Việc tiến hành các hoạt động điều tra của VKS đặt ra yêu cầu phải có sự tách biệt với Cơ quan điều tra, kể cả hoạt động giám định kỹ thuật hình sự. Việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân là biện pháp giúp VKS thực hiện tốt hơn mục tiêu chống oan, sai, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội.
Sự gắn bó tất yếu giữa giám định kỹ thuật hình sự với điều tra hình sự
Xét trên phạm vi rộng, điều tra vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, trong đó chủ thể có thẩm quyền sử dụng các quyền năng, biện pháp luật định để thu thập đầy đủ các chứng cứ cần thiết nhằm phục vụ việc khởi tố, tiến tới đề nghị truy tố người phạm tội về hành vi phạm tội đã thực hiện.
Trong quá trình giải quyết vụ án, có thể nhận thấy, việc thu thập chứng cứ được thực hiện chủ yếu ở giai đoạn điều tra. Càng về sau, mức độ thu thập chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng càng ít đi, thay vào đó là việc đánh giá, sử dụng chứng cứ để ra các quyết định có tính chất đóng/mở tố tụng hoặc phán quyết về việc giải quyết vụ án.
Điều này cũng phù hợp với chức năng, vị trí của từng cơ quan tiến hành tố tụng, theo đó, chủ thể có chức năng buộc tội hoặc liên quan đến buộc tội là chủ thể có quyền tiến hành các hoạt động điều tra, do đó cũng là chủ thể có thẩm quyền chủ yếu trong thu thập chứng cứ.
Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền sử dụng các biện pháp mà luật tố tụng hình sự quy định. Một trong những biện pháp điều tra mà cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng đó là trưng cầu giám định.
Với bản chất nhằm thực hiện việc truy nguyên hình sự, tức là xác định và chứng minh sự đồng nhất của các đối tượng vật chất có mối quan hệ với vụ việc hình sự đã xảy ra với các đối tượng vật chất đã được xác định (các dấu vết, vật chứng), trưng cầu giám định được sử dụng chủ yếu trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra, là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, làm tiền đề để xây dựng kế hoạch điều tra tiếp theo.
Điều này cũng phù hợp với quy định của pháp luật về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Theo đó, tại Điều 206 BLTTHS 2015, các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định đều liên quan đến việc làm rõ có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không.
Trong các lĩnh vực của giám định tư pháp, giám định kỹ thuật hình sự là lĩnh vực gắn liền với các chủ thể có chức năng điều tra, do đây là một biện pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn nhằm phục vụ công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Chính vì thế, giám định kỹ thuật hình sự thường được tổ chức trong các lực lượng có cơ quan điều tra như Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, với tính chất là một hoạt động bổ trợ. Nghiên cứu mô hình ở các quốc gia khác trên thế giới cũng cho thấy, cơ quan giám định kỹ thuật hình sự cũng được tổ chức ở những lực lượng có chủ thể có chức năng điều tra.
Từ đó có thể thấy, giám định kỹ thuật hình sự là hoạt động gắn liền với việc thực hiện chức năng điều tra, nhằm góp phần thu thập, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, chính xác, kịp thời ở những giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, tạo tiền đề cho việc thu thập chứng cứ ở các giai đoạn tiếp theo. Như vậy, ở đâu có chủ thể điều tra thì ở đó phát sinh nhu cầu khách quan cần có hoạt động giám định kỹ thuật hình sự.
Viện kiểm sát là chủ thể có thẩm quyền điều tra trong tố tụng hình sự
Trong tổ chức bộ máy của VKSND, Cơ quan điều tra (CQĐT) được thành lập ở VKSND tối cao và VKSQS Trung ương. Theo Điều 20 Luật Tổ chức VKSND 2014, CQĐT VKSND tối cao, CQĐT VKSQS Trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Như vậy, CQĐT của VKSND tối cao là một chủ thể có thẩm quyền điều tra đầy đủ, trong phạm vi các vụ án thuộc thẩm quyền theo luật định. Từ đó cho thấy, việc cần thiết có cơ quan giám định kỹ thuật hình sự trong VKSND tối cao để phục vụ cho hoạt động điều tra của CQĐT VKSND tối cao là nhu cầu khách quan, cũng như sự tồn tại của cơ quan giám định kỹ thuật hình sự trong tổ chức các lực lượng có cơ quan điều tra chuyên trách khác (Công an nhân dân, Quân đội nhân dân).
Tiếp đến, việc thực hiện thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra của VKSND cũng đặt ra nhu cầu cần có sự bổ trợ của cơ quan giám định kỹ thuật hình sự. Căn cứ khoản 7 Điều 165 BLTTHS 2015 cho thấy, VKS có quyền trực tiếp điều tra một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xem xét phê chuẩn lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều tra; hoặc trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục; hoặc để bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.
Việc tiến hành một số hoạt động điều tra cũng đặt ra nhu cầu cần kiểm tra, đánh giá nhanh chóng đối với tài liệu, đồ vật đã thu thập được, khi đó, giám định kỹ thuật hình sự được sử dụng để đưa ra căn cứ khoa học nhất nhằm thực hiện việc truy nguyên.
