Theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã được quy định thành một điều luật riêng (Điều 30) và là một trong 09 công tác nghiệp vụ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của VKSND.
Trong thời gian vừa qua, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hện đúng chức năng và bám sát chỉ tiêu kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như bị động về cập nhật kết quả giải quyết đơn, chưa phát hiện vi phạm kịp thời, công tác phối hợp đôi lúc chưa chặt chẽ…dẫn tới một số vi phạm về mặt trình tự, thủ tục lập hồ sơ giải quyết đơn, viện dẫn căn cứ luật, xác định sai hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, phân loại đơn không chính xác…vẫn còn xảy ra, đặc biệt là dẫn tới tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài….
Từ thực tiễn trên, Thanh tra – Khiếu tố VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề cập một số kỹ năng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
1. Về kỹ năng cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
* Kỹ năng phát hiện vi phạm.
Một là nguồn để phát hiện vi phạm: Vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được phát hiện chủ yếu thông qua các nguồn như Tiếp nhận đơn của công dân gửi theo đường bưu điện; Qua công tác tiếp công dân; Nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng; Kiểm tra việc thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thực hiện quy chế phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa VKSND với các cơ quan tư pháp khác; Qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo mà các cơ quan tư pháp gửi đến VKSND theo quy định; Thực hiện biện pháp yêu cầu cơ quan tư pháp tự kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thông báo kết quả cho VKSND; Thông qua việc thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ về thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của các đơn vị nghiệp vụ...
Hai là xác định dạng vi phạm bao gồm: Vi phạm về thẩm quyền giải quyết; Vi phạm về thời hạn giải quyết; Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết; Vi phạm về nội dung giải quyết. Cụ thể:
+ Vi phạm về thẩm quyền giải quyết: chia vi phạm này thành 02 trường hợp (Một là, thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền; Hai là, không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền).
+ Vi phạm về thời hạn giải quyết: Đây là dạng vi phạm phổ biến nhất của các cơ quan tư pháp, bao gồm 02 trường hợp: một là để quá thời hạn quy định mà không giải quyết, hai là giải quyết quá thời hạn quy định. Để phát hiện dạng vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo cán bộ, Kiểm sát viên được phân công giải quyết cần nắm chắc các quy định trong các văn bản pháp luật tương ứng với mỗi lĩnh vực cụ thể để đối chiếu xác định.
+ Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết: Xảy ra khá phổ biến của cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, để xác định chính xác vi phạm của các cơ quan tư pháp về trình tự, thủ tục giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thì phải qua nghiên cứu hồ sơ. Tuy nhiên, để xác định được vi phạm cán bộ, Kiểm sát viên được phân công cần phải nắm chắc được các quy định cụ thể của văn bản pháp luật tương ứng trong mỗi lĩnh vực để việc phát hiện vi phạm được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Cụ thể: Đối với giai đoạn thụ lý cần xác định cơ quan tư pháp phân loại khiếu nại, tố cáo để thụ lý đã chính xác chưa và việc thụ lý có đúng quy định không (có đơn hoặc biên bản ghi lời khiếu nại, tố cáo, có chữ ký trực tiếp, có họ tên địa chỉ người khiếu nại, tố cáo…); Khiếu nại hợp lệ đủ điều kiện thụ lý là người khiếu nại phải chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi tư pháp; Việc khiếu nại phải còn thời hiệu, nếu hết thời hiệu mà người khiếu nại đưa ra lý do khách quan thì cơ quan có thẩm quyền thụ lý đã kiểm tra, xác minh xem lý do đó có chính đáng không, trước khi quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý…Còn đối với giai đoạn tiến hành các hoạt động giải quyết cần xem xét các cơ quan tư pháp có thực hiện đúng những thủ tục bắt buộc theo quy định như ra văn bản phân công người xác minh khiếu nại, tố cáo; người được phân công xác minh phải lập kế hoạch xác minh, kết thúc xác minh phải có báo cáo xác minh và đề xuất hướng giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu người bị khiếu nại, tố cáo giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, tố cáo; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo trong những trường hợp bắt buộc phải tổ chức đối thoại trước khi ban hành văn bản giải quyết; việc thẩm tra, giám định, thu thập tài liệu, chứng cứ…
+ Vi phạm về nội dung giải quyết: Đây là dạng vi phạm ít xảy ra, khó phát hiện và thực tế các VKSND thường ít chú trọng kiểm sát dạng vi phạm này. Vi phạm về nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo được thể hiện dưới nhiều hình thức, như: Về giải quyết thiếu nội dung; Về giải quyết không phù hợp nội dung; Về giải quyết với nội dung không cụ thể; Về giải quyết có nội dung trái pháp luật. Dạng vi phạm này thường thể hiện ở việc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến làm thay đổi bản chất vụ việc. Đây là vi phạm nghiêm trọng cần kháng nghị yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo có vi phạm…
* Kỹ năng áp dụng các biện pháp kiểm sát.
