Do nhận thức về thuật ngữ tên khoa học của loài mà thực tiễn còn ý kiến khác nhau đối với việc xác định voi châu Phi có phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hay không? Hành vi mua bán lông đuôi voi châu Phi có cấu thành tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không?
Hiện nay, tình hình tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sự phát triển bình thường của các loài động vật. Việc đấu tranh, phòng ngừa và xử lý loại tội phạm này đã, đang và sẽ trở thành yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số quy định hiện hành về loại tội phạm này, tác giả nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc; những quan điểm khác nhau về phương hướng xử lý dẫn đến áp dụng pháp luật thiếu thống nhất, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Sau đây, tác giả đưa ra một vụ việc còn nhiều quan điểm khác nhau để độc giả cùng trao đổi.
Nội dung vụ việc:
Nguyễn Văn A (25 tuổi) là đối tượng chuyên thu mua trái phép các sản phẩm động vật hoang dã trong nước và từ nước ngoài nhằm phân phối cho các đối tượng buôn bán nhỏ lẻ trong nước. Ngày 02/3/2020, A đặt mua một bao lông đuôi voi (không có giấy tờ hợp pháp) với giá 85.000.000 đồng từ một đối tượng chưa xác định được danh tính trên mạng xã hội facebook với mục đích bán lại kiếm lời. Từ ngày 04/3/2020 đến ngày 06/3/2020, A đã bán hơn 30 chiếc lông đuôi voi cho các đối tượng (không xác định được danh tính). Đến ngày 07/3/2020, khi đang chuẩn bị đi giao hàng thì A bị Đội cảnh sát kinh tế Công an huyện X tiến hành kiểm tra và thu giữ số tang vật là 01 bao tải nặng 14,95 kg có chứa lông động vật, nghi là lông đuôi voi, được A cất giấu tại phòng ngủ cá nhân.
Ngày 20/03/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện X trưng cầu cơ quan có thẩm quyền giám định số tang vật nói trên. Ngày 26/03/2020, Viện sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam ban hành Kết luận giám định số 321/KLGĐ - SHNĐ ngày 26/03/2020 xác định: 01 bao chứa lông nghi là lông đuôi voi, được xác định là lông đuôi voi châu Phi (tên khoa học: Loxodonta africana) là sản phẩm của động vật quý, hiếm thuộc Phụ lục I (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp) - (Công ước CITES), tổng khối lượng 14,95 kg (kết luận định giá xác định giá trị tài sản là 85.000.000 đồng). Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện X đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Hồ sơ được chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân huyện X xem xét, quyết định phê chuẩn. Hiện có 02 quan điểm, ý kiến khác nhau về phương hướng xử lý đối với hành vi của Nguyễn Văn A như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, phải xử lý A về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:
“1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này”.
Như vậy, A đã có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép 14,95kg lông đuôi voi Châu Phi là sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Ý kiến thứ hai cho rằng, trong tình huống này, Viện kiểm sát nhân dân huyện X cần huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an huyện X, hoàn trả toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện X để chuyển xử lý hành chính đối với hành vi trên của Nguyễn Văn A vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai và cho rằng cần làm rõ một số nội dung để xác định hành vi của A có bị xử lý hành vi hình sự hay không, cụ thể như sau:
Về chủ thể: Nguyễn Văn A khi thực hiện hành vi là người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có đầy đủ năng lực nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Về mặt chủ quan: Nguyễn Văn A biết rõ hành vi tàng trữ, mua bán trái phép các sản phẩm động vật nguy cấp, quý, hiếm (trong trường hợp này là lông đuôi voi) là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; xâm phạm đến sự phát triển bình thường của các loài động vật được Nhà nước bảo vệ nhưng vẫn cố tình thực hiện nhằm thu lợi bất chính từ việc buôn bán trái phép sản phẩm này.
Tuy nhiên, khi đánh giá mặt khách quan, khách thể bị xâm hại bởi hành vi của Nguyễn Văn A, tác giả nhận thấy có vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể: Đối tượng của hành vi trên được xác định là lông đuôi voi châu Phi (tên khoa học: Loxodonta africana) theo kết luận giám định số 321/KLGĐ - SHNĐ ngày 26/03/2020. Căn cứ theo khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của BLHS năm 2015 thì: “Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: Thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...). Căn cứ vào đặc điểm hành vi, đối tượng phạm tội có thể xác định được A đã vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015. Đây là quy định dẫn chiếu từ điểm a khoản 1 Điều này nên sản phẩm được quy định tại điểm b phải là sản phẩm có nguồn gốc từ các loại động vật quy định tại Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Danh mục này sau đó đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ quy định về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ). Do đó, vấn đề tiếp theo các cơ quan tiến hành tố tụng cần giải quyết là xác định voi châu Phi có phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hay không? Theo đó, tại mục 32 của Danh mục trên xác định đối tượng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là “voi” (tên khoa học: Elephas maximus).
