20/11/13 15:28

Những bài viết, sưu tầm của đồng chí Lê Hưng Công - Trưởng phòng 3

Lê Hưng Công
Phòng 3- VKSND tỉnh BR-VT

Đã nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhắc lại những buồn vui trong công tác kiểm sát xét xử án hình sự của mình, Tôi không thể nào quên được kỷ niệm xúc động về một bà mẹ già tại một phiên toà hình sự, đã làm đẹp thêm hình ảnh Người mẹ Việt nam mà nhà nước ta trân trọng đã tôn vinh từ nhiều năm qua. Qua đó cũng nâng cao được nhận thức và rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho công tác nghiệp vụ, chuyên môn của mình.
Đó là phiên toà xét xử một vụ án hình sự nghiêm trọng; Bị cáo là một thanh niên mới bước qua tuổi trưởng thành nhưng lại phạm tội rất nghiêm trọng đó là : Cướp tài sản.
Khi tôi bước vào phiên toà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi không phải bị cáo đứng trước vành móng ngựa, mà là một người mẹ già gầy guộc, mái tóc bạc phơ, khuôn mặt già nua với những nét nhăn hằn sâu trên trán và những nét chân chim 2 bên khoé mắt lộ rõ những trăn trở, đau thương và khắc nghiệt của thời gian, nhưng đặc biệt đôi mắt bà vẫn còn sáng rực, lộ rõ sự cương quyết, can trường, sẵn sàng chấp nhận mọi sự việc sẽ xảy ra... Tôi cảm nhận ngay đây có lẽ là mẹ của bị cáo, vì bà ngồi xuống hàng ghế phía sau hàng ghế bị cáo không xa. Quả thật như vậy Bà chính là mẹ của bị cáo.
Việc xét xử bị cáo diễn ra khá gay go, vì bị cáo luôn quanh co, chối cãi  không chịu thừa nhận hành vi phạm tội của mình- Tôi thật sự quá mệt mỏi vì phải đấu tranh, giáo dục, thuyết phục và chứng minh tội phạm. Cuối cùng với nhân chứng, vật chứng đầy đủ bị cáo không thể chối cãi  được nên phải cúi đầu nhận tội, nhưng tâm vẫn không phục.

