Qua kiểm sát Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 12/2018/KDTM-ST ngày 11/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu, về giải quyết “Tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư”, giữa:
Nguyên đơn: Ông Huỳnh Quốc Tuấn, sinh năm: 1970, địa chỉ: 207, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 3, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bị đơn: Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS, địa chỉ: 257, đường Ba Cu, Phường, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhận thấy, ngày 08/02/2017, ông Huỳnh Quốc Tuấn và Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS ký Hợp đồng và phụ lục hợp đồng hợp tác đầu tư số: 82 và 170/2017/HĐ.HTĐT/SVS2-KHĐ; nội dung hợp đồng là ông Huỳnh Quốc Tuấn góp vốn đầu tư với Công ty Cổ phần SVS để mua bán cổ phần của các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động và phân chia lợi nhuận; số tiền ông Tuấn góp vào Công Ty Cổ phần SVS là 4.000.000.000 đồng. Lợi nhuận phân chia được hai bên thỏa thuận là 24%/năm, và 27,6%/năm; lợi nhuận được phân chia thanh toán hàng tháng bằng chuyển khoản qua ngân hàng hoặc bằng tiền mặt. Thời hạn thực hiện hợp đồng tính từ ngày 08/02/2017 đến hết ngày 31/12/2017.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần SVS chỉ thanh toán tiền lợi nhuận cho ông Huỳnh Quốc Tuấn đến tháng 4/2017. Tháng 8/2017, ông Tuấn phát hiện người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần SVS bỏ trốn không hoàn trả lại vốn góp.
Ngày 24/4/2018, ông Huỳnh Quốc Tuấn làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết buộc Công ty Cổ phần SVS trả lại số tiền gốc vốn góp là 4 tỷ đồng và các khoản lãi cho đến khi kết thúc hợp đồng do hai bên thỏa thuận là 688.000.000 đồng. Tổng số tiền là 4.688.000.000 đồng.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 12/2018/KDTM-ST ngày 11/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu đã quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Quốc Tuấn đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS, về “Tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư”. Buộc Công ty SVS có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Huỳnh Quốc Tuấn số tiền 4.000.000.000 đồng đồng nợ gốc và 1.548.000.000 đồng lợi nhuận.
Những vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm:
* Về tố tụng:
Hợp đồng hợp tác đầu tư được ký giữa ông Huỳnh Quốc Tuấn và Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS ngày 08/02/2017. Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ vụ án thì số tiền vốn góp 4.000.000.000 đồng của ông Huỳnh Quốc Tuấn do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Sao Vàng thu. Nội dung thu tiền góp vốn được ghi là hợp tác đầu tư tài trợ vốn Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Xuân Thiều và Hợp tác đầu tư SV3. Mặt khác, tại các phiếu chi trả tiền phân chia lợi nhuận hàng tháng cho ông Huỳnh Quốc Tuấn, khi thì do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Sao Vàng thu chi trả, khi thì do Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS chi trả.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ tư cách của Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Sao Vàng, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Xuân Thiều và SV3 là như thế nào, mối quan hệ của các chủ thể này với Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS ra sao để xem xét đưa vào tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
* Về nội dung:
Theo đơn khởi kiện ngày 24/4/2018 và bản tự khai ngày 28/6/2018 (do Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS vắng mặt nên không tổ chức hòa giải được), ông Huỳnh Quốc Tuấn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS trả số tiền góp vốn gốc là 4.000.000.000 đồng và tiền lãi là 688.000.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Huỳnh Quốc Tuấn yêu cầu khởi kiện bổ sung là buộc Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS trả lãi đến ngày xét xử.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại giải quyết buộc Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS phải trả cho ông Huỳnh Quốc Tuấn số tiền lợi nhuận là 1.548.000.000 đồng là giải quyết không đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vi phạm Điều 5, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Mặt khác, Hợp đồng hợp tác được ký giữa ông Huỳnh Quốc Tuấn và Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS chỉ có thời hạn đến hết ngày 31/12/2017, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tính lợi nhuận đến ngày xét xử là không phù hợp và chưa đúng quy định tại khoản 1, Điều 506, Bộ luật dân sự 2015: Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật này.
Theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác đầu tư thì ông Huỳnh Quốc Tuấn góp vốn để Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS mua bán cổ phần của các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động và phân chia lợi nhuận, nhưng Tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc kinh doanh, mua bán cổ phần của Cổ phần Dịch vụ đầu tư SVS ra sao, lợi nhuận như thế nào, nhưng lại tính lợi nhuận cho ông Tuấn với mức 2% và 2,3%/tháng là chưa có cơ sở vững chắc, vì lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trừ đi giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ và thuế theo quy định của pháp luật.
Bài viết: Lê Vẹn – Phòng 10