Qua bài viết “Có nên áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay không” của tác giả Vũ Văn Long – Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Điền, tôi có ý kiến trao đổi như sau:
Tháng 6/2018, Nguyễn Hoài Phong có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và bị Công an xã Phước Hưng, huyện Long Điền lập biên bản vi phạm hành chính. Trước đó, vào tháng 3/2018 Nguyễn Hoài Phong đã bị UBND xã Phước Hưng, huyện Long Điền ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã trong thời hạn 3 tháng. Trong thời hạn chấp hành giáo dục tại xã, Nguyễn Hoài Phong lại có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Ngày 03/7/2018, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân huyện Long Điền đề nghị xem xét, quyết định đưa Nguyễn Hoài Phong vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, ngày 21/6/2018 gia đình đã đưa Nguyễn Hoài Phong đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện tại Ninh Thuận và làm đơn gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Long Điền rút đề nghị đưa Nguyễn Hoài Phong vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để Tòa án nhân dân huyện Long Điền căn cứ điểm đ, khoản 1, Điều 15, Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính ra quyết dịnh đình chỉ xem xét.
Hình ảnh những học viên cai nghiện ma túy
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì Tòa án nhân dân huyện Long Điền vẫn quyết định mở phiên họp và ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đối tượng Nguyễn Hoài Phong vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định. Trường hợp này không đủ điều kiện để phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Long Điền rút đề nghị Tòa án xem xét, bởi lẽ:
Nguyễn Hoài Phong đã trên 18 tuổi, có hành vi vi phạm pháp luật là sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); trong thời gian chấp hành quyết định giáo dục của UBND xã Phước Hưng, Nguyễn Hoài Phong lại có hành vi tái phạm (sử dụng lại ma túy trong thời hạn chưa chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã).
Mặt khác, cai nghiện tự nguyện khác với cai nghiện bắt buộc. Cai nghiện tự nguyện là quan hệ dân sự giữa người nghiện ma túy hoặc gia đình hay người giám hộ của nghiện ma túy với Cơ sở cai nghiện được Nhà nước cấp phép hoạt động bằng một hợp đồng dịch vụ cai nghiện và người nghiện chưa bị xử lý vi phạm về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 22, Nghị định số: 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số: 80/2018/NĐ-CP ngày 17/5/2018). Đối với cai nghiện bắt buộc được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định (Khoản 1, Điều 96, Luật xử lý vi phạm hành chính).
Như vậy, người cai nghiện bắt buộc bị ràng buộc về mặt pháp lý, tức là có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 và khoản 4, Điều 12, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính sẽ bị xử lý nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm
Do đó, Nguyễn Hoài Phong đã đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 1, Điều 96, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Nguyễn Hoài Phong không thuộc trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo khoản 2, Điều 96, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cụ thể: Người không có năng lực trách nhiệm hành chính; Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện và Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Long Điền chỉ rút đề nghị đưa Nguyễn Hoài Phong vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, khi đối tượng thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc đối tượng không áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 96, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Bài viết: Nguyễn Sơn – Phòng 10