01/04/14 14:42

Nguyên nhân và biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy & chữa cháy trong sử dụng gas

                                                           Hình ảnh minh họa

 

Trong những năm qua việc sử dụng gas trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, gas mang lại sự tiện lợi và văn minh cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Với đặc tính là nguồn nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường, trong xã hội hiện đại, gas dần khẳng định được vị trí quan trọng trong đời sống của chúng ta. Gas đã có mặt khắp nơi từ thành thị đến nông thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của con người. Lợi ích của gas rất tích cực. Tuy nhiên sự văn minh và tiện dụng của gas không đi cùng với an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thực tế đã chứng minh rằng: ngày càng nhiều vụ cháy, nổ gas xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, việc sử dụng gas như thế nào để đảm bảo an toàn PCCC thật sự đang trở thành vấn đề bức thiết, đáng lưu tâm của toàn xã hội.
Theo thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây số vụ cháy, nổ có liên quan đến gas ngày có xu hướng tăng về số vụ và tăng thiệt hại về người và tài sản. Qua mỗi vụ cháy, tất cả chúng ta thấy rằng thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gas gây ra là rất nghiêm trọng. Vậy gas là gì?
Gas chỉ là tên gọi nôm na của khí đốt hóa lỏng hay còn gọi là LPG. LPG là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Liquefied Petroleum Gas, là hỗn hợp hydrocarbon nhẹ, ở thể khí, có thành phần gồm: Propane (C3H8), Butane (C4H10) và một số thành phần khác. LPG tồn tại trong thiên nhiên ở các giếng dầu hoặc giếng gas và cũng có thể sản xuất ở các nhà máy lọc dầu. LPG có những đặc tính cơ bản:
+ Không màu.
+ Không mùi.
+ Dễ cháy.
+ Nặng hơn không khí.
+ Không chứa chất độc nhưng có thể gây ngạt thở.
Đến đây có lẽ có nhiều người thắc tại sao gas chúng ta đang sử dụng hàng ngày lại có mùi? Sở dĩ gas có mùi là vì nhà sản xuất cho một lượng vừa đủ chất phụ gia có tác dụng tạo mùi vào bình chứa gas trước khi cung cấp cho người tiêu dùng với mục đích dễ dàng phát hiện khi có sự cố rò rỉ gas trong quá trình sử dụng, bảo quản.
Trong thực tế, khi gas rò rỉ ra môi trường, khí gas kết hợp với khí oxy trong không khí để tạo thành hỗn hợp cháy và chỉ cần xuất hiện một nguồn nhiệt nhỏ như: tia lửa phát ra khi bật công tắc bật đèn, quạt,... thì tức khắc sẽ xảy ra cháy và có kèm tiếng nổ lớn. Vậy các nguyên nhân nào có thể gây ra cháy, nổ?
Thứ nhất: không khoá bình gas, không tắt bếp gas đúng quy trình. Quy trình đúng: Khóa van bình gas rồi chờ lửa đốt hết phần gas còn trong ống dẫn rồi tắt bếp. Ngược lại, nếu tắt bếp rồi mới khóa van bình gas thì trong đường ống dẫn gas vẫn còn một lượng gas và lượng gas này có thể rò rỉ ra ngoài và gây cháy, nổ.
Thứ hai: tắt bếp gas nhưng không khoá van bình gas sau khi nấu ăn. Đa phần các bà nội trợ thường quên không khoá van bình gas sau khi nấu ăn. Điều này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến hiện tượng rò rỉ gas ra môi trường và gây cháy, nổ khi gặp nguồn nhiệt.
Thứ ba: ống dẫn gas bị thủng do thời hạn sử dụng lâu dẫn đến lão hóa hoặc bị chuột cắn và van khoá bình gas bị hư hỏng.
Thứ tư: sử dụng các bình gas, bếp gas giả không đảm bảo chất lượng.
Thứ tư: sang chiết gas trái phép không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định.
Từ các nguyên nhân nêu trên, Phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quận 11 hướng dẫn một số biện pháp an toàn PCCC như sau:
+ Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của ống dẫn gas, van khóa,... Kịp thời thay mới các bộ phận không đảm bảo yêu cầu.
+ Sử dụng các loại sản phẩm bếp gas, bình gas đã qua kiểm định về chất lượng, dây dẫn gas chuyên dùng.
+ Các bình gas phải được đặt ở tư thế thẳng đứng, ở vị trí thoáng gió, thấp hơn bếp và không đặt úp hoặc nằm ngang, đặt bình gas cách xa bếp tối thiểu 1,5m để đảm bảo an toàn.
+ Khóa chặt van bình gas, tắt bếp gas đúng cách khi không đun nấu.
+ Tại khu vực đặt bình gas nên trang bị thêm thiết bị báo rò rỉ gas.
+ Không sang chiết gas trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.
Phải làm gì khi có hiện tượng rò rỉ gas?
Trường hợp 1: Nghi ngờ có rò rỉ gas nhưng chưa xác định được vị trí.
+ Kiểm tra toàn bộ hệ thống để xem có dấu hiệu nào của gas rò rỉ như mùi, hoặc tiếng xì hơi.
+ Làm động tác thử với nước xà phòng, bôi nước xà phòng vào, bong bóng sẽ nổi lên ở chỗ xì. KHÔNG DÙNG DIÊM QUẸT HOẶC MỒI LỬA ĐỂ THỬ.
+ Nối lại các chỗ nối và thử. Nếu gas xì ở trong nhà, cần phải quạt thông gió hoàn toàn cho gas xì thoát hết ra khỏi nhà trước khi bật bếp nấu ăn.
Trường hợp 2: Gas đã rò rỉ ra ngoài nhưng chưa gây ra cháy, nổ.
+ Nếu có thể, lập tức khoá chặt van bình gas. Thông gió toàn bộ khu vực rò rỉ gas cho đến khi không khí trong lành trở lại.
+ Nếu không thể khoá van bình gas thì nhanh chóng đưa bình gas đến vị trí thông thoáng, an toàn cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu là 20m.
+ Nếu không thể dời được bình gas đi nơi khác thì mở tất cả các cửa, phun nước với dạng sương mù để đẩy khí ra ngoài.
Trường hợp 3: Gas đã rò rỉ ra ngoài và đã gây ra sự cố cháy, nổ.
+ Khóa chặt van bình gas nếu có thể.
+ Nếu không thể khoá van bình gas thì nhanh chóng thoát ra ngoài và báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy biết qua số 114 hoặc bằng những cách khác có thể. Nếu có thể thì dùng vòi nước phun nước làm mát bình gas.

                                                                                                     Văn Minh: Sưu tầm

Lên đầu trang