Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đề nghị được kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần bảo vệ lợi ích của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật trự an toàn xã hội và phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua, công tác này được xác định là một trong những công tác trọng tâm của Ngành, là nhiệm vụ thường xuyên được tập trung chỉ đạo, đặc biệt ngày 04/8/2014, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 09-KH/BCSĐ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Từ ngày 01/12/2017 đến ngày 31/10/2021, Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tiến hành tiếp 842 lượt công dân tới nộp đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh...Trong đó, số lượt lãnh đạo Viện tiếp công dân là 115 lượt. Số đơn tiếp nhận qua tiếp công dân là 842 đơn/823 việc; trong đó: Đơn khiếu nại 255 đơn/253 việc (chiếm tỉ lệ 30,3 %); đơn tố cáo 81 đơn/79 việc (chiếm tỉ lệ 9,62%); tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố 153 tin/150 việc (chiếm tỉ lệ 18,1%); đơn khác 353 đơn/341 việc (chiếm tỉ lệ 41,9%). Việc tiếp nhận đơn trực tiếp từ công dân luôn đảm bảo quy định tại Luật tiếp công dân năm 2013; Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 và Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 của VKSND tối cao .
Tuy nhiên, công tác tiếp công dân vẫn còn tồn tại một số vấn đề như việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân thông qua công tác tiếp công dân còn thiếu đồng bộ nên dẫn tới việc người dân chưa hiểu đúng quy định pháp luật kéo theo đó là việc đơn thư gửi vượt cấp, kéo dài; phân loại đơn thông qua tiếp công dân vẫn còn một số trường hợp chưa chính xác làm ảnh hưởng tới việc chuyển hoặc giải quyết đơn chưa đúng thẩm quyền; một số vụ, việc phức tạp còn kéo dài kết quả giải quyết dẫn tới trường hợp người dân bức xúc gửi đơn nhiều cấp, ngành; ngoài ra, ở Viện kiểm sát cấp huyện Kiểm sát viên phải kiêm nhiệm rất nhiều việc nên có phần ảnh hưởng đến chất lượng tiếp công dân….
Từ thực tiễn công tác tiếp công dân trong những năm qua, bản thân tôi nhận thấy cần phải thực hiện một số giải pháp để nâng cao hiệu quả về công tác tiếp công dân trong thời gian tới như sau:
Viện kiểm sát tối cao thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ theo kế hoạch năm đối với công tác này để cán bộ được phân công trang bị thêm kiến thức, nâng cao tinh thần học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, rút ra được những bài học áp dụng thực tế, hạn chế những tồn tại;
Kiểm sát viên được phân công làm công tác này cần phải nâng cao trách nhiệm đối với công việc được giao nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất. Mỗi Kiểm sát viên cần không ngừng nâng cao tinh thần học hỏi đồng nghiệp qua kinh nghiệm thực tế, trao dồi kiến thức pháp luật chung, các quy định, Quy chế riêng của Ngành và cập nhật các văn bản liên quan để áp dụng vào giải quyết công việc;
Tăng cường công tác hướng dẫn và phối hợp trao đổi nghiệp vụ giữa Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác này khi Viện kiểm sát cấp dưới có thỉnh thị đối với những nội dung, tình huống phát sinh cụ thể;
Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra việc triển khai, thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân đối với Viện kiểm sát cấp dưới theo định kỳ hoặc kế hoạch năm nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục kịp thời để mang lại hiệu quả cao cho công việc.
Đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần chủ động tham mưu giúp lãnh đạo Viện trong việc xây dựng, ra văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm xử lý kịp thời, chính xác những phát sinh trong quá trình điều hành công tác này. Thường xuyên đối chiếu, đôn đốc việc giải quyết đơn của các đơn vị (bộ phận) nghiệp vụ cũng như của các cơ quan tư pháp nhằm đảm bảo việc giải thích, hướng dẫn và tiếp nhận đơn thông qua công tác tiếp công dân đúng quy định;
Chú trọng giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài (giải quyết đúng pháp luật, đúng quyền và lợi ích…);
Ngành Kiểm sát tiến hành phối hợp chặt chẽ với các ngành và các cấp, các đoàn thể trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật; đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao hiểu biết, giúp người dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình khiếu nại, tố cáo… tránh xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài…/.
Tin bài: Hoàng Thị Ngọc- Phòng Thanh tra – Khiếu tố .