Khi phần tranh luận kết thúc, chuẩn bị chuyển sang phần nghị án và tuyên án, thì bỗng nhiên bà mẹ đứng dậy xin Hội đồng xét xử ( HĐXX ) cho phép được phát biểu ý kiến. Mặc dù bà không có tên trong danh sách triệu tập ra toà nhưng có lẽ HĐXX cũng có cảm nhận như tôi, nên đồng ý cho bà phát biểu. Bà bước ra khỏi hàng ghế, lưng đã hơi còng, bước chân khập khiểng, bà tiến từng bước về phía bục nói dành cho nhân chứng và những người liên quan, một thoáng ngập ngừng rồi bà đứng thẳng người nhìn về phía HĐXX bà nói:
- Thưa quý toà! Tôi xin cảm ơn quý toà đã cho tôi phát biểu ý kiến, tôi chính là mẹ ruột của cháu ( chỉ bị cáo ) tôi không muốn kể công với toà, nhưng thực sự vợ chồng tôi đều tham gia Cách mạng và đều là thương binh, sau ngày đất nước thống nhất chúng tôi mới lập gia đình và chỉ có một người con duy nhất là cháu ( Bà lại nhìn sang phía bị cáo với ánh mắt vừa thương yêu, vừa đau khổ thất vọng ). Khi hay tin cháu bị bắt vì phạm tội tày trời như vậy, vợ chồng tôi thật sự bị suy sụp hoàn toàn... Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, ơn Bác Hồ chúng tôi mới có cuộc sống ngày hôm nay, chúng tôi cũng đã hiến một phần xương máu của mình cho đất nước, khi hoà bình lập lại do ảnh hưởng của chiến tranh, khi lập gia đình chúng tôi đều đã lớn tuổi, thương tật nên chỉ sinh được một mình cháu; Chúng tôi thật sự vui mừng khôn xiết, vì thực tế ngoài cháu ra chúng tôi không còn khả năng sinh con nữa, Cháu chính là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng cho tuổi già của chúng tôi...Và sự việc xảy ra ngày hôm nay chính là sự sai lầm ban đầu của chúng tôi...
Lúc này, hình như câu chuyện của bà đã cuốn hút sự chú ý của cả phiên toà cũng như HĐXX. Tôi nhìn bà, bỗng thấy bà như già đi rất mau, lưng còng thêm, ánh mắt mờ dần, tiếng nói thổn thức và sâu lắng tiếp tục :
- Thưa quý toà! Hoàn cảnh gia đình chúng tôi lúc bấy giờ rất hạnh phúc, tình thương của vợ chồng tôi đều tập trung cho đứa con trai duy nhất, mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó nhăn, nhưng chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm lo cho cháu,, cháu càng lớn càng ngoan hiền, hạnh phúc của chúng tôi càng bay cao, chúng tôi chiều chuộng cháu hết mức, cháu muốn gì được nấy...Bà thở dài - Chính vì chìm đắm trong hạnh phúc gia đình như vậy đã làm cho chúng tôi quên đi trách nhiệm giáo dục cho con nên người, chỉ biết phó thác cho nhà trường và xã hội mà không theo sát kiểm tra cuộc sống, sinh hoạt bên ngoài xã hội của cháu, để rồi việc gì đến rồi cũng đến: vì chiều chuộng cháu quá nên cháu hư hỏng, đua đòi cùng bạn bè xấu, rồi phạm tội như ngày hôm nay...
Vị thẩm phán chủ toạ có lẽ đã hơi sốt ruột liền nhắc:
-Bà xin phát biểu với mục đích gì, có phải bà muốn xin giảm nhẹ tội cho con bà không?
Khi nghe vị chủ toạ nhắc, trong thoáng chốc bà ngước mắt nhìn lên HĐXX, ánh mắt bà trở nên kiên quyết lạ thường, nhưng vẫn không tránh khỏi sự
dằn vặt, che giấu niềm đau thương, Bà nói:
-Thưa quý Toà! Cháu đã phạm tội tày trời như vậy, xin quý toà phải xử phạt cháu thật nghiêm để cháu trả giá cho những việc làm sai trái của mình và cũng để chúng tôi trả giá cho sự thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái để cháu lầm đường lạc lối gây hại cho xã hội như vậy,chúng tôi đã phụ công ơn của Đảng, Nhà nước, của Bác Hồ. Xin hãy xử phạt cháu thật nghiêm...Bà nói những lời sau cùng trong tiếng nất nghẹn ngào, đau khổ.
Bà nói xong, không khí trong phiên toà bỗng nhiên như lắng đọng lại; Cả HĐXX cũng như bản thân tôi thật hết sức bất ngờ đến sững sờ. Quả thật như vậy, đối với tôi sau nhiều năm tham gia xử án hình sự, đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp lắng nghe và chứng kiến việc một bà mẹ xin HĐXX xử phạt con mình (đang là bị cáo ) thật nghiêm; Hoàn toàn trái hẳn với những vụ án hình sự khác vì hầu hết những người thân, cha mẹ đều xin giảm nhẹ tội cho con cái.
Nhưng sự việc không phải chỉ dừng lại đây. Tôi đang suy nghĩ, thì bỗng nghe bà mẹ lên tiếng:
- Xin quý toà cho phép tôi nói với con tôi vài lời...
Vị chủ toạ đồng ý. Bà liền quay sang phía bị cáo với ánh mắt đau khổ vô cùng:
-Con ơi! con có trách mẹ xin quý toà xử phạt nặng cho con không ? Bà nói trong nghẹn ngào, nức nở, người bà như đổ sụp xuống, bà phải tựa người vào bục nói.
Tôi nhìn bị cáo, lúc này thật sự tôi không còn nhận ra tên tội phạm ban đầu đã ngang nhiên chối cải, quanh co trước HĐXX. “Cậu bé” có lẽ phải gọi như vậy mới đúng với tình cảnh lúc này của bị cáo, người “Cậu” co rúm lại, khuôn mặt bỗng chốc như già đi trước tuổi, dàn dụa nước mắt, có lẽ “Cậu” đã thấm thía những lời tâm huyết mà mẹ mình đã nói trước toà, đã thấy rõ việc làm sai trái của mình, thấy rõ mình thật sự là đứa con hư hỏng, bất hiếu... “Cậu” bỗng kêu lên hai tiếng:- Mẹ ơi!...rồi quay về phía bà sụp xuống lạy bà liên tục, Bà cũng sụp xuống, khuôn mặt đầm đìa nước mắt.
Lại thêm một bất ngờ lớn nữa tại phiên toà này. Tôi thực sự xúc động mãnh liệt; Cứ nghĩ rằng “Cậu bé” bị cáo sẽ hận mẹ mình dữ lắm, ai ngờ ngược lại, có thể nói không ai hiểu con bằng người mẹ; Chính sự nghiêm khắc, cương quyết của người mẹ đã thu phục được “Cậu” khiến “Cậu” hồi tỉnh sau cuộc “phiêu lưu” đầy những sai lầm của tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ và điều đó đã được “Cậu” thể hiện trong lời nói sau cùng tại phiên toà :
-Thưa quý toà! Con đã nhìn thấy được những sai phạm và tội lỗi mà mình đã gây ra; Mong quý toà  tha thứ và hãy xử phạt con thật nghiêm khắc như lời đề nghị của mẹ con, con hứa sẽ cải tạo để trở thành người tốt; sau này trở về sẽ không tái phạm nữa, cố gắng làm ăn lương thiện để nuôi nấng, chăm sóc cha mẹ già đáp lại công ơn sanh thành, dưỡng dục...
Xúc động trước tấm chân tình và sự cương quyết tuân thủ pháp luật của người mẹ, cùng với sự ăn năn hối cải muộn màn của bị cáo và cũng vì hậu quả của tội phạm xảy ra không lớn, cùng với sự xúc động, thông cảm xin giảm nhẹ của người bị hại, nên HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo với mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố, xét xử.
Cả hai mẹ con đều vui mừng, ánh mắt lộ rỏ sự phấn khởi, cương quyết sẵn sàng vượt qua chặng đường thử thách trước mắt để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra trong thời gian qua.
Sau phiên toà trở về tâm trạng tôi cứ bồi hồi, lòng tôi cứ rộn lên nỗi buồn, vui lẫn lộn. Buồn là vì hình ảnh hai người cha, mẹ già rồi đây sẽ vò võ sống một thời gian dài, ngày đêm trông ngóng, đợi chờ đứa con thân yêu của họ trở về và phải chống chọi với sự tàn phá của thời gian lên thân thể còm cỏi, già nua, ốm đau, bệnh tật...không có người chăm sóc, đỡ đần... Vui là vì vụ án đã được xét xử thành công; Thành công ở đây không phải là hoàn thành việc phá án, mà là vụ án đã được xét xử trên cơ sở pháp luật cùng với đạo lý làm người mà người mẹ già không ngại hy sinh, sẵn sàng đương đầu, chịu đựng với tinh thần tuân thủ pháp luật... mà rất hiếm người có thể làm được, chính vì lẽ đó đã cảm phục được người phạm tội, làm cho họ nhận thức được lẽ phải, đúng sai, để từ đó họ sẽ có sự hướng thiện mạnh mẽ trong cuộc sống tương lại.

