Khi giải quyết các vụ án có liên quan đến quyền sử dụng đất, nhất là các vụ án tranh chấp ranh đất thì thủ tục bắt buộc Tòa án phải tiến hành là đo vẽ đất tranh chấp. Việc đo vẽ đất tranh chấp để ra được một sơ đồ đáp ứng được yêu cầu của các đương sự, cũng như phù hợp với các giấy tờ pháp lý liên quan đến đất tranh chấp là một trong nhưng căn cứ quan trọng để giải quyết vụ án, cũng như đảm bảo cho công tác thi hành án sau này. Qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm án dân sự, Phòng 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận thấy có nhiều vụ án dân sự, hôn nhân gia đình liên quan đến quyền sử dụng đất buộc phải đo vẽ đất mới giải quyết được. Tuy nhiên, một số vụ án việc đo vẽ đất ra sơ đồ đo vẽ chưa đảm bảo, thường có các dạng vi phạm sau: Chưa lồng ghép với bản đồ địa chính, tọa độ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần đất tranh chấp không có bảng kê tọa độ và không ghi chú đất tranh chấp thuộc thửa nào trong các thửa đo vẽ, tương ứng mới, cũ.... Cụ thể:
1. Trên sơ đồ đo vẽ không thể hiện bản kê tọa độ đối với đất tranh chấp: 02 vụ tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân thành phố Bà Rịa.
1.1 Vụ án thứ nhất “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa:
Nguyên đơn: Ông Ưng Mạnh Dy, sinh năm 1954 và bà Nguyễn Thị Lân, sinh năm 1958; địa chỉ: 285 B18 Bình Giã, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bị đơn: Ông Lê Thanh Hòa, sinh năm 1950 và bà Nguyễn Thị Chung, sinh năm 1953; địa chỉ: Tổ 1, khu phố 1, phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nội dung vụ án: Ông Hòa, bà Lân khởi kiện yêu cầu ông Hòa, bà Chung trả lại 174m2 đất đã lấn chiếm theo sơ đồ đo vẽ ngày 04/8/2016 của Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DSST ngày 30/6/2017 của TAND thành phố Bà Rịa đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dy, bà Lân. Xác định diện tích ông Hòa, bà Chung lấn sang đất ông Dy, bà Lân là 136,9m2. Ông Hòa, bà Chung được tiếp tục sử dụng diện tích 136,9m2 theo sơ đồ vị trí ngày 04/8/2016 của Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và có trách nhiệm trả cho ông Dy, bà Hòa 342.250.000 đồng. Tuy nhiên, trên sơ đồ trên không thể hiện diện tích 136,9m2 tuyên cho bị đơn được sử dụng, không bảo đảm cho cấp giấy chứng nhận đối với 136,9m2 cho ông Hòa, bà Chung theo bản án.
1.2 Vụ án thứ hai “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa:
Nguyên đơn: Bà Lê Thị Tuyết Hà, sinh năm 1965; địa chỉ: 223 ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Tiền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bị đơn: - Ông Nhan Hồng Phước, sinh năm 1970; bà Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1983 và bà Nhan Thị Hương Trang, sinh năm 1972. Cùng địa chỉ: 01/35 Tổ 11, khu phố 1, phường Long Toàn, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nội dung vụ án: Bà Hà yêu cầu ông Phước, bà Huệ và bà Trang trả lại 67,9m2 lấn chiếm. Hiện diện tích 67,9m2 do vợ chồng ông Phước, bà Huệ sử dụng một phần, bà Trang là em ông Phước sử dụng một.
Bản án dân sự sơ thẩm số 50/2017/DSST ngày 18/8/2017 của TAND thành phố Bà Rịa đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hà về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”; ông Phước, bà Huệ và bà Trang được tiếp tục sử dụng 67,9m2 thuộc 123, tờ bản đồ số 23 tọa lạc tại phường Long Toàn, thành phố Bà Rịa (theo sơ đồ ngày 26/8/2015 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Bà Rịa). Ông Phước, bà Huệ và bà Trang hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất cho bà Hà là 543.200.000 đồng.
