(Dân trí) - Hãng thông tấn BBC của Anh ngày 9/9 đã có bài phóng sự về hoạt động thi công xây dựng ồ ạt phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông mà cụ thể là Trường Sa. Tuy nhiên phía Trung Quốc lại ngang nhiên cho rằng việc cơi nới đảo là hoạt động “chính đáng”.
Hoạt động tạo đảo của Trung Quốc trên Gạc Ma, thuộc Trường Sa.
Trong phóng sự có tiêu đề "China's Island Factory" (tạm dịch Nhà máy tạo đảo của Trung Quốc), phóng viên BBC Rupert Wingfield – Hayes đã lên một tàu cá của Philippines để tìm hiểu về cáo buộc Trung Quốc đang có hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo trên các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Theo những gì họ chứng kiến, Trung Quốc đang xây đảo mới trên năm rạn san hô khác nhau trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Phóng viên Wingfield - Hayes và nhóm phóng viên BBC ghi nhận, Trung Quốc đã nạo vét nhiều tấn đá và cát từ đáy biển để bồi vào rạn san hô Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa mà nước này đã chiếm của Việt Nam trong trận hải chiến Trường Sa 1988. Theo BBC, việc thi công tấp nập hiện nay dường như đã diễn ra nhiều tháng.
Trong buổi họp báo hàng ngày hôm thứ ba, trước câu hỏi của BBC về việc tại sao Trung Quốc đang triển khai cơi nới đảo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh ngang nhiên tuyên bố rằng hoạt động của họ trên Trường Sa là “hoàn toàn chính đáng” vì “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.
Khi được hỏi liệu việc bồi đất đảo là để sử dụng cho thương mại hay quân sự, bà trả lời hoạt động “chủ yếu có mục đích cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của người dân đồn trú trên các hòn đảo này”.
Nhưng khi BBC chỉ ra rằng vùng đất cơi nới là mới được triển khai, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh đã không thể trả lời thêm mà chỉ nói: “Tôi đã trả lời câu hỏi của quí vị”.
Vào tháng 5 vừa qua Philippines cũng đã cáo buộc Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực. Philippines đã công bố hình ảnh cho thấy hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên rạn san hô Johnson South (tức bãi Gạc Ma) và cho rằng Trung Quốc có khả năng đang xây dựng cả một đường băng ở đó.
Trung Anh
Theo BBC