17/03/21 10:59

QUYỀN BẦU CỬ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM TRONG BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

      Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của cả nước. Trong không khí hân hoan, vui tươi, phấn khởi của ngày hội toàn dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở việc lựa chọn, bầu cử những người có tài, có đức đại diện cho nhân dân. Quyền bầu cử của công dân thể hiện rõ trong Điều 27- Hiến pháp năm 2013 xác định rõ “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”  và  Điều 2 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015 quy định “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.

      Với tính chất quan trọng việc bầu cử, các quy định pháp luật về quyền bầu cử rất rõ ràng nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong việc tham gia bầu cử đặc biệt với những người đang bị tạm giữ, tạm giam. Xác định quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân nên Đảng, Nhà nước luôn luôn tôn trọng, bảo vệ quyền được bầu cử, lợi ích hợp pháp của người dân trong đó có những người bị tạm giữ, tạm giam cũng thực hiện quyền bầu cử. Về pháp lý người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là có tội theo quy định tại khoản 1, Điều 31 Luật Hiến pháp năm 2013 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và quy định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

      Căn cứ vào khoản 5 Điều 29 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015 quy định “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cở sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đai biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc” nguyên tắc bỏ phiếu được quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015 “Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cở sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại giam, cơ sở giao dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử”. Tại điểm b,  Khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền “Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân”. Như vậy, người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự gồm: bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tam giam để thực hiện việc dẫn độ.

      Với những cơ sở pháp lý như trên, để đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện các trình tự, thủ tục theo các bước cuộc bầu cử đúng quy định Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015. Bên cạnh đó, cần thiết đảm bảo an toàn khi tổ chức bầu cử và an toàn gian giữ đạt hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử. Để đảm bảo các cử tri đang bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền lợi chính đáng  thì người bị tạm giữ, tạm giam phải nắm rõ được các thông tin danh sách người ứng cử, quy định, thể lệ bầu cử và thực hiện bỏ phiếu đúng quy định công bằng dân chủ không mang tín chất hình thức. Danh sách cư tri là người bị tạm giữ, tạm giam không cố định cho đến ngày bầu cử do tính chất đặc thù sự thay đổi từng ngày vì lý do nhập mới hoặc xóa tên do bản án có hiệu lực. Vì vậy, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải thường xuyên theo dõi thay đổi danh sách cử tri đối với người bị tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định pháp luật.

      Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Ngành kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định pháp luật. Mỗi đơn vị Viện kiểm sát các cấp cần tích cực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và có sự phối hợp chặt chẽ với Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Phải cử cán bộ, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam ngay từ những bước đầu cho đến ngày bầu cử. Qua hoạt động tích cực kiểm sát đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam ngành kiểm sát sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả về quyền con người, quyền công dân được pháp luật quy định, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử sắp tới trên cả nước. Hướng đến ngày 23/5/2021, ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mỗi một người dân được thực hiện quyền nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Trong đó, cần chú trọng đến quyền bầu cử của các cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam được đảm bảo theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đã quy định.

           Tin, bài: Nguyễn Thị Sang- Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức.

Lên đầu trang