Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định chi tiết hơn một số chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành và bổ sung nhiều chính sách mới có lợi cho người lao động.
1. Chế độ hưu:
- Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75 % mức đóng BHXH hàng tháng.
Việc đáp ứng mức lương hưu 75 % theo lộ trình tới năm 2022, như sau:
Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.
Với nữ giới, sau 1/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75 % khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.
Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.
Nghỉ hưu trước tuổi - trừ mức hưởng ( Điều 53- Luật BHXH 2014)
Nghỉ hưu sớm, trước và sau 1/1/2018 :
Lao động nữ sau 15 năm đóng BHXH được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH thêm được cộng 3%. Nhưng sau ngày 1/1/2018, mỗi năm đóng thêm chỉ được cộng 2%.
Với lao động nam, trước ngày 1/1/2018 chỉ cần đóng BHXH 15 năm đã được hưởng 45% lương. Nhưng nghỉ hưu vào năm 2018 cần đóng BHXH 16 năm mới được 45% lương.
Tương tự, lao động nam nghỉ hưu năm 2019 chỉ cần đóng 17 năm BHXH, năm 2020 là 18 năm đóng, năm 2021 là 19 năm đóng và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH.
Mỗi năm người lao động nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% lương hưu.
Người lao động muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH còn phải giám định sức khỏe. Việc ra Hội đồng giám định y khoa để kiểm tra có suy giảm sức lao động hay không đều có quy trình, quy định cụ thể. Không phải người lao động cứ muốn là có thể về hưu sớm trước tuổi.
2. Chế độ thai sản cho nam giới
Lao động nam đang đóng Bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày. Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh con. Nếu khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 7 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
3.Thay đổi về mức đóng BHXH
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2016, mức tiền đóng BHXH được tính dựa trên lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng thay vì dựa vào bảng lương như hiện nay. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.
4. Bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu
Ngoài ra, theo Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội khóa XIII, từ 1/1/2016, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm mà chưa đủ 20 năm đóng, khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
5. Thai sản cho người mang thai hộ
Trước Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, luật chưa có quy định chế độ thai sản cho người mang thai hộ nhưng từ 1-1-2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thì chính sách này bắt đầu được áp dụng. Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản về khám thai, sẩy thai, nạo hút, thai chết lưu, chế độ sinh con… từ thời điểm mang thai cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
6. Tăng tiền đóng BHXH
Từ 1/1/2016 đến hết 2017, mức đóng dựa trên lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi, đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Theo quy định, người lao động đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng, tổng cộng 26% đóng vào quỹ BHXH.
7. Tăng mức trợ cấp ốm đau
Mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (sau 180 ngày) tăng lên 50% thay vì 45% như hiện nay.
8. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
BHXH bắt buộc bổ sung 3 nhóm đối tượng đóng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ một tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người lao động là công dân nước ngoài.
9. Đóng thêm 5 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa
Luật mới quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa (75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH). Từ 1/1/2018, lao động nữ đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; từ năm thứ 16 trở đi thì được cộng thêm 2% mỗi năm. Như vậy, lao động nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75%.
Trước đây, lao động nam đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1/1/2018, để hưởng mức trên thì phải đóng đủ 16 năm, tăng dần tới năm 2022 thì phải tham gia 20 năm để hưởng mức 45%. Để được hưởng lương hưu ở mức tối đa 75% thì lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay).
Muốn được hưởng lương hưu tối đa 75% thì người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa.
Như vậy, muốn được hưởng lương hưu tối đa 75% thì người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%. Từ 1/1/2016, người tham gia BHXH thuộc cơ quan nhà nước tính lương bình quân 15 năm cuối để tính hưởng lương hưu thay vì 5 năm cuối như trước đây. Với lao động làm việc trong doanh nghiệp, căn cứ để tính lương hưu là bình quân của cả quá trình đóng.
10. Người dân không bị giới hạn nơi khám, chữa bệnh
Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, việc quy định “thông tuyến” trong Luật sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Cụ thể, từ ngày 01/01/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.
11. Người lao động có quyền tự quản lý sổ BHXH
Người lao động có quyền tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội, hàng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội.
Luật cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp hàng năm.
Bảo hiểm xã hội triển khai việc cấp mã số BHXH duy nhất cho mỗi người tham gia, tiến tới cấp sổ và thẻ điện tử, hoàn thành việc bàn giao sổ cho người lao động trước ngày 31.12.2017.
Bài Viết: Trương Văn Sinh