Dưới sự lãnh đạo của Đảng, con đường đổi mới nền kinh tế quốc dân, công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước đã và đang đưa nước ta dần thoát nghèo, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Song hành với sự phồn thịnh của đất nước, sự giàu có của người dân đó là diễn biến ngày một phức tạp của tình hình cháy, nổ. Chính vì vậy đảm bảo an toàn Phòng cháy - chữa cháy (PCCC) đã và đang tạo ra nhiều thách thức không những cho lực lượng Cảnh sát PCCC mà còn cho toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh thì trong những năm gần đây tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố diễn ra phức tạp không những ở khu vực các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà còn tại khu vực dân cư. Số vụ cháy xảy ra trong khu dân cư đang có những diễn biến khó lường, số vụ cháy tại các hộ gia đình có xu hướng tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Một số nguyên nhân có thể gây cháy, nổ tại các hộ gia đình:
Thứ nhất: Theo thống kê của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh thì 70% số vụ cháy có nguyên nhân liên quan đến các sự cố điện như: tự ý câu, móc thêm các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu, đấu nối dây dẫn điện tùy tiện, không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật điện, đường dây dẫn điện không được kiểm tra, thay thế kịp thời nên bị lão hóa,… dẫn đến tình trạng mất an toàn PCCC trong việc sử dụng điện, cụ thể như hiện tượng quá tải, chập mạch,… Ngoài ra, còn một hiện tượng nguy hiểm đáng lưu tâm nữa là tâm lý chủ quan trong việc sử dụng điện an toàn như: không ngắt điện tủ lạnh, quạt máy, máy tính,… khi ra khỏi nhà.
Thứ hai: Hiện nay, một số hộ gia đình đang có hiện tượng lạm dụng việc thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã với tâm lý muốn báo hiếu, tạ ơn cho người đã khuất. Việc thắp hương thờ cúng tràn lan cũng là nguyên nhân tiềm ẩn của cháy, nổ tại các hộ gia đình. Vụ cháy thảm khóc ở địa chỉ 322 Hải Hải Nguyên - phường 10 - quận 11 xảy ra vào lúc 22h00 ngày 05 tháng 3 năm 2013 làm chết 03 người và thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà 03 tầng. Tuy nguyên nhân vụ cháy chưa được xác định cụ thể nhưng đây là 1 bài học cho mỗi người trong việc tự ý thức phòng cháy và chữa cháy để bảo vệ tính mạng và tài sản cho chính mình và mọi người xung quanh.
Thứ ba: Hiện nay đa số các hộ gia đình đều dùng gas để đun nấu. Tuy vậy, việc sử dụng gas không an toàn sẽ dễ gây ra cháy nổ gây thiệt hại cho người và của. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến cháy, nổ khi sử dụng gas như: không khóa van bình chứa khí gas khi không đun nấu hay khóa van, tắt bếp gas chưa đúng quy trình; sử dụng các chai chứa gas và các phụ kiện không đảm bảo chất lượng,…
Thứ tư: Tại các hộ gia đình thường bố trí vật dụng sinh hoạt trên lối thoát nạn như thang bộ, cửa đi,… làm tăng mức độ nguy hiểm khi có cháy xảy ra, làm ảnh hưởng đến công tác tự thoát nạn, cứu nạn - cứu hộ, công tác chữa cháy,…
Thứ năm: Thời gian gần đây tình hình cháy, nổ xe máy diễn ra rất phức tạp, nguyên nhân gây cháy xe hiện còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, việc bố trí xe máy ngay trong nhà cũng là một ẩn họa về cháy, nổ trong mỗi hộ gia đình.
Thứ sáu: Chưa trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng không biết sử dụng hay sử dụng không thành thạo. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy, nổ không có phương tiện chữa cháy hoặc lúng túng không biết cách xử lý ngay từ ban đầu. Từ đó, đám cháy có điều kiện phát triển mạnh trong thời gian dài gây ra cháy lan, cháy lớn. Ngoài ra, còn một số người cố tình mang các chất nguy hiểm cháy, nổ vào nhà để bảo quản, sử dụng vì một số mục đích cá nhân nào đó.
Vậy phải làm gì để không xảy ra cháy, nổ?
