu Đức-Bà Rịa và đã nhận được Công văn trả lời có nội dung: Quyền lợi của ông A với Ban quản lý rừng phòng hộ thuộc trách nhiệm giải quyết của chủ rừng. Vì vậy, ông A có đơn khởi kiện Ban quản lý rừng phòng hộ yêu cầu bồi thường 65% thiệt hại của số tiền 1.686.000.000 đồng là: 1.095.900.000 đồng (gồm các loại cây: Cẩm Lai: 07 cây; Giáng Hương: 02 cây; Bằng Lăng: 14 cây; Phượng Vỹ: 10 cây: Muồng Đen: 78 cây; Gỗ tự nhiên: 23 cây; Tràm bông vàng: 166 cây). Ngày 02/3/2017, ông A có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện lên số tiền là 1.433.100.000 đồng do có sự tính toán nhầm lẫn giữa rừng phòng hộ đầu nguồn với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay thì tỷ lệ hộ nhận khoán được hưởng là 80-90% giá trị cây trồng, bình quân là 85%. Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu số tiền 717.650.000 đồng là thiệt hại của các cây trồng bao gồm: Gỗ Giáng Hương: 2 cây (45 triệu đồng/01 cây); Gỗ Bằng Lăng: 14 cây (07 triệu đồng/01 cây); Gỗ Phượng Vỹ: 10 cây (07 triệu đồng/01 cây); Gỗ Muồng đen: 05 cây (07 triệu đồng/01 cây); Gỗ tự nhiên (gỗ tạp): 23 cây (03 triệu đồng/01 cây); Gỗ Tràm bông vàng: 18 cây (03 triệu đồng/01 cây); Tổng cộng là 731.000.000 đồng, Ban quản lý rừng phòng hộ hưởng 15% giá trị cây Muồng và cây Tràm là 13.350.000 đồng.

Ý kiến của bị đơn trình bày thống nhất với nguyên đơn về việc giao kết các hợp đồng giao khoán năm 1995 và 2001 nhưng cho rằng: Việc chăm sóc, bảo vệ rừng theo dự toán đã được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm; đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn cho rằng: Do thực hiện chủ trương xây dựng đường dây điện 220KV Phan Thiết – Phú Mỹ 2, Phó thủ tướng có văn bản chỉ đạo về việc đẩy mạnh tốc độ thực hiện dự án; ngày 21/11/2014, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành công văn có nội dung: Cho phép Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung thi công trước các cột móng trụ điện đoạn tuyến đi qua rừng phòng hộ thuộc dự án. Ngày 29/12/2014, Sở NN&PTNT có Quyết định về việc cấp phép khai thác tận dụng gỗ của Công ty cổ phần Sông Đà 11- chi nhánh Sông Đà 11.5 tại rừng phòng hộ thuộc địa bàn thành phố Bà Rịa trên diện tích 4.644,7 m2 với 08 vị trí móng trụ, trong đó tại điều 2 của Quyết định này có nêu: Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động khai thác của đơn vị khai thác được quy định tại Điều 26 Thông tư 35 của Bộ NN&PTNN; kiểm tra, đảm bảo công tác vệ sinh rừng và phòng chống cháy rừng trong và sau khi khai thác, đồng thời quản lý lâm sản theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng vị trí móng trụ, Công ty cổ phần Sông đà 11, Chi nhánh Sông Đà 11.5 đã mở đường tạm để đưa máy móc, thiết bị tới thi công vị trí móng trụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tổng diện tích rừng bị phá là 2.956,1m2 trong đó có 1.106,7 m2 nằm trong diện tích rừng nhận khoán của ông A thuộc lô 11, 12 nên Ban quản lý rừng phòng hộ không hướng dẫn Chi nhánh Sông Đà 11.5 khai thác tận dụng gỗ ngoài khu vực cấp phép, không phải là người trực tiếp gây thiệt hại cho ông A; đồng thời Chi cục kiểm lâm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh Sông Đà 11.5 về hành vi phá rừng với số tiền là 60.000.000 đồng, hình phạt bổ sung là: Buộc thanh toán chi phí trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng đối với diện tích 2.956,1 m2 là 9.799.635 đồng. Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ cũng đã có công văn đề nghị Chi nhánh Sông Đà 11.5 tiến hành chi trả bồi thường thiệt hại nhưng cho đến nay chưa thực hiện nên Ban quản lý rừng phòng hộ không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người liên quan là Công ty cổ phần Sông Đà 11 cho rằng: Chi nhánh Sông Đà 11.5 là đơn vị trực thuộc của công ty và có mở đường tạm qua lô 11, 12 khoảnh 01 tiểu khu Long Hương khi chưa được cấp phép. Tuy nhiên, phía công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã nộp phạt và đóng tiền chi phí trồng lại rừng nên công ty xác định không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông A. Chi nhánh Sông Đà 11.5 cho rằng: Công trình đã hoàn thiện đóng điện và bàn giao cho đơn vị chức năng vận hành và có yêu cầu vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Công ty TNHH một thành viên xây lắp điện 4 cho rằng: Công ty có thi công các vị trí móng cột nhưng việc mở đường tạm thi công thuộc khối lượng công việc của công ty cổ phần Sông Đà 11 nên Công ty cổ phần Sông Đà 11 phải chịu trách nhiệm về việc này.

Ban quản lý dự án các công trình Miền Trung trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm không tham gia, có đơn xin giải quyết vắng mặt. Theo kết quả ủy thác tư pháp cho Tòa án thành phố Đà Nẵng thì BQLDA các công trình Miền Trung có cung cấp các hợp đồng xây lắp giữa các bên.

