Vũng Tàu là trung tâm kinh tế- văn hóa của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có thế mạnh về phát triển dầu khí, cảng biển và du lịch, trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Đông xuyên, Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn hiện đang triển khai dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn và tổ hợp hóa dầu Miền Nam. Cộng thêm sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng kết nối liên vùng: tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 51 mở rộng, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã khiến Tp Vũng Tàu có nhiều tiềm năng phát triển hơn bao giờ hết. Tp Vũng Tàu ngày càng thu hút đông dân cư sinh sống và làm việc, kinh tế phát triển, thị trường bất động sản sôi động... dẫn đến các tranh chấp dân sự xảy ra nhiều, đa dạng và phức tạp, trong đó có tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Những năm gần đây, nhu cầu vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng tăng mạnh. Xã hội phát triển, dân trí từng bước được nâng cao, người dân dần tìm tới nguồn vốn vay từ ngân hàng thay vì vay vốn bên ngoài xã hội như trước. Các tổ chức tín dụng hiện nay có khá nhiều hình thức cho vay vốn như: vay vốn tín chấp tiền mặt, cho vay thấu chi, vay trả góp, vay thế chấp…Tùy theo mục đích sử dụng của cá nhân mà bản thân khách hàng sẽ chọn lựa vay theo cách thức nào cho phù hợp nhất. Vay tín chấp là hình thức vay vốn không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn trên uy tín của khách hàng và nguồn thu nhập. Hình thức vay vốn này khá phát triển trong thời gian gần đây cùng với sự gia nhập của các công ty tài chính vì phù hợp với cá nhân cho những món vay nhỏ, phục vụ chi tiêu tiêu dùng, từ 10-100 triệu đồng. Loại hình vay này thường có mức lãi suất cao hơn các hình thức vay khác với thời gian cho vay tối đa là 60 tháng. Đối tượng cho vay tín chấp hiện nay ngày càng được mở rộng và có thể nói là rộng nhất trong các hình thức cho vay khác. Bởi vì trước đây các khách hàng thuộc nhóm dưới tiêu chuẩn cho vay rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, thì hiện nay nhóm khách hàng này có thể dễ dàng vay tín chấp. Đối với vay thấu chi, khách hàng có thể sử dụng vượt số tiền hiện có trong tài khoản thanh toán. Khi sử dụng hạn mức thấu chi, trên sao kê tài khoản sẽ hiển thị dư nợ là số âm. Hạn mức cho vay phụ thuộc vào khả năng tài chính của khách hàng, có tài sản thế chấp hay không, và một số yếu tố khác. Các hạn mức thấu chi được cấp thường có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Có thể áp dụng cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Còn vay thế chấp, các khoản tín dụng được cấp sẽ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Đặc điểm nổi bật là hạn mức cho vay cao, lãi suất thấp, linh hoạt, mục đích cho vay đa dạng, đối tượng khách hàng mở rộng… phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian cho vay dài có thể lên tới 25 năm theo kế hoạch người vay. Hình thức vay này phù hợp cho cả cá nhân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên do thủ tục vay vốn của ngân hàng phức tạp, mất nhiều thời gian, trong khi vẫn có những người có nhu cầu gấp về vốn trong thời gian ngắn, nếu chờ làm thủ tục vay vốn ngân hàng sẽ làm lỡ công việc làm ăn nên hiện nay vẫn tồn tại việc vay vốn ngoài xã hội với hình thức tín chấp hoặc thế chấp, thủ tục vay đơn giản. Người vay có thể nhanh chóng lấy được tiền vay để giải quyết công việc. Đối với vay tín chấp thì người cho vay và người vay chỉ thiết lập giấy vay tiền, biên nhận vay tiền hoặc hợp đồng vay tiền (gọi chung là hợp đồng vay tiền), hai bên ký nhận với nhau số tiền vay, lãi suất và thời hạn trả; song cũng có trường hợp chỉ ghi nhận số tiền vay, còn lãi suất và thời hạn trả hai bên thỏa thuận ngoài. Đối với hình thức vay có cầm cố giấy tờ nhà đất thì thường không lập thành hợp đồng cụ thể mà ghi ngay vào trong hợp đồng vay, các bên không làm các thủ tục về thế chấp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra còn một hình thức nữa là hợp đồng vay tiền do các đương sự ký kết bị biến tướng thành hợp đồng khác che đậy hợp đồng vay – pháp luật coi là hợp đồng giả tạo.
