15/07/24 14:46

Giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính trong 06 tháng đầu năm 2024

Trong 06 tháng đầu năm 2024, số lượng các vụ án hành chính do Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thụ lý, giải quyết ngày càng tăng về số lượng, phức tạp về nội dung đã đặt ra cho VKS hai cấp một số khó khăn nhất định. VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xác định công tác giải quyết án hành chính kinh doanh thương mại, lao động là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch công tác năm 2024 đặc biệt là công tác kháng nghị phúc thẩm án hành chính. Do đó, việc tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ nêu trong chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự đến toàn thể công chức của đơn vị được chú trọng để nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác kháng nghị theo thẩm quyền; đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kháng nghị nói chung và kháng nghị án phúc thẩm án hành chính nói riêng, đảm bảo việc kháng nghị kịp thời, có căn cứ, đúng pháp luật.

1. Kết quả thực hiện
Về số liệu trong 06 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thụ lý án hành chính là 555 vụ (cũ 335 vụ, mới 220 vụ). Trong đó cấp tỉnh 522 vụ, cấp huyện 33 vụ. Trong đó, đã giải quyết: 128 vụ (cấp tỉnh: 114 vụ; cấp huyện: 14 vụ.).
Hầu hết các vụ án đã xét xử, Viện kiểm sát và Toà án đều thống nhất quan điểm nên việc ban hành kháng nghị là không nhiều. Tại cấp tỉnh, giữa Viện kiểm sát và Tòa án tỉnh có 03 vụ trái quan điểm, Kiểm sát viên đã báo cáo và đề nghị Lãnh đạo Viện ban hành 01 kháng nghị phúc thẩm và 02 vụ báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị phúc thẩm.
Về chất lượng kháng nghị: Tổng số kháng nghị phúc thẩm (gồm cả các năm trước tồn qua) là 07 vụ hành chính (cũ 05, mới 02), Tòa án cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử và tuyên chấp nhận kháng nghị 01vụ/01vụ kháng nghị đã giải quyết.
2. Khó khăn vướng mắc trong việc ban hành kháng nghị
- Nhận thức về một số quy định pháp luật giữa những người tiến hành tố tụng của hai cơ quan Toà án và Viện kiểm sát còn có những điểm khác nhau, chưa có sự thống nhất dẫn đến việc nhận định để đưa ra quan điểm giải quyết đối với các vụ án cụ thể còn khác nhau. Thậm chí giữa cấp trên hoặc cấp dưới hoặc cùng một cấp nhưng lại có đường lối giải quyết khác nhau về cùng những vụ việc tương tự: có trường hợp kháng nghị của VKS tỉnh bị VKS cấp cao rút nhưng khi Tòa tuyên án thì lại cùng quan điểm với VKS cấp dưới; giữa các thẩm phán của Tòa cấp cao cũng nhận định và tuyên án khác nhau trong khi vụ án tương tự khiến VKS cấp dưới khó xác định đường lối xử lý vụ án tiếp theo, đánh giá lỗi của kiểm sát viên….
- Một số trường hợp kháng nghị ngang cấp của các Viện kiểm sát được ban hành là có căn cứ; tuy nhiên do người khởi kiện không kháng cáo nên kháng nghị của Viện kiểm sát không có hiệu quả.
- Sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm lại chậm trễ trong việc chuyển bản án cho Viện kiểm sát làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng và thời hạn thực hiện quyền kháng nghị.
3. Một số giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính
Kháng nghị phúc thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án là thẩm quyền của VKSND; để thực hiện được quyền này đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện các vi phạm của Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính nhằm thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, góp phần đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án của Tòa án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, để nâng cao số lượng, chất lượng công tác kháng nghị trong công tác kiểm sát giải quyết án hành chính cần thực hiện một số giải pháp sau:
3.1. Nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án của các cán bộ, Kiểm sát viên
Thực tiễn cho thấy: Án hành chính nói chung và án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng là lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm do người bị kiện là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Trong những năm qua, tỉ lệ thụ lý giải quyết án tranh chấp liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính tại hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhất là tại cấp tỉnh ngày một tăng về số lượng và đa dạng, phức tạp hơn về quan hệ pháp luật tranh chấp. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện nhiều nhất liên quan đến việc thu hồi và bồi thường đất; do đó đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần:
- Nắm chắc các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề cần giải quyết theo yêu cầu của đương sự, trên cơ sở đó kiểm sát chặt chẽ quá trình giải quyết của Tòa án về thủ tục tố tụng cũng như nội dung Tòa án giải quyết. Cụ thể về các vấn đề: 
+ Nắm chắc Yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện và việc Tòa án thụ lý vụ án. Từ đó xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, xác định tư cách đương sự, xác định thẩm quyền giải quyết vụ án.
+ Xác định tài liệu chứng cứ người khởi kiện và người bị kiện cung cấp đã đầy đủ chưa, có cần thu thập thêm tài liệu chứng cứ để giải quyết vụ án hay không?
+ Xem xét trường hợp những người tiến hành tố tụng có thuộc trường hợp phải từ chối hay thay đổi không? Việc triệu tập các đương sự đã phù hợp với quy định của pháp luật hay chưa? Thành phần Hội đồng xét xử có đúng với quyết định đưa vụ án ra xét xử hay quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng hay không?
