25/10/18 09:59

Tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân

    Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống hiện nay đều cần đến công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin còn đang được ứng dụng rất mạnh mẽ trong các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính và đã đem lại không ít những thành công và hiệu quả to lớn.

   Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát nhân dân đã triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các ứng dụng về Công nghệ thông tin, phục vụ có hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trên thực tế, một số lĩnh vực đã được ứng dụng công nghệ thông tin và đạt được nhiều kết quả tích cực như sau:

   Đối với công tác chỉ đạo điều hành của người đứng đầu, công nghệ thông tin đã dần tự động hóa, thay thế và số hóa các thủ tục giấy tờ văn bản theo cách làm việc hiện hành giúp cho việc lưu trữ, tra cứu văn bản được nhanh chóng, thuận tiện. Từ đó giúp người lãnh đạo nắm bắt nhanh, đầy đủ, chính xác, tổng quát thông tin và truyền tải ý kiến chỉ đạo sát sao, kịp thời. Qua đó tạo ra phong cách lãnh đạo mới, góp phần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

   Viện kiểm sát hai cấp đã ứng dụng tốt hệ thống các phần mềm quản lý án hình sự, phần mềm quản lý án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động. Việc cập nhật đầy đủ các vụ việc vào phần mềm đã thống kê cụ thể, kịp thời, chính xác các thông tin từng vụ án từ khi thụ lý đến khi giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Qua đó lãnh đạo nắm được diễn biến tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn, tiến độ giải quyết các vụ việc; kết quả công tác kiểm sát của từng phòng, từng đơn vị cấp huyện và của từng Kiểm sát viên, từ đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.

   Một thành công rất lớn trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành đó là áp dụng mô hình truyền hình trực tuyến trong toàn ngành. Ngành kiểm sát đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai lắp đặt hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến ở cả hai cấp kiểm sát, đảm bảo đường truyền thông suốt từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến các Viện kiểm sát cấp huyện. Hệ thống truyền hình trực tuyến này đã giúp tiết kiệm về thời gian và chi phí đi lại, giúp cho cán bộ và kiểm sát viên cả hai cấp có điều kiện được tham dự các hội nghị, kịp thời nắm bắt thông tin và đặc biệt là được theo dõi các phiên tòa rút kinh nghiệm. Từ đó giúp Kiểm sát viên trau dồi kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm công lý được thực thi, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

   Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát cấp tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giúp nhân dân trang bị kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình và những người xung quanh, từ đó góp phần không nhỏ trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

   Đối với công tác văn thư, báo cáo, nhiều nơi đã thực hiện và sử dụng có hiệu quả hệ thống thư điện tử nội bộ để trao đổi thông tin giữa hai cấp kiểm sát. Ứng dụng này đã mang lại tiện ích vô cùng lớn, giúp cho việc nhận chuyển thông tin, chỉnh sửa, duyệt văn bản được nhanh chóng, kịp thời, giảm đáng kể lượng báo cáo theo đường công văn, tiết kiệm được nhiều thời gian và kinh phí.

   Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc khiến cán bộ kiểm sát đã hình thành cho mình kỹ năng mềm, phong cách làm việc mới khoa học và năng động hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

   Trong thời gian tới, để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác của ngành thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, cần có những giải pháp sau:

   Nghiên cứu,triển khai áp dụng phần mềm Quản lý đơn khiếu nại, tố cáo và phần mềm quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

   Phần mềm Quản lý đơn khiếu nại, tố cáo nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, theo dõi, quản lý đơn, quản lý vụ việc, phân loại, tình trạng xử lý đơn của các đơn vị. Phần mềm quản lý đơn khiếu nại, tố cáo trực tuyến giúp theo dõi đầy đủ quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các vụ việc. Kiểm tra những đơn trùng, đơn thuộc thẩm quyền, phân loại đơn, quản lý các nguồn đơn, theo dõi quá trình giải quyết đơn. Tìm kiếm đơn và đưa ra các báo cáo chi tiết, tổng hợp về đơn, đơn thư khi chuyển đơn từ đơn vị này sang đơn vị khác sẽ không phải cập nhật lại và có thể theo dõi được toàn bộ đơn thư trong hai cấp một cách chính xác, thuận tiện. Khi số lượng đơn khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều thì đây là công cụ không thể thiếu để quản lý.

   Phần mềm quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giúp theo dõi và quản lý toàn bộ những tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong hai cấp, phân loại tội phạm, phân loại đối tượng, quá trình giải quyết của các đơn vị.

   Tổ chức xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý công việc, từ đó sẽ giúp các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công chức trong cơ quan có thể giám sát và theo dõi một cách tổng thể quá trình thực hiện công việc của mình: từ việc vạch ra kế hoạch, phân công công việc và dự kiến các công việc, theo sát tiến trình hoạt động, báo cáo. Đối với các đồng chí lãnh đạo, phần mền sẽ giúp dễ dàng quản lý và cập nhật tình hình làm việc, đồng thời cũng có thể theo dõi được tiến độ báo cáo án tới đâu, đồng chí nào đang làm vụ án nào để đôn đốc. Như vậy, sử dụng phần mềm giúp cho việc quản lý được tổng thể, khách quan và chi tiết nhất.

   Để tích hợp cả 3 phần mềm trên, cần nghiên cứu, phát triển và nhân rộng phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai. Phần mềm trên giữ vai trò quản lý tình hình thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, hồ sơ án hình sự của từng kiểm sát viên, từng đơn vị; nắm bắt chính xác số lượng, tình trạng giải quyết hồ sơ một cách chi tiết. Thông qua phần mềm, cán bộ, kiểm sát viên dễ dàng tìm kiếm, khai thác thông tin hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm, hồ sơ án hình sự. Đồng thời, “Sổ thụ lý điện tử án hình sự” hỗ trợ tích cực trong công tác tổng hợp số liệu, báo cáo hàng tuần, tháng, quý, báo cáo chuyên đề. Tất cả thông tin hồ sơ đầu vào sẽ được tự động phân loại nhanh chóng, phản ánh trung thực, phân tích chính xác.

   Ngoài ra, việc triển khai sử dụng phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự” còn phục vụ tốt cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, chính xác, tiện lợi như: nắm bắt được khối lượng công việc chính xác của từng kiểm sát viên, từng đơn vị, tiến trình giải quyết hồ sơ để từ đó có nhận xét, đánh giá thi đua một cách chính xác hơn, khách quan hơn. Đồng thời, góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ở địa phương; đảm bảo tất cả tin báo, tố giác tội phạm, vụ án hình sự đều được thụ lý, giải quyết kịp thời, tránh quá hạn kéo dài, bỏ lọt tội phạm.

   Việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin vào ngành kiểm sát không những đã tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng công việc mà còn có tác dụng to lớn trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đem lại hiệu quả thiết thực và rõ rệt. Những thành công đó có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần mang lại sự ổn định, bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân.


     Bài viết: Nguyễn Như Huyền – Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức.

Lên đầu trang