2. Kết quả giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm:

Quyết định đình chỉ của TAND thành phố Bà Rịa đã căn cứ vào Điều 217,  Điều 219 BLTTDS đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí đo đạc, định giá tài sản.

Quyết định của Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Hủy Quyết định đình chỉ của TAND thành phố Bà Rịa.

Bản án của TAND thành phố Bà Rịa tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn A về việc yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ bồi thường số tiền 715.450.000 đồng

2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn A về việc yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ bồi thường thiệt hại tổng số tiền 717.650.000 đồng.

Về án phí: Ông A phải nộp 32.706.000 đồng.

3. Những vấn đề cần lưu ý trong vụ án:

3.1. Về quan hệ tranh chấp:

Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và bị đơn đều xác định các hợp đồng giao khoán và bảo vệ rừng năm 1995 và năm 2001 giữa Ban quản lý rừng phòng hộ và ông Phạm Văn A đã được thực hiện, không tranh chấp về nội dung của các hợp đồng giao khoán này. Năm 2014 khi Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung là chủ đầu tư xây dựng dự án đường dây điện 220KV Phan Thiết - Phú Mỹ 2 đi qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong đó có một số trụ móng thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ; đơn vị trực tiếp thi công là liên danh Công ty cổ phần Sông Đà 11 và  Công ty TNHH MTV xây lắp điện 4 trong đó Chi nhánh công ty cổ phần Sông Đà 11.5 là đơn vị trực tiếp tiến hành san ủi mặt bằng làm đường tạm để vận chuyển vật liệu xây dựng lên vị trí móng trụ trong khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa đền bù giá trị thiệt hại của cây rừng dẫn đến hộ ông A bị thiệt hại về giá trị cây rừng được hưởng. Vì vậy, có căn cứ xác định quan hệ tranh chấp là "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản"  theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 và khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, do đó Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là "tranh chấp bồi thường thiệt hại đối với hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng phòng hộ''  là không chính xác.

3.2. Xác định người bị thiệt hại và người gây thiệt hại làm căn cứ giải quyết vụ án.

- Về người bị thiệt hại: Căn cứ vào Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm quản lý đối với diện tích rừng phòng hộ được giao. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng chính phủ về quy chế bảo vệ rừng thì Ban quản lý rừng phòng hộ và hộ nhận giao khoán rừng thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng, chia sẻ lợi ích từ sản phẩm rừng; được hưởng theo tỷ lệ % đối với giá trị cây rừng khi khai thác. Do đó, khi cây rừng bị đơn vị thi công san ủi để làm đường tạm chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đưa vật liệu xây dựng lên vị trí móng trụ, ngoài hộ ông A thì Ban quản lý rừng phòng hộ cũng là người bị thiệt hại về tài sản.

- Về người gây thiệt hại: Theo biên bản vi phạm hành chính của Hạt kiểm lâm huyện Châu Đức-Chi cục kiểm lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nội dung: Ngày 30/12/2014, chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 11.5 thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 11 do ông Nguyễn B đại diện đã dùng xe cơ giới san ủi mở đường để thi công đường điện 220KV Phan Thiết - Phú Mỹ 2, tại lô 11, 12 và 14 khoảnh 01, tiểu khu Long Hương thuộc rừng phòng hộ Núi Dinh do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý với tổng diện tích 2.956,1 m2; việc san ủi làm đường chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại biên bản ghi lời khai ngày 26/01/2015 tại Văn phòng hạt kiểm lâm huyện Châu Đức đối với ông Nguyễn B - có nội dung:  Đơn vị thi công việc san ủi đường gây thiệt hại rừng tại lô 11, 12 và 14 là công ty Cổ phần Sông Đà 11, trực tiếp thi công là Chi nhánh Sông Đà 11.5. Từ đó, có đủ căn cứ xác định người gây thiệt hại đối với cây rừng hiện ông A đang tranh chấp là Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 11.5 thuộc Công ty Cổ phần Sông Đà 11.

Như vậy, có căn cứ xác định thiệt hại xảy ra đối với diện tích cây rừng tại vị trí san ủi đất làm đường tạm thì ngoài hộ ông A còn có quyền lợi của Ban quản lý rừng phòng hộ. Trong quá trình giải quyết vụ án Ban quản lý rừng phòng hộ vẫn xác định: Trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân giao khoán thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ; tuy nhiên đến nay Ban quản lý rừng chưa nhận được bất cứ khoản bồi thường nào ngoài số tiền 9.799.653 đồng là số tiền Công ty Cổ phần Sông Đà 11 nộp để trồng lại và chăm sóc diện tích rừng đã bị san ủi. Vì vậy, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, phiên tòa đã được tạm ngừng để Ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện thủ tục khởi kiện để yêu cầu bồi thường; tuy nhiên yêu cầu khởi kiện của Ban quản lý rừng phòng hộ chưa được thụ lý giải quyết thì Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa vụ án khởi kiện của ông A ra giải quyết và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do: Ban quản lý rừng phòng hộ cũng là người bị thiệt hại đối với diện tích cây rừng bị san ủi; Ban quản lý rừng cũng vẫn xác định có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho hộ ông A nên để đảm bảo quyền lợi của Ban quản lý rừng cũng như hộ ông A thì Tòa án cấp sơ thẩm cần phải thụ lý yêu cầu của Ban quản lý rừng phòng hộ khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với đơn vị gây thiệt hại để giải quyết trong cùng một vụ án mới đảm bảo vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và tránh phát sinh thêm vụ án khác.

Do đó, Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định hủy Bản án của TAND thành phố Bà Rịa, giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

 

                                                     Bài: Vũ Thị Hồng Hạnh – Phòng 9

Lên đầu trang