1. Trong sử dụng điện:
- Phải đặt Áptômát hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng đường dây điện phụ như từng khu vực, từng hạng mục, từng gian phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Phải đặt thiết bị bảo vệ trước từng ổ cắm điện, dây chảy của cầu chì phải theo đúng tiêu chuẩn và phải phù hợp với công suất sử dụng, đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải nổ, cắt ngay nguồn điện. Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác không phù hợp để thay thế dây chảy cầu chi, cầu dao, Áptômát bị hỏng. Trang bị máy ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy nổ do quá dòng, quá áp.
- Tiết diện của dây dẫn phải được chọn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện đến các thiết bị, dụng cụ điện mà nó cung cấp. Các dây điện nối vào phích cắm, đui đèn, máy móc phải đảm bảo độ bền và gọn, điểm nối vào mạch rẽ ở hai đầu dây nóng và nguội không được trùng lên nhau. Các điểm nối dây phải đúng kỹ thuật, khi thấy nới quấn băng bị khô và cháy sáng thì phải kiểm tra ngay và nối chặt lại điểm nối. Không được co, kéo dây điện hay treo các vật nặng lên dây. Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị rỉ, nếu bị rỉ thì nơi rỉ là nơi phát nhiệt lớn. Những nơi cách điện bị chập, nhựa cách điện bị biến màu là những nơi dễ phát lửa khi dòng điện bị quá tải, cần được thay dây mới.
- Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các dụng cụ điện có công suất lớn để tránh gây cháy nổ. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh,… trên dây điện, ổ cắm, công tắc, cầu chì, cầu dao điện, bản điện,… Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Nếu dây dẫn tiếp xúc với kim loại sẽ bị ăn mòn, vì vậy cấm dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.
- Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà…quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để có kế hoạch đại tu hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện (bàn là, lò sưởi điện, bếp điện,…) trên vật liệu không cháy và đúng nơi quy định. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.
- Để hạn chế nguy cơ gây cháy khi đun nước bằng siêu điện ta nên sử dụng loại siêu điện có còi rú báo động khi nước sôi. Không dùng bếp điện để dun nấu mà không có người lớn trông coi. Không để trẻ nhỏ, người bị bệnh tâm thần,… sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.
- Lắp đặt các thiết bị chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu cháy được như giấy, vải, nilon,… để bao che bóng điện. Không đặt các chất gây cháy (gas, xăng, dầu, giấy,…)gần các thiết bị, dụng cụ điện như: đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, tắc ke, chấn lưu đèn huỳnh quang, v.v… Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.
- Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây) nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa chúng lại hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa, khi nối dây phải nối so le và quấn băng keo cách điện.
- Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt,… cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.
2. Việc thắp hương, hóa vàng:
- Bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh.
- Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng.
- Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông và việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy, vàng mã phải được hóa vàng trong thiết bị chứa bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy.
3. Việc sử dụng gas phục vụ sinh hoạt:
- Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của ống dẫn gas, van khóa,... Kịp thời thay mới các bộ phận không đảm bảo yêu cầu.
- Sử dụng các loại sản phẩm bếp gas, bình gas đã qua kiểm định về chất lượng, dây dẫn gas chuyên dùng.
- Các bình gas phải được đặt ở tư thế thẳng đứng, ở vị trí thoáng gió, thấp hơn bếp và không đặt úp hoặc nằm ngang, đặt bình gas cách xa bếp tối thiểu 1,5m để đảm bảo an toàn.
- Khóa chặt van bình gas, tắt bếp gas đúng cách khi không đun nấu.
- Tại khu vực đặt bình gas nên trang bị thêm thiết bị báo rò rỉ gas.
- Không sang chiết gas trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.
4. Không được bố trí vật dụng sinh hoạt gia đình trên lối thoát nạn: thang bộ, cửa đi,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát nạn, di chuyển tài sản và chữa cháy.
5. Nơi để xe máy phải ở xa khu vực sinh hoạt, ăn, ở của gia đình. Không để xe ở gần nguồn nhiệt, nơi dễ cháy.
6. Thường xuyên quan sát và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng biết, xử lý kịp thời các dấu hiệu mất an toàn PCCC trong khu dân cư.
7. Trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ với số lượng đầy đủ, phù hợp với đặc điểm chất cháy có trong gia đình và đảm bảo luôn đáp ứng được yêu cầu chữa cháy.
8. Công dân từ 18 tuổi trở lên có đủ sức khỏe và năng lực hành vi phải tham gia các tổ PCCC xung kích khi có yêu cầu, tham gia huấn luyện nghiệp vụ PCCC.
Văn Minh: Sưu tầm