15/05/14 10:49

Sức mạnh yêu nước trong một thế giới văn minh

(Chinhphu.vn) –  Sức mạnh của lòng yêu nước sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nếu đi cùng cách thể hiện đúng mực, để dư luận quốc tế ủng hộ một Việt Nam không chỉ có chính nghĩa mà còn hành xử văn minh và trách nhiệm.

Những ngày qua, cùng với nhân dân cả nước biểu thị lòng yêu nước bằng nhiều cách khác nhau, hàng ngàn công nhân ở tỉnh Bình Dương đã tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Nhưng lợi dụng điều này, một số đối tượng đã có hành động quá khích, thậm chí “đội lốt” công nhân để đốt phá, hôi của tại các công ty của người Trung Quốc, có doanh nghiệp bị tê liệt hoạt động…

UBND tỉnh Bình Dương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều cho rằng việc thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành động của Trung Quốc là cần thiết, nhưng cần có hành động đúng đắn, tuân thủ chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kêu gọi người dân không để kẻ xấu lợi dụng, tạo cớ, gây sự việc đáng tiếc, thậm chí tiếp tay cho kẻ xấu, đẩy sự việc vào chỗ nguy hiểm khó lường hết hậu quả.

Báo chí trong nước đã rất kịp thời phản ánh hành động biểu thị lòng yêu nước của công nhân Bình Dương, mặt khác đồng loạt cảnh báo những hậu quả từ  những việc làm quá khích; đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh, tỉnh táo, không để kẻ xấu lợi dụng. Nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Báo chí cho rằng, cần phải phân biệt rạch ròi giữa hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc với tư tưởng của nhiều người dân Trung Quốc cũng vốn yêu chuộng hòa bình và lẽ phải. Không ít trí thức và học giả Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo nhà cầm quyền về hành động gây rối trên biển Đông, trong khi các doanh nghiệp vẫn sát cánh cùng Việt Nam trong hợp tác kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Không nên quên rằng, các nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc, người Trung Quốc tại Việt Nam, đều được bảo vệ theo luật pháp quốc tế và cả luật pháp Việt Nam.

Sự tôn trọng các nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài, trên cơ sở sự phân biệt rạch ròi những hành xử vô lý của nhà cầm quyền quốc gia họ với hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, không chỉ giúp Việt Nam tránh được những thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mà còn tránh được những bất lợi trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rõ ràng những quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong đấu tranh với các hành vi sai trái của Trung Quốc. Cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Quan điểm trên đây của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ  mạnh mẽ của dư luận trong nước và cả quốc tế. Chủ trương đó vừa phù hợp với những nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế trong thế giới ngày nay, vừa tiếp nối truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn nồng nàn yêu nước, không bao giờ lùi bước trước kẻ thù, nhưng đồng thời cũng rất mực yêu chuộng hòa bình và chỉ dùng đến súng gươm khi không còn cách nào khác để bảo vệ Tổ quốc.

Những ngày qua, các lực lượng Việt Nam trên biển đã kiên trì, quyết liệt đấu tranh với các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam theo luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình, không khiêu khích và cũng không mắc mưu từ những hành động khiêu khích của phía Trung Quốc. Chúng ta đã hành xử theo pháp luật khi đấu tranh trên biển, thì không có lý do gì để không hành xử theo pháp luật trong các hành động trên đất liền.

Tất nhiên, những hành động quá khích, cần chấn chỉnh như ở Bình Dương chỉ là số ít. Trên thực tế, tuyệt đại đa số người Việt Nam chúng ta đã hành xử đúng mực trong khi vẫn quyết liệt phản đối hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc. Báo chí cho biết, ngày 11/5 vừa qua, anh Đào Hữu Ý ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhặt được túi tiền 200 triệu đồng của người Trung Quốc đã thức suốt đêm tìm người bị rơi để trả lại. Người Trung Quốc này đang làm việc tại dự án Formosa Cảng Vũng Áng.

Anh Đào Hữu Ý chia sẻ: “Cái gì không phải của mình thì mình đừng có tham… Khi biết là người Trung Quốc tôi lại càng vui hơn và càng muốn trả lại cho họ. Mình là người Việt Nam phải làm sao cho bạn bè thế giới hiểu hơn về con người Việt Nam mình”.

Khổng Tử, bậc “vạn thế sư biểu” của dân tộc Trung Hoa đã từng nói cách đây hàng nghìn năm, khi giải thích thế  nào là “nhân”: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Điều gì mình không muốn thì đừng làm với người khác. Mở rộng ra, câu nói ấy có thể hiểu là: Hãy làm cho người khác điều mà mình muốn họ làm cho mình. Nguyên tắc luân lý đạo đức đó vẫn còn giá trị trong thế giới ngày nay, không chỉ với từng cá nhân mà còn đối với mỗi quốc gia. Sức mạnh và uy tín của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia cũng thể hiện rõ qua cách mà cá nhân và quốc gia ấy hành xử ra sao với người ngoài.

Sức mạnh của lòng yêu nước, vì thế, sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nếu đi cùng cách hành xử văn minh của mỗi công dân. Dư luận quốc tế sẽ ủng hộ và đứng về phía Việt Nam không chỉ vì có chính nghĩa mà còn vì yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp, hành xử đúng mực, đối lập với những hành động của một số chủ thể khác trong quan hệ quốc tế, hung hăng, phi pháp và xa lạ với những nguyên tắc của thế giới văn minh.

                                                                                                                                          Kim Tuấn

Lên đầu trang