Sơ đồ đo vẽ ngày 26/8/2015 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Bà Rịa cũng chưa thể hiện diện tích vợ chồng ông Phước, bà Huệ sử dụng và diện tích bà Trang sử dụng là bao nhiêu trong tổng diện tích 67,9m2 và không có bảng kê tọa độ đối với diện tích 67,9m2 đất này. Do đó, nếu căn cứ vào sơ đồ này thì sẽ không thi hành bản án dân sự sơ thẩm nêu trên.
2. Sơ đồ đo vẽ không lồng ghép với bản đồ địa chính, tọa độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2.1 Vụ thứ nhất “Tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất”, giữa:
Nguyên đơn: Ông Phạm Xuân Am, sinh năm 1962 và bà Đặng Thị Hạnh, sinh năm 1976; địa chỉ: 927 đường 30/4, phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bị đơn: Ông Lê Hồng Vương, sinh năm 1976 và bà Nguyễn Thị Mộng Tuyết, sinh năm 1979; địa chỉ: 929/6 đường 30/4, phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nội dung vụ án: Ông Am và bà Hạnh thỏa thuận đổi 58,2m2 thuộc một phần thửa 246, tờ bản đồ 35 tòa lạc tại phường 11, thành phố Vũng Tàu lấy 72m2 đất nông Nghiệp thuộc một phần thửa 192, tờ bản đồ số 38 của ông Vương, bà Tuyết. Việc đổi đất này chỉ bằng miệng, các bên đã tiến hành xây dựng nhà trên đất chuyển đổi. Tuy nhiên, khi làm thủ chuyển đổi theo quy định của pháp luật thì phía ông Vương, bà Tuyết không đồng ý vì cho rằng 58,2m2 đất của ông Am, bà Hạnh là đất của ông Hồng. Ông Am, bà Hạnh khởi kiện yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa các bên.
Về bản chất giải quyết trong vụ án này là xác định diện tích 58,2m2 ông Am, bà Hạnh dùng để đổi cho ông Vương, bà Tuyết có thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Am, bà Hạnh hay không để có cơ sở công nhận hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa các bên.
Bản án dân sự sơ thẩm số 67/2017/DSST ngày 27/12/2016 của TAND thành phố Vũng Tàu đã quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Am, bà Hạnh, công nhận hợp đồng chuyển đổi QSD đất giữa ông Am, bà Hạnh với ông Vương, bà Tuyết.
Đây là vụ án phúc tạp, do đất của ông Am được cấp năm 1998 với diện tích 330m2, thực tế sử dụng 356,3m2, giấy chứng nhận quyền sử đất của ông Am lại không có tọa độ đỉnh thửa nên không tiến hành được lồng ghép với sơ đồ đo vẽ đất đai phục vụ giải quyết tranh chấp. Đất của ông Am và đất của ông Hồng có chung nguồn gốc, thửa đất 246 của ông Am được tách từ thửa 103, phần còn lại của thửa 103 sau này chuyển nhượng cho ông Hồng.
