Hình ảnh Phi-đen Ca-xtơ-rô sẽ trường tồn với dân tộc Việt Nam
QĐND - Các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sang thăm “Hòn đảo tự do” rất nhiều lần. Chuyến thăm nào cũng mang nặng tình anh em nồng thắm, nghĩa đồng chí keo sơn. Lần này, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tới Cu-ba với trĩu nặng đau thương. Sự ra đi của đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô là mất mát quá lớn lao với cả hai quốc gia, hai dân tộc; là sự bàng hoàng, thảng thốt với nhiều người dân Việt Nam, bởi mới chỉ cách đó ít hôm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa đến thăm Cu-ba và vẫn còn ngồi nói chuyện với Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô hàng tiếng đồng hồ…
Người bạn đầu tiên chia sẻ đau thương
Vừa xuống sân bay Hô-xê Mác-ti, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tới ngay Khu tưởng niệm Hô-xê Mác-ti, nơi đang đặt di hài của đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô, một huyền thoại của phong trào Cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên thế giới, để viếng người bạn lớn, người đồng chí nghĩa tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu-ba, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có 6 lần đến thăm Cu-ba, trong đó có 2 lần được gặp và nói chuyện mỗi lần hơn 1 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Bởi thế, vị Lãnh tụ của cách mạng Cu-ba và phong trào cách mạng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội khu vực châu Mỹ La-tinh và trên toàn thế giới Phi-đen Ca-xtơ-rô để lại ấn tượng rất sâu đậm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Với những ấn tượng sâu đậm như vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định một cách chắc chắn: “Đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô không còn nữa, nhưng tư tưởng cách mạng nhân văn, cao cả của Người vẫn tiếp tục đồng hành cùng nhân dân Cu-ba, Việt Nam, cũng như mọi dân tộc tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp của Phi-đen Ca-xtơ-rô sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cu-ba anh em, nhân dân Việt Nam và các dân tộc tiến bộ trên thế giới!”.
Hàng dài người dân Cu-ba vào viếng Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô.
Theo thông báo của các bạn Cu-ba, Việt Nam là nước đầu tiên đăng ký đoàn tới viếng chính thức Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô, là đoàn quốc tế đầu tiên đến Cu-ba viếng Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Như vậy, trong lúc đau thương nhất của nước bạn, Việt Nam là nước bạn bè đầu tiên tới chia sẻ. Đó là biểu hiện của sợi dây tình cảm bền chặt đã gắn kết hai nước với nhau qua hết thời binh đao, lửa đạn, lại đến những đận khốn khó bủa vây, và giờ là lúc phải chịu mất mát, đau thương quá lớn.
Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Cu-ba ngay sau lễ viếng Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng rưng rưng khi nhắc đến sự mất mát này: Sự ra đi của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô là sự mất mát lớn lao không gì bù đắp được của Đảng, Nhà nước và nhân dân Cu-ba, đồng thời cũng là sự mất mát lớn lao không gì bù đắp được của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Từ nay, Việt Nam sẽ mất đi một người bạn lớn, một đồng chí lớn.
Hòa trong dòng người dài như bất tận vào viếng Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô, chúng tôi càng đồng cảm với sự mất mát lớn lao của nhân dân Cu-ba anh em. Việt Nam cũng mới tiễn đưa một vị tướng huyền thoại, vị tướng của lòng dân-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về với đất mẹ. Cũng trong những ngày nắng vàng hanh hao, hàng người kéo dài mãi không dứt từ đường Hoàng Diệu, qua Điện Biên Phủ, vòng qua đường Độc Lập, qua đường Hoàng Văn Thụ ở thủ đô Hà Nội rồi quay lại Hoàng Diệu để vào viếng Đại tướng. Hình ảnh ấy với hình ảnh hàng dài người dân Cu-ba ở hai bên Khu lưu niệm Hô-xê Mác-ti vào viếng Lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô sao giống nhau đến vậy!
Luôn bên nhau lúc khó khăn, hoạn nạn
Nhớ lại những tình cảm quý báu mà Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô nói riêng và nhân dân Cu-ba nói chung dành cho Việt Nam, càng thấy thấm thía sự mất mát lớn lao của Việt Nam khi Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô không còn nữa.
Có lẽ, không cần nhắc lại thì người Việt Nam nào cũng biết, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bất chấp hiểm nguy vào tận vùng chiến địa Quảng Trị mới được giải phóng của Việt Nam để phất lên ngọn cờ đầy kiêu hãnh của tinh thần cách mạng bất khuất, để nói với người dân Việt Nam rằng: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Không cần nhắc lại thì rất nhiều người Việt Nam cũng biết, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên ấy, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã phải rơi lệ khi chứng kiến cảnh một nữ thanh niên xung phong Việt Nam tuổi đời còn rất trẻ bị trúng bom bi, ngất đi trong vũng máu, bên những hố bom chị chưa kịp vá cho con đường huyết mạch tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Để rồi sau đó, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô quyết định xây tặng ngay cho Việt Nam một bệnh viện 500 giường trên vùng đất lửa Quảng Trị, nhằm mục đích cứu chữa cho bộ đội Việt Nam bị thương ở chiến trường miền Nam, thanh niên xung phong và dân thường bị thương bởi bom đạn.
Cũng trong chuyến thăm ấy, đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô đã quyết định xây tặng Việt Nam một khách sạn lớn, hiện đại để đón tiếp khách quốc tế đến thăm. Đó chính là Khách sạn Thắng Lợi, giờ vẫn còn bề thế ở Hà Nội như một minh chứng cho sự giúp đỡ chí tình của đất nước Cu-ba anh em với Việt Nam trong những ngày đầu đầy gian khó. Cùng đó, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cũng quyết định làm đường Xuân Mai tặng nhân dân Việt Nam; giờ người dân ở đó vẫn trìu mến gọi đó là con đường Cu-ba; xây tặng hạ tầng, chuyển giao công nghệ và tặng bò giống để Việt Nam phát triển Trại bò giống Ba Vì và Trại bò giống Tam Đảo, với ước nguyện người dân Việt Nam sẽ có đủ sữa để uống, thịt bò để ăn. Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, người trực tiếp phiên dịch cho Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô trong chuyến thăm Việt Nam năm ấy, kể với chúng tôi như vậy ngay sau lễ viếng Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô.
Cu-ba đã luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc, thống nhất và tái thiết đất nước. Việt Nam cũng luôn sát cánh cùng Cu-ba san sẻ khó khăn. Những năm gần đây, để giúp các bạn Cu-ba có thể tự cung cấp lương thực, không còn bấp bênh bởi chính sách cấm vận, Việt Nam đã gửi chuyên gia nông nghiệp sang Cu-ba, giúp các bạn làm chủ công nghệ trồng lúa nước của Việt Nam. Nhờ vậy, sản lượng lúa gạo của Cu-ba có sự tăng trưởng đáng kể. Kể chuyện với mọi người, trong đó có lớp trẻ chúng tôi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá rất cao mô hình trợ giúp này của Việt Nam với các bạn Cu-ba.
Dù Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã ra đi, nhưng hình ảnh cũng như di sản to lớn mà nhà lãnh đạo Cu-ba để lại cho các thế hệ sau của hai dân tộc chắc chắn sẽ trường tồn…
Phạm Văn Minh lấy từ QĐND (Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG (từ La Ha-ba-na))