 

 

 

Sưu tầm:         Lê Hưng Công
Phòng 3-VKSND tỉnh BR-VT

Phúc thẩm
Ông lão đang ngồi xem vô tuyến, đột nhiên đứa cháu đi học về, chưa kịp cất cặp, đứa cháu vội vã hỏi ông: Ông ơi, xét xử phúc thẩm là gì hả ông?
Ông đáp: Phúc thẩm có nghĩa là thủ tục làm phúc.
Thào nào: Bọn tội phạm cứ thi nhau phúc thẩm.
Sơ thẩm
Hai vợ chồng ngồi tâm sự với nhau. Cô vợ lên tiếng hỏi:
"Anh ơi, xét xử sơ thẩm là gì?"
Anh chồng đáp: Em không biết sao? Đó là thủ tục quy định vệc xét xử sơ qua, đại khái.
Thào nào, em thấy mọi người đến tòa kháng cáo cứ ầm ầm.
Lấy vợ
Hai bố con ngồi tâm sự, đột nhiên cậu con trai hỏi:
- Bố ơi, tại sao bây giờ không được lấy nhiều vợ hả bố?
Bố đáp: Con không biết sao? Nhà làm luật quy định như vậy là bảo đảm tuổi thọ cho bố con mình đấy.
admin  
(Theo Sưu tầm )

Luật với gia đình
Xả xì trét một chút

Luật... tự nhiên: Nhất vợ, nhì trời.
Luật... luân lý: Kính vợ, nhường con.
Luật... lao động: Ngày thường đi làm, ngày nghỉ làm việc nhà.
Luật... hành chính: Mọi giấy tờ liên quan đều có ghi đầy đủ tên vợ, chồng.
Luật... báo chí: Có quyền tự do ngôn luận, nhưng vợ là người phát ngôn cuối cùng.
Luật... ngân sách: Vợ là chủ tài khoản, là kế toán và là thủ quỹ, chồng là người nộp thuế.
Luật... thương mại: Mọi mua sắm đều phải trình qua vợ.
Luật... doanh nghiệp: Không được đăng ký bồ mới. Không được mở cơ sở 2, cơ sở 3.
Luật... dân sự: Không được tranh chấp với vợ trên mọi lĩnh vực.

Lên đầu trang