Về vấn đề này, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an trả lời như sau:
Theo quy định tại điểm b khoản 5, điểm b khoản 7, khoản 8 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị xử phạt vi phạm vi hành chính khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Theo đó mức phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng.
Phạt tiền 7-8 triệu đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng.
Mức phạt cao nhất là 10-15 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng.
Vị trí đứng của cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ
Theo Thông tư số 28/2011/TT-BCA ngày 10/5/2011 của Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ và Thông tư số 66/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của CSGT đường bộ, thì khi kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông cán bộ CSGT được phân công thực hiện nhiệm vụ dừng xe đứng ở vị trí thích hợp thuộc phần đường hướng xe cần kiểm soát đi tới; các cán bộ CSGT còn lại đứng ở lề đường hoặc trên vỉa hè cùng phía và về phía trước của cán bộ thực hiện nhiệm vụ dừng xe, với khoảng cách 3-5m.
Khi làm nhiệm vụ tại nút giao thông thì cán bộ CSGT đứng ở vị trí trung tâm nút. Nếu nút giao thông có bục thì phải đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông, các cán bộ CSGT khác đứng ở mép đường ngang vạch dừng hoặc giữa tim đường ngang vạch dừng (đứng ở chiều đường chính, có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông hoặc phức tạp về trật tự, an toàn giao thông) để điều khiển giao thông và phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định.
Văn Minh sưu tầm từ nguồn: Chinhphu.vn