I. Cơ sở pháp lý và vai trò của công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
Việc kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát được được hiến định tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013; Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; khoản 5 Điều 27 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án là một khâu quan trọng trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Kết quả của việc kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án là cơ sở để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị đối với Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thực hiện quyền kháng nghị. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này, Bộ luật Tố tụng Dân Sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm của Tòa án phải gửi bản án, quyết định của Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 212, khoản 3 Điều 217, khoản 2 Điều 269, khoản 4 Điều 289 và khoản 1 Điều 315.
II. Về quy trình trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo Quyết định 399/QĐ-VKSTC ngày 06 tháng 09 năm 2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.
1. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp.
Người thực hiện kiểm sát, bản án quyết định là Kiểm sát viên (Kiểm tra viên) được phân công trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc giải quyết từng vụ việc dân sự cụ thể. Căn cứ lượng án, tính chất phức tạp của từng vụ án; sở trường, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tác của Kiểm sát viên, (Kiểm tra viên); Lãnh đạo đơn vị phân công kiểm sát án cho phù hợp, đảm bảo hoàn thành tiến độ và chất lượng công việc cao nhất. Thực chất kết quả của kiểm sát bản án, quyết định trong trường hợp này là kết quả chung cho cả quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc giải quyết vụ việc dân sự kể từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án. Vì vậy, đòi hỏi Kiểm sát viên (Kiểm tra viên) phải tiến hành kiểm sát chặt chẽ kể từ khi nhận thông báo thụ lý vụ án. Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, cần nghiên cứu kỹ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người liên quan; chứng cứ của các bên đưa ra. Việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến người thứ ba (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hay không.
Xác định thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm tố tụng nghiêm trọng và cấp phúc thẩm không thể khắc phục được; hậu quả là phải hủy án để giải quyết lại vụ án từ đầu. Gần như 100% án hủy do đưa thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Việc hủy án giải quyết lại làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, lãng phí thời gian, công sức, chi phí của đương sự và những người tiến hành tố tụng. Tùy vào đặc điểm từng loại án mà có cách thức kiểm sát chứng cứ trong hồ sơ vụ án để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ trong vụ án; đặc biệt chú ý đến vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất; tranh chấp thừa kế mà di sản là quyền sử dụng đất; tranh chấp hợp đồng đặt cọc đảm bảo cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất….Người thứ ba trong những vụ án này có thể người nhận chuyển nhượng, nhận thế chấp quyền sử dụng đất, người sử dụng đất và người có tài sản trên đất, người được thi hành án…
Khi kiểm sát việc thu thập và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ vụ án cần cẩn trọng và tỷ mỉ; trường hợp phát hiện trình tự thu thập chứng cứ của Tòa án không hợp pháp hoặc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án thu thập bổ sung hoặc kiến nghị khắc phục vi phạm ngay. Việc đưa ra quan điểm giải quyết vụ án phải trên cơ sở đánh giá toàn diện chứng cứ một cách khách quan và công bằng; lựa chọn áp dụng pháp luật chính xác về nội dung và hiệu lực văn bản luật.
Việc kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa cùng cấp được thực hiện từ thời điểm Hội đồng xét xử tuyên án đối với những vụ án Kiểm sát viên tham gia phiên tòa hoặc kể từ thời điểm nhận được bản án, quyết định đối với việc giải quyết vụ án mà không có sự tham gia của Kiểm sát viên hoặc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Kiểm sát viên (Kiểm tra viên) quá trình kiểm sát bản án, quyết định phải tuân thủ quy trình trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định được quy định tại Quyết định 399/QĐ-VKSTC ngày 06 tháng 09 năm 2019 của Viện trưởng VKSND tối cao. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ, kết quả kiểm sát tại phiên tòa, quyết định của Hội đồng xét xử và quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và các quy định pháp luật có liên quan để đưa ra quan điểm về kết quả kiểm sát bản án, quyết định.
Đối với việc kiểm sát quyết định đình chỉ, quyết định công nhận thỏa thuận nếu nội dung quyết định còn những điểm chưa rõ ràng như (chú ý vụ án đình chỉ do chưa đủ điều kiện hoặc không được quyền khởi kiện, sự việc đã được bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; công nhận thỏa thuận mà đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất hoặc liên quan đến quyền sử dụng đất). Kiểm sát viên (Kiểm tra viên) cần liên hệ ngày Tòa án cùng cấp để mượn hồ sơ để nghiên cứu.
2. Kiểm sát bản án của Tòa án cấp dưới.
Từ năm 2022, Viện kiểm sát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong các khâu công tác đột phá trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Vì vậy, bản án, quyết định kèm phiếu kiểm sát của được Viện kiểm sát cấp huyện số hóa và gửi vào địa chỉ mail công vụ của Kiểm sát viên (Kiểm tra viên) được phân công phụ trách.
Thực tế phát hiện vi phạm Tòa án chỉ thực hiện trên cơ sở nghiên cứu bản án, quyết định là rất khó khăn. Vì vậy, phải có sự phối hợp tốt giữa Kiểm sát viên tham gia phiên tòa (Kiểm sát viên cấp huyện) với Kiểm sát viên (Kiểm tra viên) phụ trách kiểm sát bản án, quyết định. Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên (Kiểm tra viên) có thể yêu cầu Kiểm sát viên cấp huyện giải trình và sao gửi những chứng cứ của vụ án để phục vụ tốt hơn cho công tác kiểm sát; tránh việc kiểm sát bản án, quyết định của Viện kiểm sát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện chỉ mang tính hình thức. Về trình tự và cách thức hiện hiện các bước kiểm sát được thực hiện tương tự như kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp.
3. Kết quả của việc kiểm sát bản án, quyết định và đề xuất hướng xử lý
Sau khi có kết quả kiểm sát bản án, quyết định cần báo cáo Lãnh đạo Phòng, Lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định:
Kiến nghị vụ việc hoặc tập hợp để kiến nghị chung nếu bản án, quyết định có vi phạm nhưng ở mức ít nghiêm trọng .
Kháng nghị hoặc đề nghị kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm nếu phát hiện bản án, quyết định có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc quyết định của bản án không phù hợp với các chứng cứ và tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Tin, bài: Bùi Thị Doan- Phòng 9