19/11/18 09:46

NHỮNG LƯU Ý TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT ĐƠN YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN

   Theo khoản 2, Điều 4, Luật phá sản năm 2014 quy định: Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.

   Hiện nay, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã yêu cầu mở thủ tục phá sản được Tòa án các cấp thụ lý không nhiều. Do số lượng vụ việc yêu cầu mở thủ tục phá sản ít nên một số đơn vị còn chủ quan, chưa đầu tư nghiên cứu nên khi thực hiện kiểm sát các quyết định của Tòa án, không phát hiện được những vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị hay kháng nghị theo quy định, cụ thể:

   Tại Quyết định số: 01/2018/QĐST-PS ngày 01/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu, về đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần cung cấp dịch vụ phương tiện nổi F.V.S (gọi tắt là Công ty Cổ phầ F.VS). Lý do đình chỉ là do Công ty Cổ phần F.V.S không nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản theo quy định tại khoản 2, Điều 23, Luật phá sản.

   Qua xem xét quyết định đình chỉ nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu nhận thấy có những vi phạm sau đây:

   Thứ nhất, Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự để quyết đình đình chỉ yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Cổ phần F.V.S cũng như quy định quyền kháng cáo, kháng nghị của Viện kiểm sát là không đúng quy định, vì yêu cầu mở thủ tục phá sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật tố tụng dân sự (Điều 1). Căn cứ pháp lý ở đây phải là Luật phá sản năm 2014.

   Thứ hai, Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu quyết định đình chỉ yêu cầu mở thủ tục phá sản với lý do Công ty Cổ phần F.V.S không nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản, nhưng lại tại Điều 2, của quyết định lại ghi hoàn trả 1.500.000 đồng tiền tạm ứng chi phí phá sản cho Công ty Cổ phần F.V.S là không hợp lý.

   Thứ ba, theo Điều 39, Luật phá sản thì điều kiện để được thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là khi Tòa án nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản (trừ trường hợp không phải nộp ). Do đó, Công ty Cổ phần F.V.S chưa nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản, nhưng Tòa án thành phố Vũng Tàu thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là vi phạm quy định nêu trên.

   Thứ tư, Trường hợp Công ty Cổ phần F.V.S không nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản, thì Tòa án thành phố Vũng Tàu phải căn cứ điểm đ, khoản 1, Điều 35, Luật phá sản để trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, không thụ lý. Tòa án thành phố Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ yêu cầu mở thủ tục phá sản với lý do Công ty Cổ phần F.V.S không nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản là không phù hợp.

   Tòa án chỉ ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán theo quy định tại Điều 86, Luật phá sản.

   Trên đây là những vi phạm cơ bản tại Quyết định số: 01/2018/QĐST-PS ngày 01/11/2018 của Tòa án nhân dân Vũng Tàu, về đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, xin được nêu lên để rút kinh nhiệm chung.

 

         Bài viết:  Nguyễn Sơn – Phòng 10

Lên đầu trang