11/04/21 11:24

Quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam

   Quyền bầu cử là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp cụ thể tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội".

    Người bị tạm giam, tạm giữ vốn là những người bị tình nghi và đang bị các cơ quan điều tra tạm giam, tạm giữ nhằm phục vụ cho công tác tố tụng cũng như đảm bảo việc đối tượng không thể bỏ trốn. Về nguyên tắc, những người bị tạm giam, tạm giữ vẫn chưa bị xem là tội phạm và vẫn có đầy đủ những quyền công dân, quyền con người mà cho tới khi họ bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực của tòa án.

   Điều 9. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trong đó người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền sau: “Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân”;

   Cơ sở để đưa quy định này vào Luật thi hành tạm giữ, tạm giam xuất phát từ luận điểm:

   - Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân.

   - Người đang bị tạm giữ, tạm giam cũng được thực hiện quyền bầu cử vì về mặt pháp lý, những người này chưa bị coi là có tội nên không bị tước mất quyền bầu cử.

   Đồng thời, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đưa vào quy định này dựa trên các cơ sở pháp lý vững chắc sau đây:

   - Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

   - Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

   - Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng nêu: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

   Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

   Người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền bầu cử như thế nào?

   Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân 2015 quy định về việc thực hiện bầu cử của người đang bị tạm giam, tạm giữ như sau:

   - Khoản 5 Điều 29: Cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

   - Khoản 4 Điều 69: Đối với cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

   Như vậy, những người đang bị tạm giam, tạm giữ sẽ đươc ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khu vực người đó đang bị tạm giữ, tạm giam. Cùng với đó, trại tạm giam, nhà tạm giữ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khác không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng mà Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ để họ thực hiện việc bầu cử.

 

         Bài Viết : Trần Thị Hoa - Phòng 8

Lên đầu trang