Tòa án thành phố Vũng Tàu căn cứ vào sơ đồ đo vẽ ngày 18/11/2016 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu để xác định 58,2 m2 đất ông Am, bà Hạnh dùng để đổi thuộc thửa 246 đã được giấy chứng nhận quyền cho ông Am vào năm 1998 để chấp nhận yêu cầu khởi của ông Am, bà Hạnh là chưa đủ căn cứ. Lý do, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Am được cấp năm 1998 không có tọa độ đỉnh thửa nên không lồng ghép được với sơ đồ đo vẽ đất tranh chấp, do vậy không xác định được 58,2 m2 nêu trên đã được cấp giấy chứng nhận cho ông Am vào năm 1998. Hơn nữa trên sơ đồ đo vẽ ngày 18/11/2016, chưa ghi chú cụ thể diện tích các lô thuộc các thửa nào trên sơ đồ đo vẽ.Tòa sơ thẩm cũng chưa xác minh làm rõ các thửa 246, 103, 203 trên bản đồ địa chính năm 1994 tương ứng với thửa nào theo tờ bản đồ địa chính mới năm 2008, và từng lô đất trên sơ đồ thuộc thửa nào thì mới có căn cứ giải quyết vụ án. Để khắc phục những thiếu sót trên, Tòa phúc thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định và đo vẽ lại, tiến hành xác minh làm rõ diện tích đất tranh chấp 58,2m2 thuộc thửa 246, tờ bản đồ 35 (theo tờ bản đồ địa chính năm 1994) nay thuộc thửa số 10, tờ bản đồ 38 (theo tờ bản đồ địa chính năm 2008) và diện tích đất này không bị chồng lấn với đất của ông Hồng và các thửa đất giáp ranh có nguồn gốc nhận chuyển nhượng đất của ông Hồng.
2.2 Vụ thứ 2 “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa:
Nguyên đơn: Giáo xứ Lam Sơn; địa chỉ: Tổ 10, ấp Lam Sơn, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Thức, sinh năm 1953 và bà Nguyễn Thị Lượt, sinh năm 1954; địa chỉ: Tổ 8, ấp Lam Sơn, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong vụ án này, Tòa án sơ thẩm đã yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tân Thành đo vẽ đất tranh chấp. Ngày 17/8/2016, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tân Thành cung cấp sơ đồ đo vẽ đất tranh chấp cho Tòa án làm căn cứ để giải quyết vụ án. Sơ đồ này cũng chưa được lồng ghép với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho đất tranh chấp, không có bản kê tọa độ đất tranh chấp thể hiện trên sơ đồ.
2.3 Vụ thứ 3 “Yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn”, giữa:
Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thu Sương, sinh năm 1973; địa chỉ: Tổ 3, ấp 3, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bị đơn: Ông Phan Văn Tuy, sinh năm 1976; địa chỉ: Tổ 3, ấp 3, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Sương khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn là hai thửa đất số 40/1.500m2, tờ bản đồ số 21 tọa lạc tại xã Hòa Hội đã được cấp giấy CNQSD đất cho ông Tuy vào năm 1999, trên đất có 02 căn nhà cấp 4 và 100 trụ tiêu; thửa đất 146/8.508m2, tờ bản đồ số 23 tọa lạc tại xã Hòa Hội đã được cấp giấy CNQSD đất cho ông Tuy, bà Sương vào năm 2005, trên đất có trồng cây cao su.
Thửa đất 146 giáp thửa 130, giữa bà Sương, ông Tuy với chủ sử dụng đất liền kề có thỏa thuận đổi đất để sử dụng cho vuông đất, hiện các đương sự không tranh chấp. Tòa sơ thẩm đã tiến hành đo vẽ theo chỉ ranh thực tế của các đương sự và phân lô để chia theo yêu cầu khởi kiện. Trên sơ đồ ngày 04/01/2017 của thửa 146 thể hiện một phần diện tích 130, nhưng không có diện tích và tọa độ cụ thể. Hai thửa đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc đo vẽ như trên sẽ không đảm bảo cho công tác thi hành án. Vi phạm này cấp phúc thẩm có thể khắc phục được, nhưng do cấp phúc thẩm nhận định có những vi phạm tố tụng khác nên hủy án để giải quyết lại.
Trên đây là những dạng vi phạm cơ bản trong quá trình đo vẽ và ra sơ đồ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án dân sự tranh chấp về đất đai, khi kiểm sát giải quyết vụ việc Viện kiểm sát cấp sơ thẩm không phát hiện ra.
Tin bài: Bùi Thị Doan - Phòng 9