Công tác kiểm sát bản án giải quyết vụ án dân sự là một trong những hoạt động quan trọng của quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, có mối quan hệ chặt chẽ với công tác kiến nghị, kháng nghị và là tiền đề, cơ sở cho việc thực hiện các quyền năng này. Quá trình kiểm sát bản án, cần tập trung nghiên cứu, xem xét toàn diện về hình thức, nội dung bản án, cụ thể là xem xét phần mở đầu, phần nội dung và phần quyết định của bản án, trong đó đặc biệt lưu ý những nội dung sau:
1. Kiểm sát phần mở đầu bản án
Kiểm sát chủ thể xét xử sơ thẩm nhằm xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã đúng quy định pháp luật hay chưa.
Kiểm sát số, ngày, tháng thụ lý vụ án nhằm phát hiện vi phạm về thời hiệu, thời hạn giải quyết vụ án (trên cơ sở ngày Tòa án thụ lý vụ án, ngày Tòa án ra các quyết định, bản án, qua đó đối chiếu với quy định của BLTTDS để xác định Tòa án có vi phạm thời hạn giải quyết không). Để thực hiện tốt nội dung này, cần nắm vững quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
Kiểm sát việc xây dựng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự:
Thực tiễn cho thấy có nhiều vụ án xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự, vi phạm phổ biến là nhầm lẫn giữa xác định tư cách tham gia tố tụng giữa bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không đưa người liên quan tham gia tố tụng, đưa chủ thể không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng (ví dụ các Chi nhánh, Văn phòng đại diện....) Những vi phạm này thường gặp ở các vụ án tranh chấp di sản thừa kế, yêu cầu chia tài sản chung, tranh chấp quyền sử dụng đất, các vụ án hôn nhân gia đình có tranh chấp về tài sản của bên thứ ba, nợ....
Quá trình kiểm sát việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự cần lưu ý một số nội dung sau:
Kiểm sát danh sách những người tham gia tố tụng đã đầy đủ hay chưa. Để thực hiện tốt nội dung này trước hết cần xác định được những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Thực tế đã có nhiều vụ án chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình nhưng Tòa án không đưa những người có năng lực hành vi trong hộ gia đình tham gia tố tụng hoặc không đưa những người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất tham gia tố tụng, có trường hợp đất đang được thế chấp tại Ngân hàng để vay vốn hoặc Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên nhà đất đang tranh chấp, sau đó người thứ ba có đơn khiếu nại quyết định kê biên và cho rằng mình đã mua nhà đất này (bằng giấy viết tay) nhưng Tòa án không đưa họ tham gia tố tụng.... Hoặc tranh chấp về hôn nhân gia đình, trong đó vợ chồng có nợ các tổ chức, cá nhân nhưng Tòa án không đưa các tổ chức, cá nhân cho vợ chồng vay nợ vào tham gia tố tụng.... Đây là những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thường dẫn đến việc Toà án cấp trên huỷ án vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Đối với những vụ án giải quyết tranh chấp thừa kế, tài sản chung hoặc đòi nhà đất do người khác đang quản lý, chiếm hữu nhưng nhà đất đó đã được chuyển dịch qua nhiều người hoặc những tranh chấp do vợ hoặc chồng đứng tên vay tiền và bên cho vay khởi kiện yêu cầu trả nợ: Đây là những trường hợp phức tạp cần kết hợp chặt chẽ giữa việc nghiên cứu bản án và nghiên cứu hồ sơ vụ án để làm rõ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án (thông qua việc xác định công sức, bảo quản đất, thời gian quản lý, sử dụng đất, giao dịch về nhà đất đã hoàn thành hay chưa, nếu hoàn thành thì hoàn thành vào thời điểm nào, họ có quyền và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất tranh chấp hay không, mục đích vay tiền của vợ (hoặc chồng) nhằm làm gì, vợ chồng có thoả thuận về việc vay tiền hay không....) để xác định việc Toà án xây dựng tư cách tham gia tố tụng có chính xác hay chưa.