Những người theo ý kiến thứ nhất cho rằng từ “voi” được quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP (sau này là Nghị định số 64/2019/NĐ-CP) được hiểu bao gồm voi châu Á và voi châu Phi. Vì vậy, hành vi của A tàng trữ, mua bán 14,95 kg sản phẩm lông đuôi voi châu Phi đã phạm vào điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, tác giả cho rằng quan điểm trên chưa chính xác về ý nghĩa cũng như bản chất nội dung của Danh mục. Về mặt thuật ngữ khoa học, cụm từ “Elephas maximus” có nghĩa là “voi châu Á”. Tại Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước CITES đã xác định rất rõ tên khoa học của các loài voi trên thế giới, ta có thể xác định có 02 loài voi được bảo vệ theo quy định của Công ước CITES gồm: Voi châu Á (elephas maximus hay asian elephant) và voi châu Phi (loxodonta africana hay africa elephant) tại Phụ lục I, riêng đối với các quần thể voi châu Phi ở Botswana, Nam Phi, Nambia và Zimbabwe được quy định tại Phụ lục II của Công ước CITES. Nhằm nội luật hoá quy định trên của Công ước CITES tại mục 35 Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp cũng xác định rõ tên khoa học “Elephas maximus” là voi châu Á. Cách diễn giải này phù hợp với Công ước CITES cũng như thực trạng tình hình phân bố các loài động vật tại châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Theo nghiên cứu của WCS2, voi châu Phi được tìm thấy trên khắp lục địa châu Phi, từ vùng hoang mạc sa mạc Sahara đến những khu rừng phía Trung và Tây Phi, trong khi đó voi châu Á phân bố trải dài từ bờ biển Iran của Tây Á đến phía đông khu vực sông Trường Giang của Trung Quốc (hiện nay loài này chỉ còn các quần thể rải rác ở các nước Nam Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam). Tác giả cho rằng, khi nội luật hoá các quy định của Công ước CITES qua hai Danh mục trên, các nhà làm luật đã xác định tính phân bố cũng như mức độ ưu tiên bảo vệ của các loài động vật tương ứng khác nhau. Điều này được thể hiện tại Điều 4, 5, 6 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP nêu trên thông qua việc xác định các tiêu chí của loài được ưu tiên bảo vệ gồm: Số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe doạ tuyệt chủng; là loài đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hoá, lịch sử (bao gồm cả loài có tính đại diện của khu vực địa lý tự nhiên theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định). Vì vậy, tại Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, từ “voi” ở đây phải được hiểu là loài voi châu Á, đúng với tên thuật ngữ khoa học, đồng thời phù hợp với bản chất ưu tiên bảo vệ cũng như sự phân bố của loài động vật này theo khu vực địa lý đặc trưng. Việc hiểu sai bản chất thuật ngữ trên sẽ dẫn đến hệ quả là việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với một cá nhân hoặc pháp nhân thương mại mà không có căn cứ pháp luật.
Ý kiến thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng cần xử lý hành chính đối với hành vi của A, bởi lẽ tại Danh mục trên, nếu xác định là voi châu Á đồng nghĩa với việc hành vi của A không cấu thành tội phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015. Căn cứ điểm a khoản 13 Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, đối với hành vi tàng trữ, mua bán sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng sẽ bị xử phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 330.000.000 đồng. Mặc dù lông đuôi voi châu Phi không thuộc Danh mục trên tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này thì: “Hành vi vi phạm hành chính đối với các loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thì áp dụng xử phạt hành vi vi phạm như đối với thực vật rừng, động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I”. Do đó, đối với trường hợp tang vật thu giữ là sản phẩm của động vật rừng thuộc Phụ lục I Công ước CITES sẽ chiếu theo quy định tại điểm a khoản 13 Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Trong tình huống trên, Nguyễn Văn A đã có hành vi tàng trữ, mua bán 14,95 kg lông đuôi voi châu Phi (kết luận định giá xác định trị giá tài sản là 85.000.000 đồng) là sản phẩm động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I Công ước CITES, nên căn cứ khoản 3 Điều 6, điểm a khoản 13 Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, hành vi của Nguyễn Văn A chỉ bị xử lý hành chính là có căn cứ, đúng pháp luật.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả./.
Nguyễn Đức Hà, VKSND huyện An Nhơn, Bình Định nguồn Kiemsat.vn