Ngày 30/6/2020, TAND tối cao có hướng dẫn Toà án các cấp vẫn xem xét giải quyết mà không đình chỉ vụ án đối với trường hợp quyết định hành chính hết thời hiệu khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại còn thời hiệu khởi kiện nhưng người khởi kiện chỉ khởi kiện quyết định hành chính mà không khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại. Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng việc áp dụng thời hiệu khởi kiện như hướng dẫn sẽ không đúng với quy định pháp luật tố tụng hành chính
Cụ thể, tại nội dung giải đáp tại mục 7 phần III Công văn số 89/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, TAND tối cao hướng dẫn như sau: Đối với vướng mắc: “Quyết định hành chính hết thời hiệu khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại còn thời hiệu khởi kiện, tuy nhiên người khởi kiện chỉ khởi kiện quyết định hành chính mà không khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp này Tòa án vẫn xem xét giải quyết hay đình chỉ vụ án do hết thời hiệu?”, TAND tối cao căn cứ Điều 7 Luật khiếu nại và khoản 3 Điều 116 Luật tố tụng hành chính hướng dẫn Tòa án các cấp: Trường hợp này thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại, mà không phải tính từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính. Do đó, Tòa án vẫn xem xét giải quyết mà không đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định Điều 7 Luật Khiếu nại, Điều 116 Luật Tố tụng hành chính và qua thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính, để bảo đảm nguyên tắc áp dụng thống nhất pháp luật thì thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính phải được thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Theo quy định tại Điều 116 Luật tố tụng hành chính, đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính. Trường hợp người khiếu nại khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Trong trường hợp nêu trên, quyết định giải quyết khiếu nại vẫn còn thời hiệu khởi kiện nhưng người khởi kiện lại không khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ khởi kiện quyết định hành chính đã hết thời hiệu khởi kiện. Do đó, theo tác giả, trong trường hợp này Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, tại Công văn số 89/TANDTC-PC, Tòa án nhân dân tối cao đã giải thích trường hợp trên thời hiệu được tính từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại, mà không phải tính từ ngày nhận được quyết định hành chính; do đó, Tòa án vẫn xem xét giải quyết mà không đình chỉ vụ án.
Theo quan điểm của tác giả, hướng dẫn nêu trên sẽ dẫn đến việc áp dụng thời hiệu khởi kiện không đúng quy định pháp luật tố tụng hành chính và không bảo đảm tính công bằng trong thụ lý, giải quyết vụ án hành chính. Bởi lẽ đối với quyết định hành chính (không bị khiếu nại) thì người khởi kiện phải khởi kiện trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày nhận được, biết được quyết định hành chính xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Còn đối với quyết định hành chính đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng quyết định đó bị khiếu nại và đã được giải quyết khiếu nại mà người khởi kiện không khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại thì lại được Tòa án thụ lý giải quyết là chưa phù hợp với quy định tại Điều 116 Luật tố tụng hành chính và chưa bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.
Nguyễn Thị Đào Hoa, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nguồn Kiemsat.vn