Mặt khác, cũng theo Điều 165 BLTTHS, VKS còn có nhiệm vụ, quyền hạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Để có căn cứ đưa ra các quyết định tố tụng này, việc sử dụng biện pháp trưng cầu giám định trong những trường hợp luật định là việc làm bắt buộc hoặc cần thiết.
Với thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã được xác định, việc tổ chức cơ quan giám định kỹ thuật hình sự trong nội bộ lực lượng có ý nghĩa quan trọng, nhằm cho ra kết quả nhanh nhất, đáng tin cậy nhất, từ đó xác định khẩn trương, kịp thời, có căn cứ để khởi tố vụ án hay không.
Từ những phân tích trên đây cho thấy, nhu cầu cần thành lập cơ quan giám định kỹ thuật hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân là một nhu cầu tất yếu, khách quan, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ điều tra của VKS.
Điều này có ý nghĩa thời sự khi cuộc đấu tranh chống tội phạm ngày càng đặt ra những thách thức mới, nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử ngày càng nhiều, việc sử dụng thủ đoạn phạm tội liên quan đến công nghệ cao ngày càng trở nên phổ biến. Sự hỗ trợ này có thể giúp cho VKS phát huy tốt hơn thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra mà pháp luật tố tụng hình sự đã quy định, hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ buộc tội; vì suy cho cùng, VKS là chủ thể chịu trách nhiệm cuối cùng về tính hợp pháp và đầy đủ của toàn bộ hệ thống chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc đặt ra thiết chế chuyên môn về giám định kỹ thuật hình sự trong ngành Kiểm sát không làm phát sinh nhu cầu phải kiểm sát sự tuân thủ pháp luật đối với hoạt động giám định. Vì giám định tư pháp nói chung, giám định kỹ thuật hình sự nói riêng là hoạt động chuyên môn thuần túy, không phải hoạt động tư pháp.
Ở đây chỉ đặt ra vấn đề kiểm sát sự tuân theo pháp luật khi tham gia tố tụng của người giám định với những quyền và nghĩa vụ tố tụng theo luật định. Lúc này, cơ chế kiểm sát sẽ được thực hiện như đối với việc kiểm sát người tiến hành tố tụng trong CQĐT thuộc VKSND tối cao.
Ngày 21/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội xem xét.
Việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự trong ngành Kiểm sát góp phần giúp Viện kiểm sát làm tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai trong tố tụng hình sự.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức VKSND 2014, VKSND thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm “mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội”.
Mục tiêu này cũng là cơ sở khoa học để luật quy định cho VKS thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân là biện pháp giúp VKS thực hiện tốt hơn mục tiêu chống oan, sai, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất, việc giao cho CQĐT của VKSND tối cao điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp đặt ra yêu cầu việc điều tra những tội phạm này cần phải được thực hiện bởi một chủ thể độc lập, tách biệt với các chủ thể điều tra khác. Việc điều tra độc lập thì thiết chế bổ trợ điều tra cũng phải độc lập. Khi thiết chế bổ trợ độc lập thì hoạt động điều tra, đặc biệt là việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ sẽ được thực hiện một cách chủ động, khách quan, hạn chế được mặt tiêu cực do phải phụ thuộc vào chủ thể khác.
Thứ hai, việc giao cho VKS thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp cần thiết là nhằm khắc phục vi phạm trong quá trình điều tra vụ án, khắc phục sự thiếu sót về chứng cứ hoặc bỏ lọt tội phạm; hoặc để kiểm tra, đánh giá lại những chứng cứ mà CQĐT đã thu thập được. Vì vậy, việc tiến hành các hoạt động điều tra của VKS đặt ra yêu cầu phải có sự tách biệt với CQĐT, kể cả hoạt động giám định kỹ thuật hình sự. Có như vậy chứng cứ thu thập được mới khách quan, toàn diện và kịp thời, mới đủ cơ sở để nhận định về giá trị chứng minh của những chứng cứ mà CQĐT đã thu thập được, cũng như mới có thể khắc phục được các vi phạm hoặc sai sót trong quá trình giải quyết vụ án của CQĐT.
Từ đó cho thấy, việc thành lập thiết chế chuyên môn về giám định kỹ thuật hình sự trong ngành Kiểm sát có ý nghĩa giúp VKS thực hiện tốt hơn thẩm quyền điều tra và quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, là biện pháp hữu hiệu góp phần chống oan, sai và phòng ngừa các vi phạm khác trong điều tra vụ án. Nhờ đó, VKS làm tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố của mình. Bởi vậy, sự ra đời của cơ quan này chỉ có ý nghĩa hỗ trợ mà không tạo ra mâu thuẫn hay trùng lắp với bất kỳ chức năng, nhiệm vụ hay quyền hạn cụ thể nào của VKS trong tố tụng hình sự.
Nguồn TS. Bùi Thị Hạnh- Trưởng khoa PLHS & KSHS, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội