Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đi vào thực tiễn đời sống xã hội, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, thực tế áp dụng nhận thấy vẫn còn bất cập, một số quy định chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, dẫn đến việc thực hiện chưa được thống nhất.
Điển hình là trường hợp vụ việc dân sự do Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý trước ngày 01/7/2016 chưa phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt thì thẩm quyền giải quyết vụ việc này sẽ thuộc về Tòa án cấp nào?
Để giải đáp cho khó khăn trên cũng như nhiều giải đáp quan trọng khác về nghiệp vụ xét xử đối với Tòa án nhân dân, ngày 07/4/2017 Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử.
Trường hợp nêu trên được Tòa án tối cao giải đáp như sau: Vụ việc dân sự do Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý trước ngày 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện mà quyết định đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS năm 2015; khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Nếu Tòa án nhân dân cấp huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp tục giải quyết.
Tin bài: Nguyễn Minh Khuê – VKSND huyện Đất Đỏ