08/06/18 08:58

XÁC ĐỊNH NGƯỜI BỊ KIỆN TRONG TRƯỜNG HỢP CÔNG TY BỊ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP VÀ BỊ GIẢI THỂ

          Xác định đúng tư cách đương sự trong mỗi vụ án là vấn đề rất quan trọng, giúp cho việc giải quyết vụ án được đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn một số vụ án, Tòa án xác định chưa đúng tư cách tham gia tố tụng của đương sự dẫn đến vụ án bị hủy để giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Việc xác định sai tư cách đương sự trong vụ án có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó có một phần do nhận thức pháp luật và một phần do quy định của các văn bản pháp luật chưa thống nhất. Bài viết dưới đây, tôi xin được đề cập đến trường hợp xác định tư cách tham gia tố tụng đối với các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bị giải thể theo quy định của pháp luật.

         Theo khoản 1, Điều 157, Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định các trường hợp giải thể doanh nghiệp:

          Thứ nhất, doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.

         Thứ hai, theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

         Thứ ba, doanh nghiệp không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục.

          Thứ tư, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

         Tiếp đó, tại khoản 6, Điều 158, Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định: Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Sau thời hạn sáu tháng quy định tại khoản này mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.

         Như vậy, trường hợp các công ty bị giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà bị khởi kiện thì người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên công ty hợp danh được xác định là bị đơn trong vụ án.

         Theo điểm a, khoản 2, Điều 62, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định về kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng: Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng. Nghĩa là khi cá nhân, tổ chức nào đó có đơn khởi kiện đối với các công ty này thì cá nhân và thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn.

         So sánh giữa Luật doanh nghiệp năm 2005 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2011 có quy định thống nhất về việc xác định người tham gia tố đối với bị đơn là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh bị giải thể. 

        Ví dụ: Công ty TNHH A thành lập năm 2008, có 3 thành viên góp vốn, trong đó 01 thành viên được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm giám đốc công ty. Trong quá trình hoạt động Công ty TNHH A không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mười hai tháng liên tục. Tháng 4/2010, Công ty TNHH A bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu giải thể trong vòng 06 tháng. Tuy nhiên, quá thời hạn 06 tháng, Công ty TNHH A không nộp hồ sơ giải thể theo quy định của pháp luật. Năm 2012, Công ty cổ phần B khởi kiện Công ty TNHH A yêu cầu thanh toán tiền nợ theo hợp đồng mua bán hàng hóa trước đó và được Tòa thụ lý giải quyết. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này các thành viên Công ty TNHH A (gồm 03 thành viên) được xác định tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong vụ án, chứ không phải Công ty TNHH A.

       Theo khoản 1 và khoản 2 , Điều 201, Luật doanh nghiệp năm 2014 (thay thế Luật doanh nghiệp năm 2005) quy định trường hợp doanh nghiệp bị giải thể:

      Thứ nhất, kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.

      Thứ hai, theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

      Thứ ba, doanh nghiệp không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

      Thứ tư, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

      Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Nghĩa là, trong trường hợp này người quản lý có liên quan của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xác định là bị đơn. Đây là điểm mới so với luật doanh nghiệp năm 2005.

      Ví dụ: Công ty cổ phần H thành lập năm 2014. Năm 2016, Công ty cổ phần H bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo. Nếu trường hợp có phát sinh khởi kiện thanh toán nợ đối với Công ty cổ phần H thì người quản lý có liên quan và Công ty cổ phần H được xác định là bị đơn.

      Theo khoản 18, Điều 4, Luật doanh nghiệp năm 2014 giải thích về người quản lý doanh nghiệp bao gồm: Là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

      Theo điểm a, khoản 2, Điều 74, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng: Trường hợp tổ chức bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng. So với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì điều khoản quy định về kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng trong trường hợp tổ chức bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh luật là không có thay đổi.

     So sánh giữa Luật doanh nghiệp năm 2014 với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì việc xác định tư cách người tham gia tố tụng đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh bị giải thể mà bị khởi kiện là không thống nhất. Kể cả nếu phát sinh những vụ án có đương sự là Công ty bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bị giải thể theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, thì việc xác định tư cách người tham gia tố tụng như thế nào vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

     Ví dụ về những vụ án điển hình: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam và bị đơn Công ty TNHH Mỹ Tâm; vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và bị đơn Công ty Cổ phần Thương mại Toàn cầu Long Mai…

      Theo quan điểm của tôi trong trường hợp này phải áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để xác định tư cách đương sự đối với công ty đã bị giải thể, vì theo khoản 2, 3, Điều 156, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

       Do đó, để việc áp dụng văn bản pháp luật được thống, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sửa đổi những bất cập của văn bản pháp luật nêu trên hoặc có văn bản bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.

 

         Bài viết: Nguyễn Sơn – Phòng 10

Lên đầu trang