01/10/18 15:00

Thực trạng thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chậm; Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện.

      Thi hành án nói chung và thi hành án hành chính nói riêng là một trong những hoạt động tư pháp quan trọng của bộ máy nhà nước, nhằm bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án có hiệu quả, một mặt thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, quyền lực nhà nước, mặt khác là công cụ hữu hiệu để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân bị xâm phạm. Tuy nhiên, thi hành án là một hoạt động khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan, đặc biệt việc thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án lại càng khó khăn hơn, bởi vì ngoài những đặc trưng của thi hành án nói chung, thi hành án hành chính còn có những đặc trưng riêng so với các hoạt động thi hành án khác.

      Qua công tác kiểm sát thi hành án hành chính trong 03 năm qua (2015;2016;2017): Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận thấy:

      Theo số liệu đến thời điểm báo cáo, các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nhận được tổng số 65 bản án, quyết định do Tòa án chuyển sang tương ứng với 65 vụ. Trong số 65 vụ thì có cơ quan thi hành án 2 cấp nhận được và thực hiện việc đôn đốc, theo dõi trong 3 năm là:  38 vụ, đã thi hành xong 24 vụ, còn lại 14 vụ. Trong đó cụ thể:

      -Năm 2015 là 12 vụ, đã thi hành xong 09 vụ, chuyển kỳ sau 03 vụ.

     -Năm 2016 là 15 vụ (năm 2015 chuyển sang 03 vụ, nhận mới 2016 là 12 vụ), đã thi hành xong 09 vụ, chuyển kỳ sau 06 vụ.

      - Năm 2017 là 20 vụ (năm trước chuyển sang 6 vụ, nhận mới 14 vụ), đã thi hành xong 6 vụ; còn lại 14 vụ chưa thi hành xong.

      Như vây; hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 14 bản án, quyết định của Tòa án chưa được thi hành.

      Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính:

      Nhìn chung phần nhiều đối tượng bị khởi kiện trong các vụ án hành chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền. Do đó, người phải THA trong trường hợp này là các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước. Với đặc thù như vậy, nên việc thi hành các bản án hành chính gặp nhiều khó khăn.

      Khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn:

      - Nguyên nhân của việc chậm thi hành:

      + Về khách quan:

      Công tác thi hành án hành chính chủ yếu liên quan đến đất đai, lĩnh vực vốn phức tạp và nhiều bất cập về pháp lý, việc khắc phục hậu quả từ các quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai trước đây, đặc biệt là liên quan đến giao đất, đền bù, giải tỏa, trả lại đất…thường qua nhiều giai đoạn, mất rất nhiều thời gian, hiện trạng việc quản lý sử dụng đất đã thay đổi qua nhiều chủ sử dụng nên việc trả lại đất thực tế khó thi hành do ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều cá nhân khác; việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cũng mất nhiều thời gian như khảo sát, thẩm định giá, lập phương án bồi thường… Một số Bản án, quyết định của Tòa án còn có sai sót, chưa rõ và khó thi hành trên thực tế phải đề nghị giải thích, sửa đổi, bổ sung.

      + Về chủ quan:

      Hiện nay hầu hết các Bản án, Quyết định về vụ án hành chính của Tòa án có nội dung tuyên: Hủy quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thực thi nhiệm vụ công vụ theo quy định. Với nội dung tuyên như trên thực tế chưa cụ thể, rõ ràng nên khi làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thi hành thì Chấp hành viên còn lúng túng khi không có nội dung yêu cầu cụ thể.

      Tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói chung và phần tài sản trong bản án, quyết định của một số cơ quan Nhà nước vẫn còn, nhất là các khoản trả lại tài sản, giao lại đất đai cho người khởi kiện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Thời gian qua, Viện kiểm sát liên tục nhận được đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến việc không chấp hành án của cơ quan Nhà nước.

      Bên cạnh đó, một số tòa án địa phương thực hiện chưa nghiêm việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THA dân sự theo quy định tại Điều 196, Điều 244 của Luật TTHC và Điều 28 của Luật THA dân sự, trong khi đây là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính và tổ chức thi hành các khoản án phí của các cơ quan THA dân sự.

