Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 hiện nay có một số khó khăn, vướng mắc, rất cần được tháo gỡ. Chúng tôi xin được nên một số vướng mắc thường gặp.
Theo quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 có những căn cứ khi áp dụng biện pháp ngăn chặn: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm; Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội; Để bảo đảm thi hành án.
Các biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS năm 2015: Điều 110: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp; Điều 111: Bắt người phạm tội quả tang; Điều 112: Bắt người đang bị truy nã; Điều 113: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam; Điều 117: Tạm giữ; Điều 119: Tạm giam; Điều 121: Bảo lĩnh; Điều 122: Đặt tiền để bảo đảm; Điều 123: Cấm đi khỏi nơi cư trú; Điều 124: Tạm hoãn xuất cảnh.
1.Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật hiện hành
Thứ nhất, về thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015, những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp: …c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015, thì những người có thẩm quyền quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này có quyền ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó.
Riêng đối với những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Điều này cho thấy những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015 không được quyền ra quyết định tạm giữ.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 117 BLTTHS năm 2015 quy định: “Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ” là trái với quy định tại khoản 4 Điều 110.
Thứ hai, trong giai đoạn xét xử, tại khoản 2 Điều 278 quy định “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277”. So sánh với các quy định tại Điều 277 Bộ luật này thì quy định này chưa phù hợp, vì tại khoản 1 Điều 277 quy định thời hạn từ ngày thụ lý đến ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; khoản 3 quy định thời hạn từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 278 thì thời gian từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa không được áp dụng biện pháp tạm giam.
Thứ ba, đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì thời hạn bị giữ có được tính vào thời hạn tạm giữ?
Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thời gian bắt, giữ được ghi trong biên bản giữ người, lệnh giữ người, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ có cùng thời gian hay không?
Ví dụ: Trong vụ án giết người xảy ra ngày 11/5/2019 tại ấp 2, xã T, thị xã Đ, tỉnh B cho thấy, biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp được Cơ quan điều tra lập vào lúc 22 giờ 20 phút ngày 14/5/2019, đến 01 giờ 00 ngày 15/5/2019 ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ và biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp lúc 11 giờ 00’ ngày 15/5/2019.
Như vậy, tính từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là không quá 12 giờ, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ là gần 3 giờ và từ khi ra quyết định tạm giữ đến khi ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là 09 giờ. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời gian tạm giam, nhưng thời gian bị giữ khi chưa có quyết định tạm giữ thì như thế nào? Nếu không được tính vào thời hạn tạm giữ để được trừ vào thời hạn tạm giam thì ảnh hưởng đến quyền của người bị tạm giữ. Đây là vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng luật; bởi lẽ, thời điểm giữ người trong trường hợp khẩn cấp phát sinh trước khi có quyết định tạm giữ.
Thứ tư, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm hoãn xuất cảnh” trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Hiện nay, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vẫn sử dụng các biểu mẫu quy định trong Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và hướng dẫn tại Công văn số 319/TA ngày 26/6/2006 của Tòa án quân sự Trung ương. Nhưng khi áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm hoãn xuất cảnh” thì hiện nay chưa có biểu mẫu và hướng dẫn để áp dụng.
Thứ năm, khi Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án để Tòa án xét xử theo thẩm quyền. Khi thụ lý hồ sơ vụ án mà biện pháp ngăn chặn vẫn còn (trừ biện pháp ngăn chặn “Tạm giam”) thì Tòa án thực hiện như thế nào?
Ví dụ: Ngày 20/6/2019 Viện kiểm sát ra Cáo trạng truy tố bị can A về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đến ngày 12/7/2019. Ngày 22/6/2019 VKS chuyển hồ sơ cho Tòa án thụ lý giải quyết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 278 BLTTHS, sau khi thụ lý hồ sơ vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định. Như vậy, Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can A thì Tòa án có phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục, điều kiện cam đoan của bị can quy định về biện pháp ngăn chặn này hay không? Đây cũng là vấn đề cần được cơ quan chuyên môn cấp trên hướng dẫn để thực hiện.
Thứ sáu, về biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật cư trú năm 2013: “Nơi cư trú của người đang làm nghĩa vụ quân sự hoặc đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân”.
Vậy nơi đơn vị của người đó đóng quân được hiểu như thế nào? Có người cho rằng, nơi đơn vị của người đó đóng quân là địa phương của đơn vị đó đóng quân (xã, phường, thị trấn). Cũng có người lại cho rằng, nơi đơn vị của người đó đóng quân chính là doanh trại đơn vị đang quản lý, rèn luyện quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nên vấn đề này cần có cách hiểu thống nhất để áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với quân nhân tại ngũ được thực hiện đảm bảo.
Thứ bảy, hiện nay việc thực hiện biện pháp tạm giam vẫn theo hướng dẫn của nghị quyết số: 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn khó khăn trong quan điểm của người áp dụng.
Ví dụ: Vụ án “Đào ngũ” được Tòa án thụ lý ngày 27/02/2020, bị cáo B bị Viện kiểm sát áp dụng biện pháp tạm giam đến ngày 29/3/2020 nên Tòa án tiếp tục sử dụng biện pháp tạm giam đối với bị cáo B của Viện kiểm sát. Vì vụ án có tính chất phức tạp nên ngày 25/3/2020 theo đề nghị của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vụ án được gia hạn thời hạn xét xử là 15 ngày kể từ ngày 28/3/2020. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong thời hợp này có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất, trong trường hợp này vụ án được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử 15 ngày và 15 ngày chuẩn bị mở phiên tòa, vậy lệnh tạm giam tiếp theo phải là 30 ngày kể từ ngày gia hạn (ngày 28/3/2020).