Một là biện pháp yêu cầu ra văn bản giải quyết: Khi áp dụng biện pháp này cần chú ý các vấn đề như căn cứ áp dụng, ngoài áp dụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, biện pháp này chỉ được áp dụng khi có căn cứ kết luận vi phạm của cơ quan tư pháp, đó là không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc đã giải quyết nhưng không ra văn bản giải quyết theo quy định. Biện pháp này được áp dụng trong các trường hợp: Thông qua các nguồn thông tin hoặc sau khi chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết và theo dõi việc giải quyết này, nếu đủ căn cứ kết luận hết thời hạn theo quy định mà cơ quan tư pháp chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng không ban hành văn bản giải quyết theo đúng quy định, thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan tư pháp ra văn bản giải quyết; Trường hợp qua nghiên cứu đơn khiếu nại, tố cáo và các tài liệu, chứng cứ do công dân gửi đến mà đủ căn cứ kết luận cơ quan có thẩm quyền không ra văn bản giải quyết trong thời hạn quy định, thì Viện kiểm sát áp dụng ngay biện pháp yêu cầu này mà không phải thực hiện việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan đó nữa; Trường hợp Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thì chưa áp dụng ngay biện pháp này, mà phải kiểm tra, rà soát và xử lý như sau: Nếu Viện kiểm sát đã nắm được kết quả giải quyết của cơ quan tư pháp, thì chỉ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu, mà không áp dụng biện pháp này nữa; nếu Viện kiểm sát chưa nắm được việc khiếu nại, tố cáo mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, thì áp dụng biện pháp này. Biện pháp này có thể áp dụng đối với một vụ việc, cũng có thể áp dụng đối với nhiều vụ việc
Hai là biện pháp yêu cầu kiểm tra việc giải quyết: Biện pháp này được áp dụng trong 2 trường hợp (khi có cơ sở xác định dấu hiệu vi phạm và khi có căn cứ kết luận vi phạm của cơ quan tư pháp). Cụ thể: Khi có cơ sở xác định dấu hiệu vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tức là chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm, thì áp dụng biện pháp này; sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra việc giải quyết của cơ quan tư pháp và nghiên cứu, nếu chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm thì tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm sát cần thiết khác để làm rõ vi phạm; nếu đã có căn cứ kết luận vi phạm thì ban hành kiến nghị theo quy định hoặc có thể tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm sát khác để mở rộng phạm vi phát hiện vi phạm, khi xét thấy cần thiết.
Ba là biện pháp yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu: Chỉ áp dụng khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính….Về căn cứ áp dụng, thực hiện tương tự như biện pháp yêu cầu kiểm tra việc giải quyết. Cụ thể: Khi có cơ sở xác định dấu hiệu vi phạm; Khi có căn cứ kết luận vi phạm; Trường hợp nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, phải kiểm tra, rà soát, nếu Viện kiểm sát đã nắm được kết quả giải quyết của cơ quan tư pháp, thì chỉ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu, mà không áp dụng biện pháp này nữa; nếu Viện kiểm sát chưa nắm được kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, thì áp dụng biện pháp này. Biện pháp này chủ yếu được áp dụng khi kiểm sát đối với một hoặc một số việc khiếu nại, tố cáo cụ thể (kiểm sát vụ việc). Ngoài ra, Viện kiểm sát có thể áp dụng biện pháp này để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để phục vụ cho công tác kiểm sát. Tuy nhiên, việc yêu cầu các cơ quan nêu trên cung cấp hồ sơ, tài liệu không phải là 1 biện pháp kiểm sát, vì các cơ quan này không phải là đối tượng kiểm sát.
Biện pháp trực tiếp kiểm sát: Biện pháp trực tiếp kiểm sát chỉ được áp dụng trong tố tụng hình sự, thi hành án hình sự. Đối tượng kiểm sát tất cả các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự và thi hành án hình sự, gồm: Tòa án, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án dân sự, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự. Tuy nhiên, khi kiểm sát cần lưu ý những điểm sau: Không phải tất cả các cơ quan trên đều có thẩm quyền giải quyết tất cả khiếu nại và tố cáo. Ví dụ: Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra chỉ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mà không có thẩm quyền giải quyết tố cáo, do đó không kiểm sát việc giải quyết tố cáo đối với cơ quan này. Đối với Trại giam, đây vừa là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự (theo Luật THAHS), vừa là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (theo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự Điều 9, 10). Theo Luật THAHS thì Trại giam không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, do đó không kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan này trong lĩnh vực thi hành án hình sự. Nhưng theo BLTTHS 2015 thì Trại giam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (không có thẩm quyền giải quyết tố cáo), do đó được kiểm sát việc giải quyết khiếu nại đối với Trại giam trong lĩnh vực tố tụng hình sự
2. Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Một là: Cán bộ, Kiểm sát viên cần chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định và cập nhật các văn bản mới có liên quan về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Hai là: Các đơn vị nghiệp vụ (bộ phận công tác) thuộc Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Theo dõi tiến độ, kết quả giải quyết của cơ quan tư pháp; Phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nghiên cứu, xác định vi phạm và áp dụng các biện pháp kiểm sát;
Ba là: Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp;
Bốn là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Viện về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các đơn vị, bộ phận nghiệp vụ do mình phụ trách và các VKSND cấp dưới; trong đó chú trọng việc hướng dẫn, kiểm tra, rút kinh nghiệm về công tác này.
Năm là: VKSND tối cao thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo để tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu, thảo luận chuyên sâu, trao đổi, học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác này./.
Tin bài: Hoàng Thị Ngọc, Thanh tra - Khiếu tố VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.