      Một số các cơ quan nhà nước là người phải thi hành án chưa đồng tình với Bản án, quyết định của Tòa án nên đã kiến nghị Viện Kiểm sát và Tòa án tối cao xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và chờ đợi trả lời nên vụ việc chậm thi hành.

      Một số khó khăn, vướng mắc về các quy định pháp luật:

     - Tại Điều 3 Nghị định 71/CP về giải thích từ ngữ: thì một trong những hành vi vi phạm là chậm thi hành án hoặc không chấp hành bản án, nhưng hành vi đó phải là cố ý thì mới được xem là vi phạm. Thực tế cho thấy việc xác định hành vi chậm hoặc không thi hành có phải do cố ý hay không thì khó xác định, không có những tiêu chí để nhận diện.

     - Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 71/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án hành chính có quy định đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án nếu vi phạm. Các hành vi vi phạm theo quy định là: Chậm thi hành án, cản trở thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

      Quy định trên cho thấy một trong những hành vi vi phạm của người phải thi hành án bị đề nghị xử lý là hành vi “không chấp hành” Bản án, Quyết định về vụ án hành chính của Tòa án. Tuy nhiên, Nghị định không quy định thời hạn cuối cùng phải thi hành xong Bản án hành chính. Nếu người phải thi hành án cho rằng họ đang thi hành, nhưng không rõ thời gian thi hành xong vì vậy trong một thời điểm cụ thể khó có thể nhận diện được hành vi có vi phạm hay không và vi phạm ở mức độ nào để đưa ra kiến nghị xử lý tương ứng với hành vi vi phạm.

      - Về việc ủy quyền trong thi hành án hành chính: Tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng Hành chính quy định ủy quyền tham gia Tòa hành chính như sau: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”.

      Tuy nhiên quy định về thi hành án hành chính lại không quy định cụ thể về đối tượng được ủy quyền. Thực tế cho thấy, sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công tiến hành làm việc với Người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, tuy nhiên thông thường Chủ tịch UBND ủy quyền cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thay mặt làm việc với Chấp hành viên. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng việc ủy quyền như vậy là chưa hợp lý, làm hạn chế hiệu quả thi hành án hành chính.

      Những đề xuất, kiến nghị và giải pháp thực hiện thời gian tới:

      - Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Nghị định 71/2016/NĐ-CP nêu trên để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

      - Kiến nghị Bộ Tư pháp đề xuất Thủ tướng Chính phủ tích cực đôn đốc người phải thi hành án theo quy định tại Điều 32 Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

      - Về Trình tự, thủ tục thi hành án hành chính phải được cụ thể, do rõ, thể hiện quyền lực tư pháp nhiều hơn. Theo đó, quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành hoặc không chấp hành đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

      - Kiến nghị cơ quan Tòa án có thẩm quyền xét xử khi giải quyết vụ án hành chính cần tuyên án cụ thể, rõ ràng, đúng pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án hành chính áp đụng đúng trình tự, thủ tục thi hành án do pháp luật quy định, hạn chế tối đa sai sót, vi phạm trong quá trình thi hành án hành chính.

      - Thi hành án hành chính là lĩnh vực phức tạp, đặc thù của thi hành án hành chính có bên phải thi hành án là cơ quan nhà nước, như: UBND hoặc cơ quan nhà nước khác, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Do đó, nếu có sự tham gia vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị thì hoạt động thi hành án hành chính đạt hiệu quả hơn. Vì vậy Cơ quan thi hành án cần tăng cường và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính.

      - Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành án hành chính và xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính. Tăng cường công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác này để người phải thi hành thông suốt về tư tưởng, tự nguyện và hợp tác trong việc thi hành nghĩa vụ của mình đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

      Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính như quyết định phạt tiền hoặc xử lý hành chính nêu tên trên phương tiện truyền thông…Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

      Các Bộ, ngành cần tổ chức kiểm tra công tác thi hành án hành chính ở địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm tại các cơ quan, địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, tránh tình trạng tồn đọng án hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giảm uy tín của cơ quan Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Tin, bài: Lê Thanh Tùng -Phòng 11

Lên đầu trang