Xem xét việc Tòa án đưa người tham gia tố tụng có đúng quy định pháp luật không. Thực tế, đã có nhiều vụ án, Tòa án xác định tư cách tham gia tố tụng là Chi nhánh ngân hàng là không chính xác vì theo quy định tại khoản 1,5 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Ngân hàng thì các Chi nhánh ngân hàng không phải là pháp nhân và không có quyền tham gia tố tụng một cách độc lập, giám đốc các chi nhánh này chỉ tham gia tố tụng với tư cách là đại diện ủy quyền theo văn bản ủy quyền thường xuyên hàng năm của Tổng giám đốc Ngân hàng Trung ương trực thuộc.
2. Kiểm sát nội dung bản án
Xác định phạm vi xét xử của Tòa án thông qua việc xem xét nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp Toà án giải quyết vụ án vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự, đặc biệt là các vụ án tranh chấp di sản thừa kế.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án Tòa án lại bỏ sót yêu cầu khởi kiện của đương sự, thường xảy ra trong các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn có yêu cầu xử lý tài sản thế chấp nhưng phần quyết định của bản án không quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; hoặc trong vụ án bị đơn có yêu cầu phản tố, bản án có nhận định yêu cầu phản tố của bị đơn không có cơ sở nhưng không quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Ngoài ra trong một số vụ án hôn nhân và gia đình, vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung với số lượng lớn, nhiều loại nên quyết định phân chia của Tòa án bỏ sót một số tài sản chung vợ chồng đã kê khai và yêu cầu chia. Vì vậy, quá trình nghiên cứu bản án cần xác định chính xác đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung gì, bị đơn có phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không, đã nộp tạm ứng án phí phản tố, tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu độc lập hay chưa từ đó đối chiếu với nội dung phần quyết định của bản án để xác định Tòa án có giải quyết đúng nội dung yêu cầu của đương sự không.
Đối chiếu nội dung vụ án với việc xác định quan hệ tranh chấp, áp dụng pháp luật. Kiểm sát viên cần nắm chắc nội dung vụ án để xác định đúng quan hệ tranh chấp, xác định đúng quan hệ tranh chấp sẽ xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự và xác định đúng điều luật cần áp dụng, thời hiệu giải quyết vụ án, đặc biệt là trong những vụ án có hai quan hệ tranh chấp cần xác định đầy đủ quan hệ tranh chấp, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong từng quan hệ. Trong thực tế xảy ra một số trường hợp vụ án có hai quan hệ tranh chấp nhưng phần tiêu đề bản án chỉ xác định một quan hệ tranh chấp hoặc xác định sai quan hệ tranh chấp.
Ví dụ: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà đất vô hiệu và yêu cầu chia thừa kế đối với nhà đất đó, Toà án chỉ xác định là vụ án Tranh chấp di sản thừa kế dẫn đến việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự .
Xem xét phần nhận định và phần quyết định của bản án có phù hợp với nhau hay không: Đã có nhiều bản án phần nhận định và quyết định không phù hợp nhau nhưng Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm để kháng nghị. Vi phạm này thường được thể hiện dưới các hình thức như nhận định nhưng không quyết định.
Ví dụ: Bản án nhận định tại phiên toà nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện nhưng phần quyết định không đình chỉ phần yêu cầu nguyên đơn đã rút, nhận định một trong các yêu cầu khởi kiện của đương sự không có căn cứ nhưng không quyết định không chấp nhận yêu cầu đó của nguyên đơn.
Quyết định của bản án không đúng với nội dung đã nhận định.
Ví dụ: Bản án nhận định bị đơn phải thanh toán cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan 1.500.000đ nhưng phần quyết định lại buộc bị đơn thanh toán cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan 1.000.000đ).
