01/06/18 08:49

Phòng 7, Thông Báo rút kinh nghiệm công tác nghiệp vụ lần II năm 2018

             Thực hiện Chương trình công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự năm 2018, Phòng 7 Viện KSND tỉnh thông báo những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ (án bị hủy) lần II năm 2018 như sau:

            I. Về việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và tổ chức rút kinh nghiệm đối với các vụ án bị cấp phúc thẩm hủy.

           Trong quý  II.2018, tổng số vụ án bị cấp phúc thẩm hủy án giao về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại là 3 vụ (01 vụ Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ của huyện Côn Đảo  và 02 vụ án Cố ý gây thương tích của thành phố Vũng Tàu- 1 vụ hủy điều tra lại và 1 vụ hủy về phần trách nhiệm dân sự), đều có trách nhiệm của Kiểm sát viên. Đề nghị các đơn vị có án bị hủy tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiện tại đơn vị và gửi hồ sơ kiểm điểm về phòng 7 theo dõi tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo VKS tỉnh chỉ đạo tiếp theo.

           II. Rút kinh nghiệm qua các vụ án bị hủy của cấp huyện:

          1. Vụ thứ nhất:  Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2017/ HSST ngày 24/11/2017 của Toà án nhân dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xét xử bị cáo: Phạm Văn Tân phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” và áp dụng khoản 1 Điều 190, điểm g và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Tân 10 tháng 17 ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/01/2017 (bằng với thời hạn tạm giam của bị cáo) và quyết định trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Sau khi xét xử sơ thẩm, VKSND huyện Côn Đảo đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xem xét kháng nghị phúc thẩm. Ngày 18.12.2017, Viện KSND tỉnh kháng nghị phúc thẩm theo hướng tăng mức hình phạt đối với bị cáo Phạm Văn Tân. Ngày 29.3.2018, tại phiên tòa phúc thẩm, KSV đề nghị hủy án sơ thẩm giao về cấp sơ thẩm điều tra lại. Kết quả: HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm điều tra lại.

        Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:

        - Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo Tân đều khai nhận chính Ngô Trí Thủy (cán bộ kiểm lâm) đã chỉ địa điểm nơi dấu bọc trứng vích dưới gốc cây ở bãi Xi Măng bên hòn Bảy Cạnh cho Tân đến lấy trứng mang về bán thì bị bắt quả tang. Ngoài ra, bị cáo Tân còn khai nhận đã hai lần nhận trứng vích từ Thủy để bán (một lần lấy tại nhà tắm nhà Thủy và một lần tại bãi Xi Măng). Trong đó có 1 lần, sau khi bán trứng vích, Tân nhờ ông Nguyễn Văn Út (người này cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án được tòa sơ thẩm triệu tập) ra ngân hàng Viettinbank chi nhánh Côn Đảo chuyển cho 1 người tên Bùi Thị Hà (được cho là vợ Ngô Trí Thủy) 4.000.000đ. Tất cả các vấn đề này, Cơ quan điều tra và VKS cấp huyện chưa tiến hành làm rõ (đối chất, xác minh...) là chưa giải quyết triệt để vụ án mặc dù Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu bổ sung.

        2. Vụ thứ 2: Bản án hình sự số 244/2017/HSST ngày 11.12.2017 của Tòa án nhân dân TP Vũng Tàu đã áp dụng khoản 1 điều 104; các điểm b, h, p khoản 1 điều 46; điều 33 BLHS 1999 xử phạt bị cáo Nguyễn Quang Hưng 9 tháng tù (được khấu trừ 2 tháng 8 ngày đã tạm giam) về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 15.12.2017, bị cáo Hưng kháng cáo xin hưởng án treo; ngày 20.12.2017, bị hại là anh Nguyễn Thanh Hải kháng cáo yêu cầu tăng mức hình phạt và đền bù số tài sản đã bị chiếm đoạt là 1 dây chuyền vàng. Ngày 15.3.2018, tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX quyêt định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu.

       Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:

       - Căn cứ vào kết quả tại hai bản giám định thương tích thì chưa thể xác định chính xác vết thương của người bị hại là do bị dùng tay không không hay dùng vật tày đánh gây nên. Bởi lẽ, ngoài hai chiếc răng gãy rời thì có những chiếc khác bị gãy 1/3 hoặc mẻ.

       - Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai của bị hại và bị cáo còn rất nhiều mâu thuẫn về số lượng người tham gia đánh bị hại; về hung khí gây thương tích cho người bị hại là nón bảo hiểm, cây sắt hay tay không…(có lời khai ban đầu BL79 bị cáo Hưng khai dùng nón bảo hiểm đánh anh Hải).

      - Kết luận điều tra, bản cáo trạng đều xác định có đối tượng tên Bi tham gia đánh người bị hại. Lời khai của mẹ người bị hại (bà Cúc- BL 37) cũng xác nhận có tên Bi đi cùng mẹ của Bi đến nhà xin lỗi và đề nghị bồi thường, bãi nại. Vấn đề này cấp sơ thẩm chưa được điều tra làm rõ là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

        3. Vụ thứ 3: Bản án hình sự số 251/2017/HSST ngày 19.12.2017 của Tòa án nhân dân TP Vũng Tàu đã áp dụng khoản 2 điều 104; điểm p khoản 1 điều 46; điều 33 BLHS 1999 xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Luận 36 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 17.12.25017, bị cáo Luận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 01.02.2018, bị hại là bà Đinh Thị Thanh Loan kháng cáo (kháng cáo quá hạn được chấp nhận) với yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử bị cáo về tội “Giết người”; giám định lại tỷ lệ thương tật và bồi thường về mất thu nhập là 180.000.000đ, bồi thường tổn thất về tinh thần cho bị hại và con của bị hại khi phải chứng kiến mẹ mình bị đâm.

          Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 04.4.2018, KSV đề nghị bác kháng cáo của bị cáo; bác kháng cáo của người bị hại về yêu cầu hủy án sơ thẩm, điều tra xét xử bị cáo về tội “Giết người”; Đề nghị hủy phần dân sự của bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. HĐXX đã chấp nhận đề nghị của VKS: không chấp nhận kháng cáo của bị cáo; chấp nhận 1 phần kháng cáo của bị hại: Hủy phần quyết định trách nhiệm dân sự của án sơ thẩm.

         Vấn đề cần rút kinh nghiệm:

        Trong qua trình điều tra, người bị hại không yêu cầu bồi thường về chi phí điều trị thương tích. Cấp sơ thẩm không điều tra làm rõ yêu cầu của người bị hại về các khoản như mất thu nhập, tổn thất về tinh thần…theo quy định tại điều 42 BLHS 1999 và điều 590 Bộ luật dân sự 2015. Bị hại kháng cáo về phần này nhưng tại phiên tòa  phúc thẩm không thể bổ sung được. Đây là vấn đề các đơn vị cấp huyện cần lưu ý ở các vụ án tương tự.

        II. Các công tác khác:

       - Trong sáu tháng đầu năm 2018, tiến độ tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm (1 cấp và 2 cấp) chưa đạt yêu cầu về chỉ tiêu 2 vụ/ 1 KSV. Đề nghị các đơn vị chú ý chỉ tiêu này trong 6 tháng cuối năm 2018.

        Trên đây một số vụ án và  công tác cần rút kinh nghiệm, Phòng 7 thông báo đến các VKSND huyện, thành phố biết để rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát xét xử án hình sự ./.

 

         Tin bài: Phòng 7 VKS Tỉnh

Lên đầu trang