Dù vay dưới hình thức nào thì lãi suất vay ngoài xã hội thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay ngân hàng. Bên đi vay thường rơi vào tình trạng cần tiền gấp để thực hiện một nghĩa vụ không thể trì hoãn nên họ phải chấp nhận việc vay tiền với lãi suất cao với những rủi ro trong việc giao kết. Khi làm ăn thuận lợi người vay trả lãi đều đặn cho người cho vay. Nhưng khi làm ăn không thuận lợi việc trả lãi đối với lãi suất mà họ thỏa thuận với người cho vay khiến họ mất khả năng thanh toán dẫn đến tranh chấp xảy ra. Hay hợp đồng vay bị biến tướng thành hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với số tiền mua nhà đất của người vay rất thấp so với giá trị thực tế của tài sản, người đi vay luôn bị thua thiệt vì không có khả năng trả nợ và phải chịu trách nhiệm với hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký kết với bên cho vay.
VKSNDTP Vũng Tàu tham gia xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản"
Trong 3 năm gần đây (2016-2018), số lượng án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà TAND Tp Vũng Tàu thụ lý mới là 348 vụ (vay tài sản thông thường 138 vụ, án tín dụng 210 vụ). Cụ thể:
- Năm 2016: Thụ lý 41 vụ vay tài sản, 44 vụ tín dụng.
- Năm 2017: Thụ lý 54 vụ vay tài sản (49 vụ mới, 05 vụ cũ), 141 vụ tín dụng (133 vụ mới, 08 vụ cũ).
- Năm 2018: Thụ lý 64 vụ vay tài sản ( 48 vụ mới, 16 vụ cũ) , 71 vụ tín dụng (33 vụ mới, 38 vụ cũ).
Qua số liệu trên, có thể thấy số lượng các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản Tòa án thụ lý hàng năm, năm 2017 loại án này tăng đột biến. Điều này phản ánh tác động của điều kiện kinh tế-xã hội trên địa bàn Tp Vũng Tàu, nhu cầu sử dụng vốn của cá nhân, tổ chức tăng cao dẫn đến việc vay vốn của các tổ chức tín dụng diễn ra nhiều, ngày càng phức tạp nên phát sinh nhiều tranh chấp.
Quá trình giải quyết, số vụ án Tòa án hòa giải thành, đưa ra xét xử và đình chỉ không chênh nhau nhiều, cụ thể: 96 vụ xét xử, 84 vụ công nhận thỏa thuận, 90 vụ đình chỉ. Các vụ án đình chỉ đa số là do nguyên đơn rút đơn. Năm 2016 số vụ hòa giải thành là 27 vụ trên tổng số 68 vụ giải quyết (39,7%), số đưa ra xét xử là 4/68 vụ giải quyết (5,88%), số đình chỉ là 25/68 vụ giải quyết (36,76%); Năm 2017: so với tổng số vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giải quyết thì số vụ hòa giải thành chiếm 26,24%, xét xử chiếm 47,51%, đình chỉ chiếm 23,4%; Năm 2018 tỷ lệ hòa giải, xét xử, đình chỉ lần lượt là 25,64%, 32,05%, 42,3%. Có được kết quả như trên, có thể thấy thẩm phán TAND Tp Vũng Tàu đã luôn nỗ lực trong công tác hòa giải, phân tích hậu quả pháp lý và lợi ích của việc tự thỏa thuận cho các đương sự. Bằng sự khéo léo, linh hoạt trong quá trình giải quyết, Thẩm phán đã hướng cho các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, từ đó rút ngắn được thời gian tố tụng, tiết kiệm được thời gian, công sức của chính các bên, của cán bộ Tòa, tạo tâm lý thoải mái và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi hành án.
Thông qua việc kiểm sát các bản án, quyết định, nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử tại phiên tòa, phiên họp, VKSND Tp Vũng Tàu nhận thấy vi phạm chủ yếu của Tòa án trong việc giải quyết loại án này là vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, về tính lãi, xác định thiếu tư cách đương sự, tống đạt, niêm yết không đúng, vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ... Đối với các vi phạm này, Kiểm sát viên thường trao đổi để Thẩm phán khắc phục vi phạm. Trường hợp vi phạm lặp lại nhiều lần thì tập hợp lại để ban hành kiến nghị chung.
Kinh tế Vũng Tàu vẫn đang trên đà phát triển, thị trường bất động sản ngày càng nóng do quỹ đất dần khan hiếm là yếu tố dự báo các tranh chấp dân sự còn tiếp tục gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp, đòi hỏi đội ngủ Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên làm công tác này tại địa phương cần phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời gian tới.
Bài viết: Lương Ngọc Tú- VKSND Tp Vũng Tàu