Vào mùa hè, các hoạt động ngoài trời rất thu hút trẻ. Thời tiết nắng nóng dễ khiến trẻ bị say nắng, say nóng, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bí kíp chống nóng ngày hè giúp trẻ tránh bệnh / Xử trí khi bé bị sốt
Say nắng, say nóng là phản ứng của cơ thể khi học tập, luyện tập thể lực hay làm việc trong môi trường nóng bức, nhiệt độ cao, thường gặp ở trẻ em, người già và những người hoạt động ngoài trời.
Khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ như: giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể. Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người khác nhau, người trưởng thành khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất, trái lại người cao tuổi và trẻ em sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng.
Khi nhiệt độ của môi trường bên ngoài tăng nhanh và cao, cơ thể bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi thì có thể gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể và có thể dẫn đến tử vong.
Khi bị nắng nóng, vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, bé có thể bị các bệnh như sau:
Say nóng, say nắng
Trẻ bị say nắng, say nóng có những triệu chứng sau:
- Da nóng, ửng đỏ.
- Sốt cao trên 40 độ C.
- Không có mồ hôi.
- Lơ mơ.
- Co giật, động kinh.
- Sốc.
Sơ cứu:
Sốt cao có thể đe dọa đến tính mạng trẻ, do vậy cần xử trí nhanh như sau.
- Gọi bác sĩ hay xe cấp cứu ngay lập tức.
- Làm mát cho bé càng nhanh càng tốt. Đem bé đến chỗ mát. Lau mát cho bé bằng nước mát hoặc nước lạnh và quạt cho bé. Cần lưu ý là trong các trường hợp này, uống thuốc hạ sốt như Ibuprofen hoặc acetaminophen cũng không làm trẻ hạ sốt.
- Nếu bé hôn mê, nhúng bé vào nước lạnh có thể cứu sống bé.
- Nếu bé còn tỉnh, cho bé uống một ly nước lạnh, uống mỗi 15 phút cho đến khi bé cảm thấy đỡ hơn.
Mệt lả do nóng
Trẻ bị mệt lả do nóng có những triệu chứng sau:
- Da lạnh, nhợt nhạt.
- Không sốt (nhiệt độ dưới 37,8 độ C).
- Ra mồ hôi.
- Hoa mắt.
- Ngất.
- Yếu mệt.
Sơ cứu:
- Gọi bác sĩ ngay lập tức.
- Đặt trẻ nằm ở nơi mát, chân nâng cao.
- Cho trẻ uống một ly nước lạnh mỗi 15 phút cho đến khi trẻ cảm thấy đỡ hơn.
- Sau khi cho trẻ uống 2-3 ly nước, mang bé đến cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá tình trạng mất nước của bé và điều trị bù nước thích hợp.
- Vẫn tiếp tục cho bé uống nước trên đường chở bé đến cơ sở y tế.
3. Vọp bẻ (chuột rút) do nóng
Trẻ bị vọp bẻ do nóng có những triệu chứng sau:
- Vọp bẻ nặng ở chân, tay, bụng.
- Không sốt.
Cách chăm sóc tại nhà:
- Vọp bẻ do nóng là phản ứng thường gặp nhất khi ở trong môi trường quá nóng bức. Tình trạng này không nguy hiểm nên có thể chăm sóc tại nhà, không cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
- Cho trẻ uống một ly nước lạnh mỗi 15 phút cho đến khi trẻ cảm thấy đỡ hơn.
- Có thể cho bé ăn thức ăn chứa muối như khoai tây chiên, bánh quy.
Phòng ngừa các bệnh do nóng
- Khi cần phải cho trẻ tập luyện ngoài trời nắng thì trước đó vài ngày nên có thời gian cho trẻ ra nắng để cơ thể trẻ quen dần với tác động của nắng nóng.
- Cho trẻ uống thêm nhiều nước khi học và luyện tập trong môi trường nóng bức.
- Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, màu sáng, đội nón rộng vành sẽ giúp trẻ bớt nóng.
- Tránh cho trẻ tập luyện quá sức ở ngoài trời nắng. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.
- Nếu trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng thì nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian, cho trẻ vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi và uống nước.
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường