Những năm gần đây, theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có khoảng 8.000 vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trong đó, ở thành phố Vũng Tàu con số ấy cũng đang báo động, phần lớn các hành vi bạo lực thường diễn ra trong những gia đình có chồng (vợ) nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định.
Hình ảnh minh hoạ
Bạo lực gia đình để lại những hậu quả hết sức nặng nề, là nguyên nhân gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; gây tổn thương về tâm lý, tinh thần; gây tan vỡ gia đình; gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội; nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và hình thành xu hướng sử dụng bạo lực của các thế hệ tiếp theo trong gia đình.
Điền hình vụ bạo lực gia đình xảy ra gần đây gây xôn xao dư luận “ Mẹ đẻ và cha dượng bạo hành con gái 3 tuổi đến chết ở thành phố Hà Nội”, vụ án đã kết thúc nhưng hình ảnh người bà ôm di ảnh cháu gái ở Tòa đòi lại công lý vẫn không vơi bớt thương tâm. Theo đó, còn rất nhiều vụ bạo lực gia đình chưa được thống kê do chưa đến mức bị xử lý hình sự và do cam chịu, sợ mất sỹ diện rồi coi đó là chuyện gia đình không dám tố cáo với cơ quan chức năng.
Trong năm 2020, tại thành phố Vũng Tàu số việc hôn nhân gia đình thụ lý mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái với tổng số thụ lý lên tới gần 1.100 vụ việc, trong đó số việc ly hôn do bạo lực gia đình cũng tăng cao so với những năm trước. Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm.
Nguyên nhân để nảy sinh bạo lực gia đình hiện nay chủ yếu là do trong cuộc sống hằng ngày có mâu thuẫn về kinh tế; gia đình có người mắc các tệ nạn xã hội; có vợ hoặc chồng không chung thủy và sự xuống cấp về đạo đức, thuần phong mỹ tục của một bộ phận giới trẻ diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi không phân biệt thành thị hay nông thôn, có học vấn hay không có học vấn.
Giải pháp nào?
Trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chương trình giáo dục về hôn nhân gia đình với những bạn trẻ trước khi kết hôn về kiến thức pháp luật, giới tính… để ý thức và trách nhiệm của mình với cuộc sống hôn nhân của chính mình. Song song đó là tuyên truyền và hoàn thiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, những vùng kinh tế khó khăn. Ngoài ra, công tác hòa giải cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm đi số vụ việc ly hôn một cách đáng kể nên cũng cần chú trọng trau dồi, nâng cao hiệu quả công tác này ở các địa phương.
Bài viết: Nguyễn Văn Tuyền - VKSND TP. Vũng Tàu