13/08/19 08:38

Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân

   Ngày 15/5/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký ban hành Quyết định số 192/QĐ-VKSTC (sau đây gọi là Quyết định 192) về quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân. Quy chế gồm có 9 chương và 89 điều về hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tại đây chỉ nêu một số điểm nổi bật trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân.

   Về hoạt động thanh tra

   - Xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra: Hàng năm, Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng định hướng chương trình thanh tra trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm của Viện kiểm sát nhân dân.

   - Xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch thanh tra: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được định hướng chương trình thanh tra, Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được định hướng chương trình thanh tra và kế hoạch thanh tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, cấp tỉnh trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra.
Theo Điều 28 Quyết định 192, Đoàn thanh tra do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp ra quyết định thanh tra thành lập để tiến hành cuộc thanh tra theo phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, thời kỳ, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có vi phạm đến mức phải xử lý hoặc cần thiết phải xử lý ngay thì Trưởng đoàn thanh tra phải lập biên bản, báo cáo ngay với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Biên bản được lưu vào hồ sơ thanh tra. Trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp ra quyết định thanh tra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra thì Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo tập hợp hồ sơ, tài liệu để chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền. Việc bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra phải được lập biên bản và lưu vào hồ sơ thanh tra.

   - Về trình tự một cuộc thanh tra theo kế hoạch của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân, vẫn bao gồm đầy đủ các bước cần thiết như: Ra quyết định thanh tra; Chuẩn bị thanh tra; Công bố quyết định thanh tra; Thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; Kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; Ban hành Kết luận thanh tra và Công khai kết luận thanh tra.

   - Về thanh tra đột xuất, Quyết định 192 dành riêng Mục 3 Chương III để quy định về vấn đề này. Theo đó, đầu tiên cần xác minh thông tin phản ánh và ban hành Quyết định thanh tra đột xuất. Việc ra quyết định thanh tra đột xuất phải có một trong các căn cứ như khi phát hiện đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật, quy định của Viện kiểm sát nhân dân; hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình.

   Quyết định 192 quy định thời hiệu thanh tra lại là 02 năm, kể từ ngày ký kết luận thanh tra. Trong đó, Điều 45 về Quyết định thanh tra lại dựa trên các căn cứ như: Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong tiến hành thanh tra; Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra; Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

   Về hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo

   Mục 1 Chương IV Nghị định 192 dành ra 11 điều quy định rõ về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, bao gồm các bước cụ thể là: Thụ lý giải quyết khiếu nại; Kiểm tra quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật bị khiếu nại; Quyết định xác minh nội dung khiếu nại; Xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại; Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại; Tổ chức đối thoại; Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại; Đình chỉ việc giải quyết khiếu nại; Quyết định giải quyết khiếu nại; Công bố quyết định giải quyết khiếu nại.

   Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bao gồm các bước sau: Thụ lý giải quyết tố cáo; Kế hoạch xác minh nội dung tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Rút tố cáo; Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo; Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Gửi, công khai kết luận nội dung tố cáo.

   Về hoạt động phòng, chống tham nhũng

   Điều 75 Quyết định 192 quy định Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng như chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để tham mưu cho Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình, cũng như tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình tiến hành thanh tra, giải quyết tố cáo, xử lý thông tin phản ánh về các nội dung.

   Về quan hệ phối hợp trong công tác thanh tra 

   Quan hệ với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được thể hiện bằng việc phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện chương trình công tác, quản lý hành chính tư pháp, trang bị phương tiện, kinh phí phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, phối hợp với đơn vị giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, đơn vị thực hiện công tác tổ chức cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân cấp mình và các đơn vị có liên quan để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, phối hợp với đơn vị Thi đua - Khen thưởng cùng cấp trong việc trao đổi, thông tin kết quả thanh tra, kiểm tra liên quan đến vi phạm của công chức, viên chức, người lao động và công tác thi đua, khen thưởng trong Viện kiểm sát nhân dân.

   Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 192 này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2019, thay thế Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-VKSTC-T1, ngày 20/11/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)./.


       Tin bài: Hoàng Nhung – nguồn thanhtravietnam.vn

Lên đầu trang