Luật Phòng cháy và chữa cháy đã khẳng định: “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết được thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Bởi lẽ, khi đám cháy mới phát sinh nếu được phát hiện sớm và có lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời thì hiệu quả công tác chữa cháy sẽ rất cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Ngược lại, nếu phát hiện cháy nhưng không có lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời thì thiệt hại do cháy gây ra sẽ rất lớn.
Từ tổng kết thực tiễn công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thấy rằng: hiệu quả công tác PCCC đạt được cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào công tác triển khai, thực hiện phương châm 04 tại chỗ trong công tác PCCC: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ”. Trong phương châm 04 tại chỗ trong công tác PCCC nổi bật lên vai trò của “người chỉ huy tại chỗ”. Vậy “người chỉ huy tại chỗ” là ai? Theo Luật Phòng cháy và chữa cháy thì người chỉ huy là người đứng đầu cơ sở. Người chỉ huy này không những có vai trò quan trọng trong công tác chữa cháy mà còn có vai trò quyết định trong việc tổ chức các hoạt động phòng cháy hằng ngày tại một cơ sở.
Nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở, người đứng đầu cơ sở cần phải thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Ban hành, niêm yết nội quy PCCC phù hợp với tính chất hoạt động, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ của từng hạng mục công trình trong cơ sở. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ nhân viên (CBNV) thực hiện nghiêm nội quy PCCC.
2. Tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC đến từng CBNV làm việc tại cơ sở. Đồng thời, lãnh đạo cơ sở thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện tốt công tác PCCC thông qua các buổi họp triển khai công tác tại đơn vị.
3. Tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định an toàn trong sử dụng điện cũng như trong quản lý, sử dụng các loại nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nguy hiểm khác, v.v…. Định kỳ hàng năm kiểm tra, thay mới các thiết bị điện không còn đảm bảo an toàn về PCCC.
4. Lãnh đạo các cơ sở cần tăng cường việc tự tổ chức kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở.
5. Hàng hoá sắp xếp gọn gàng, không cản trở thoát nạn, thuận lợi cho việc di chuyển ra ngoài và chữa cháy, đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy và ngăn cháy.
6. Thành lập lực lượng PCCC cơ sở, tổ chức huấn luyện và huấn luyện bổ sung nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và CBNV theo đúng quy định Thông tư 04/2004/TT- BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an. Đồng thời, phải tổ chức hướng dẫn quy trình, cách sử dụng phương tiện PCCC hiện có tại cơ sở cho từng CBNV biết.
7. Hàng năm tổ chức thực tập, tự thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ theo các tình huống được đặt ra trong phương án theo đúng quy định của các văn bản luật hiện hành.
8. Thường xuyên cập nhật, bổ sung phương án chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ khi có các thay đổi về cấu trúc xây dựng công trình, quy mô, tính chất hoạt động và các vấn đề khác có liên quan đến công tác PCCC.
9. Trang bị đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định pháp luật phòng cháy và chữa cháy hiện hành.
Văn Minh: Sưu tầm