3. Kiểm sát phần quyết định của bản án:
Kiểm sát việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án:
Kiểm sát viên cần kiểm tra xem Tòa án đã áp dụng quy phạm pháp luật đầy đủ hay chưa, quy phạm pháp luật được áp dụng có phù hợp với nội dung vụ án hay không, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật áp dụng. Việc Tòa án áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án trong thực tiễn vẫn còn sai sót nhiều. Do đó Kiểm sát viên phải kiểm tra kỹ hiệu lực của văn bản pháp luật được áp dụng, Nghị quyết về việc thi hành văn bản pháp luật mới cũng như nắm vững thời điểm giao dịch, thời điểm tranh chấp, thời điểm xử lý.... để xác định chính xác văn bản pháp luật được áp dụng.
Kiểm sát căn cứ để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để phát hiện vi phạm của bản án.
Đây là nội dung rất quan trọng trong công tác kiểm sát bản án. Kiểm sát viên cần nghiên cứu nội dung của bản án, xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện toàn bộ nội dung yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những tài liệu, chứng cứ của các đương sự; nội dung các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng để xác định sự thật khách quan của vụ án. Qua đó, xem xét phần nhận định của bản án có phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án không, nội dung quyết định của bản án có phù hợp với quy định của pháp luật không, từ đó làm cơ sở cho việc phát hiện những vi phạm, thiếu sót của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.
Kiểm sát phần tuyên án:
Khi kiểm sát bản án, cần chú trọng kiểm sát phần quyết định của bản án vì đây là nội dung cơ bản để xác định bản án có vi phạm không, mức độ vi phạm như thế nào. Trên thực tế còn xảy ra một số dạng vi phạm sau:
Bản án tuyên không đầy đủ, dẫn đến bỏ sót nội dung yêu cầu của nguyên đơn hoặc nội dung phản tố của bị đơn (ví dụ tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại diện tích đất lấn chiếm và tháo dỡ các công trình xây dựng trên phần đất lấn chiếm nhưng bản án chỉ tuyên buộc nguyên đơn tháo dỡ tài sản trên diện tích đất lấn chiếm) hoặc bị đơn có yêu cầu phản tố, bản án nhận định yêu cầu phản tố của bị đơn không có cơ sở nhưng không tuyên chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến cấp phúc thẩm xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm; nguyên đơn chỉ tranh chấp quyền sử dụng đất đối với lối đi nhưng bản án tuyên bị đơn trả diện tích lối đi cho nguyên đơn đồng thời tuyên cả nội dung nguyên đơn được quyền sử dụng thửa đất có tứ cận cụ thể với diện tích ít hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Bản án tuyên không đầy đủ gây khó khăn cho công tác thi hành án và ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Đây là vi phạm rất phổ biến trong các bản án. Dạng vi phạm này thường thể hiện dưới một số hình thức phổ biến sau:
+ Tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không tuyên hủy quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó;
+ Tuyên giao cho đương sự quyền sử dụng đất nhưng không tuyên vị trí, tứ cận cụ thể của thửa đất, không tuyên số thửa, tờ bản đồ, địa chỉ thửa đất;
+ Bản án tuyên buộc các đương sự phải chịu án phí nhưng không tuyên kỷ phần cụ thể đối với từng người, cũng không tuyên khấu trả lại số tiền tạm ứng án phí còn thừa cho đương sự;
+ Bản án công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về việc trả nợ cho cá nhân nhưng chỉ tuyên tên, không tuyên họ, cũng không tuyên địa chỉ;
+ Tuyên giao cho đương sự quyền "sở hữu" đất hoặc tuyên quyền "sử dụng" đối với tài sản là nhà, tiền;
+ Bản án nhận định trích lối đi chung nhưng phần quyết định của bản án lại không tuyên trích lối đi chung gây khó khăn cho việc đi lại của đương sự, dẫn đến tranh chấp kéo dài;
+ Tuyên giao cho đương sự được quyền thu hoạch cây cối trên nhiều thửa đất khác nhau nhưng không tuyên ai được thu hoạch cây gì, trên thửa đất nào;
+ Tuyên giao đất nông nghiệp gộp chung cho nhiều người, không chia diện tích, số thửa cụ thể cho từng người trong khi chưa làm rõ nguyện vọng của các đương sự....
Tin bài: Phạm Thị Lệ Thủy-VKSND huyện Xuyên Mộc