Quan điểm thứ hai cho rằng, thời hạn tạm giam trong trường hợp này là 28 ngày, kể từ ngày 30/3/2020. Tức là phải trừ đi 2 ngày kể từ khi quyết định gia hạn đến hết lệnh tạm giam của Viện kiểm sát (29/3/2020).
Theo quan điểm của tôi, cả 2 trường hợp quyết định tạm giam trên đều không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng đối chiếu quan điểm thứ nhất thì lệnh tạm giam kể từ ngày 28/3/2020 thì chồng lệnh của viện kiểm sát, vì đến ngày 29/3/2020 mới hết lệnh tạm giam. Như vậy, tôi cho rằng áp dụng biện pháp tạm giam theo quan điểm thứ hai là phù hợp hơn.
Cũng trong vụ án này: Ngày 10/4/2020, Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng do trở ngại khách quan (tình hình bệnh dịch Covid19) nên tòa án mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày (vào ngày 08/5/2020). Trong khi đó, lệnh tạm giam đối với bị cáo hết vào ngày 26/4/2020, thì việc ra lệnh tạm giam đối với bị cáo lại có những quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất, do trở ngại khách quan nên thời gian mở phiên tòa kéo dài thêm 15 ngày, vì vậy căn cứ Điều 277, 278 BLTTHS năm 2015 và quy định tại Nghị quyết số 04/2004NQ-HĐTP thì trong trường hợp này, thời hạn tạm giam được tính từ ngày 27/4/2020 đến ngày 08/5/2020, tức là 12 ngày.
Quan điểm thứ 2 cho rằng, đây là vụ án ít nghiêm trọng nên kể từ ngày thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử là 45 ngày, do đó thời hạn tạm giam là 45 ngày (đã cộng 15 ngày khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử); vụ án này được gia hạn 15 ngày nên thời hạn tạm giam là 60 ngày. Vì lý do trở ngại khách quan nên Thẩm phán ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 30 ngày. Vậy tổng thời giam tạm giam đối với bị cáo trong vụ án này là 75 ngày kể từ ngày thụ lý. Từ ngày thụ lý 27/02/2020 đến ngày 26/4/2020 thì tạm giam bị cáo được 60 ngày, vì vậy thời hạn tạm giam tiếp theo là 15 ngày kể từ ngày 27/4/2020.
Quan điểm thứ ba, trong trường hợp này thì việc áp dụng lệnh tạm giam căn cứ vào khoản 3 Điều 277 và Công văn số 74/TA-NCTH của Tòa án quân sự Trung ương ngày 05/02/2018, thì việc tạm giam kể từ ngày 27/4/2020 cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm.
Theo quan điểm của tôi, căn cứ vào nội dung Điều 277, Điều 278 BLTTHS và nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thì lệnh tạm giam tiếp theo đối với bị cáo trong ví dụ trên là 15 ngày, kể từ ngày 27/4/2020 (theo quan điểm thứ hai).
Thứ tám, khi vụ án được đưa ra xét xử, tại phiên tòa căn cứ vào Điều 297 BLTTHS năm 2015 thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Vậy trong trường hợp này, nếu bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, thì lệnh tạm giam tiếp theo được thực hiện như thế nào? Và căn cứ vào những quy định nào để ra lệnh tạm giam tiếp theo? Thời hạn hoãn phiên tòa có được tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử hay không? Đây cũng là vấn đề mà một số người áp dụng còn boăn khoăn muốn được cơ quan cơ quan cấp trên hướng dẫn, giải đáp.
Thứ chín, đối với vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội phạm khác nhau, các bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm giam” thì việc tạm giam đối với từng bị can được thực hiện như thế nào?
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại điểm đ, tiểu mục 2.2 mục 2 cụ thể như sau: Trường hợp trong vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội phạm khác nhau (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), thì thời hạn tạm giam đối với từng bị can không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị can đó bị truy tố. Như vậy, trên tinh thần của nghị quyết hướng dẫn thì áp dụng biện pháp tạm giam đối với từng bị can theo tội phạm nặng nhất mà từng bị can đó bị truy tố. Nhưng trong thực tiễn thì có nơi lại áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp trên là căn cứ vào tội nặng nhất trong vụ án để ra quyết định tạm giam đối với các bị cáo bị tạm giam là không phù hợp.
Trong trường hợp, vụ án có nhiều bị can cùng bị truy tố về một tội phạm nhưng theo các khoản khác nhau, khung hình phạt khác nhau thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam như thế nào? Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện cho thống nhất.
2.Một số kiến nghị, đề xuất
Về thẩm quyền quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo khoản 2 Điều 117 BLTTHS năm 2015 cần quy định loại trừ những người được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015.
Cần sửa khoản 2 Điều 278 theo hướng “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 của Bộ luật này.”
Về thời hạn quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải được tính từ khi lập biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp, có như thế mới đảm bảo quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Cần thay thế Nghị quyết số: 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 ngày 02/10/2004; Nghị quyết số: 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Ban hành các biểu mẫu mới về các biện pháp ngăn chặn để phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng mới và với thực tiễn xét xử của ngành./.
Nguồn: Nguyễn Tất Trình (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)