Đây là những nội dung rất quan trọng quyết định đến việc giải quyết nội dung vụ án có đảm bảo hay không; trong đó đặc biệt là vấn đề về thu thập tài liệu chứng cứ để đảm bảo giải quyết nội dung yêu cầu khởi kiện và xác định đúng, đầy đủ tư cách của các đương sự trong vụ án; đây là những dung thường gặp dẫn đến hủy án.
- Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cần kiểm sát về các vấn đề như: Tòa án đã giải quyết đúng với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện hay chưa? Có giải quyết vượt quá hay giải quyết chưa hết yêu cầu người khởi kiện. Quyết định của Tòa án có phù hợp với các tình tiết khách quan và tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án hay không? Việc giải quyết các vấn đề về án phí, tạm ứng án phí có phù hợp với quy định của pháp luật chưa?.Vì vậy, nắm chắc những nội dung này, khi phát hiện thấy những vi phạm thì công chức, Kiểm sát viên cần đối chiếu với những quy định của pháp luật để tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị phúc thẩm một cách nhanh chóng, kịp thời với những vi phạm nghiêm trọng hoặc ban hành kiến nghị đối với những vi phạm ít nghiêm trọng.
3.2. Nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ, Kiểm sát viên
- Công chức, Kiểm sát viên được phân công trong khâu công tác án hành chính cần nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính mà Luật Tố tụng hành chính đã quy định;
- Công chức, Kiểm sát viên cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm đối với khâu công tác này; cần đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ và các bản án, quyết định của Tòa án.
- Công chức, Kiểm sát viên cần từng bước nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc tự nghiên cứu các quy định của pháp luật và học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp; học hỏi thông qua các buổi hội  nghị, hội thảo, các thông báo rút kinh nghiệm của cấp trên đối với án bị hủy, sửa trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.
- Nắm vững các quy định của Luật TTHC; Luật Đất đai và các luật khác liên quan; ngoài ra cần nghiên cứu và nắm các quy định của các Nghị định,Thông tư... hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cũng như các quy định của địa phương liên quan đến các vấn đề về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
- Nhận thức rõ tính chất, tầm quan trọng của công tác kháng nghị phúc thẩm, tránh để xảy ra tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và Viện kiểm sát không thống nhất quan điểm với Tòa án nhưng không xem xét kháng nghị.
3.3. Tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý
- Án hành chính là một khâu công tác khó và nhạy cẩm vì liên quan trực tiếp tới các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Vì vậy Lãnh đạo cần có sự quan tâm nhất định đối với khâu công tác này như: sắp xếp, bố trí các cán bộ, Kiểm sát viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng đặc biệt chú trọng đến năng lực và sở trường công tác của công chức; đảm báo các độ tuổi để có tính kế thừa và phải có Kiểm sát viên chuyên trách.
- Đối với những bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm cần kiên quyết ban hành kháng nghị tránh tâm lý nể nang, e dè, ngại va chạm nhất là trường hợp kháng nghị bảo vệ lợi ích của nhà nước và bảo vệ người yếu thế.
- Bảo đảm chặt chẽ, thận trọng khi phê duyệt các báo cáo quan điểm đề xuất xử lý án của Kiểm sát viên, nhất là báo cáo về nội dung kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án.
3.4. Về công tác phối hợp, tổng kết thực tiễn
- Viện kiểm sát cấp trên phải thường xuyên tổng hợp các vi phạm của Tòa án, kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với những bản án, quyết định bị hủy, sửa về những vi phạm của Tòa án để các Viện kiểm sát cấp dưới kịp thời cập nhật nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính. Các đơn vị Viện kiểm sát cấp dưới cũng phải thường xuyên họp rút kinh nghiệm đối với những vụ án bị Tòa án cấp trên hủy, sửa mà Kiểm sát viên không phát hiện được vi phạm. Đồng thời, báo cáo, xin ý kiến đối với những vụ án có vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án...
Tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao với Vụ nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp tỉnh với Viện kiểm sát cấp huyện trong việc chủ động phối hợp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vư¬ớng mắc nảy sinh trong thực tiễn.
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tăng cường xây dựng các chuyên đề từ công tác tổng kết thực tiễn cũng như phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao ban hành các văn bản giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính; tránh những xung đột trong việc hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao khả năng được Tòa án chấp nhận kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.
3.5. Về hình thức và nội dung kháng nghị
- Về hình thức kháng nghị cần được xây dựng theo đúng mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, đảm bảo tính thống nhất trong toàn ngành.
- Về nội dung kháng nghị: phải phân tích làm rõ được vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị; phân tích, đối chiếu viện dẫn chính xác các quy định của pháp luật, điều luật áp dụng và các văn bản hướng thi hành làm căn cứ kháng nghị.
- Tại phần quyết định của kháng nghị cần nêu được nội dung cụ thể của kháng nghị là về những vần đề gì ? kháng nghị đề nghị hủy án hay sửa án. Tránh trường hợp nội dung phần xét thấy phân tích theo hướng hủy án nhưng nội dung phần quyết định đề nghị sửa án và ngược lại.


      Tin, bà: Hoàng Thị Hồng Nhung – Phòng 10 

Lên đầu trang