11/10/18 14:20

Nâng cao chất lượng công tác báo cáo quyết toán chi Ngân sách nhà nước trong ngành kiểm sát nhân dân

   Báo cáo quyết toán chi ngân sách nhà nước hàng năm là khâu cuối cùng của quy trình quản lý ngân sách nhà nước, là quá trình nhằm kiểm tra, rà soát, chỉnh lý các số liệu đã được phản ánh sau một kỳ chấp hành dự toán; qua đó phân tích, đánh giá kết quả chấp hành dự toán nhằm rút ra những kinh nghiệm và bài học cần thiết cho kỳ chấp hành dự toán tiếp sau.

Hình minh họa

   Thực trạng tồn tại:

   Công tác xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm ở Viện kiểm sát hai cấp trong những năm qua dần được nâng cao về chất lượng và thời gian hoàn thành. Tuy nhiên, cũng còn một số thực trạng cần được khắc phục như:

   - Việc rà soát đối chiếu số liệu dự toán, số kinh phí đã thực chi, số tạm ứng, số dư dự toán cuối năm với Kho bạc nhà nước nơi giao dịch ở nhiều đơn vị chưa kịp thời;

   - Không lập báo cáo quyết toán đúng thời hạn; mẫu biểu quyết toán chưa đầy đủ; việc giải trình, thuyết minh chưa rõ ràng; số liệu quyết toán chưa chính xác,.v.v.

   Giải pháp nâng cao chất lượng công tác báo cáo quyết toán:

   Để nâng cao chất lượng công tác quyết toán ngân sách nhà nước, thực hiện xét duyệt, thẩm định, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo đúng chế độ và thời gian quy định, kế toán các đơn vị trong ngành cần lưu ý một số điểm sau đây:

   - Rà soát tất cả các tài khoản hiện có ở kho bạc để làm đối chiếu số liệu với kho bạc. Đặc biệt những tháng cuối năm kế toán cần phải theo dõi số dư hàng ngày trên từng tài khoản để có số liệu đối chiếu chính xác nhất, phục vụ cho việc điều chỉnh, cân đối giữa các nguồn kinh phí được dễ dàng. Để làm được điều này đến khoảng  đầu tháng 10 hàng năm kế toán phải có đối chiếu số liệu đúng với kho bạc đến tháng 9. Bắt đầu vào tháng 10 cho đến cuối năm, kế toán cần phải cập nhật số dư vào mẫu đối chiếu hàng ngày, dự báo số liệu sắp thực hiện.

   - Vào đầu tháng 11 hàng năm, kế toán các đơn vị tiếp tục rà soát tất cả các nội dung chi đã được cấp kinh phí trong năm, xem những nội dung nào chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ thì tiếp tục thực hiện, những nội dung nào không thể thực hiện thì làm công văn đề nghị điều chỉnh sang nội dung khác để thực hiện, những nội dung nào còn vướng thì có thể làm công văn hoặc gọi điện trực tiếp cho cán bộ chuyên quản ở Viện kiểm sát cấp trên để xin tư vấn thêm. Ngoài ra cán bộ kế toán có thể tham khảo thêm việc thực hiện ở các đơn vị Viện kiểm sát tỉnh khác để có thêm thông tin, kinh nghiệm cho bản thân mình. 

   - Khi nhận được văn bản yêu cầu báo cáo quyết toán các đơn vị cần nghiên cứu kỹ những nội dung được nêu trong văn bản, rà soát từng nội dung và lập báo cáo theo từng nội dung được yêu cầu. Đặc biệt lưu ý đến thời hạn gửi báo cáo, cần vạch ra kế hoạch hoàn thành từng nội dung và thời hạn hoàn chỉnh toàn bộ báo cáo. Khi lập báo cáo xong nội dung nào thì đánh dấu đã hoàn thành nội dung đó và tiếp tục làm nội dung tiếp theo. Báo cáo khi làm xong cần in ra liền để tránh mất số liệu.

   - Để lập đúng và đầy đủ các biểu mẫu báo cáo theo quy định cán bộ kế toán cần xem lại các mẫu biểu báo cáo quyết toán của đơn vị mình năm trước, xem lại những báo cáo nào đã lập được ghi nhận thì tiếp tục phát huy, những báo cáo nào còn thiếu cần bổ sung thì phải lập bổ sung, những báo cáo nào chưa đúng biểu mẫu thì điều chỉnh lại cho phù hợp.

   - Để số liệu giải trình, thuyết minh được rõ ràng, thuyết phục kế toán ngoài việc lập các báo cáo theo mẫu quy định thì cũng cần có những biểu mẫu chi tiết để theo dõi từng nội dung chi theo mục lục ngân sách nhà nước ở từng nguồn kinh phí của riêng mình để phục vụ cho việc giải trình. Chẳng hạn biểu mẫu báo cáo theo quy định không tách riêng nội dung chi công tác phí thuộc  nguồn kinh phí thực hiện tự chủ bao nhiêu và nguồn kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ là bao nhiêu nhưng kế toán muốn có số liệu để làm thuyết minh, giải trình thì cần phải theo dõi nội dung chi công tác phí ở từng nguồn kinh phí này.

   - Để có số liệu quyết toán chính xác đầu tiên kế toán phải có số liệu tổng hợp đúng làm tiêu chuẩn để lập và so sánh. Số liệu tổng hợp chuẩn thường được lấy từ bảng đối chiếu số liệu với kho bạc kết hợp với các văn bản như quyết định cấp bổ sung kinh phí, quyết định điều chỉnh kinh phí … . Sau đó sau khi lập số liệu chi tiết, kế toán lập công thức đúng để ra số liệu tổng hợp, đối chiếu với số liệu tổng hợp đã được lập ở biểu mẫu khác xem có khớp hay không. Nếu có bất cứ một sự chênh lệch nào của cùng một nội dung ở hai biểu báo cáo thì phải xem lại từng số liệu chi tiết.

   - Số liệu báo cáo quyết toán của năm hiện hành cuối cùng phải khớp đúng với số thực chi theo kết quả kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch tính đến ngày 31 tháng 1 năm sau.

   Mong rằng những chia sẻ ở trên không chỉ là cẩm nang cho cán bộ phụ trách kế toán ở 2 cấp kiểm sát mà còn là tài liệu tham khảo cho các cán bộ khác trong ngành hiểu thêm một phần công tác tài chính của đơn vị mình, để có sự chia sẻ, trách nhiệm hơn đối với ngân sách của đơn vị mình, giúp tiết kiệm kinh phí, tăng thêm thu nhập cho cán bộ. Từ đó giúp lãnh đạo viện yên tâm tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

   Tin bài: Thu Nguyệt - VPTH

Lên đầu trang