24/10/18 09:01

Nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuyên Mộc

   Qua nghiên cứu số liệu thống kê, trong giai đoạn 2013 - 2017, ở huyện Xuyên Mộc đã xảy ra 533 vụ án hình sự (trung bình 106 vụ/năm). Một số loại tội phạm nghiêm trọng có diễn biến hết sức phức tạp như tội phạm về ma túy, giết người do nguyên nhân xã hội, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ... với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hậu quả gây ra ngày càng nghiêm trọng, đối tượng đa dạng, phức tạp về thành phần, độ tuổi, nghề nghiệp… Trước tình hình trên, các cơ quan pháp luật huyện Xuyên Mộc, tập trung thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nhằm kiềm chế tội phạm, hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuyên Mộc có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện. Trong hệ thống tư pháp, Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất được pháp luật trao thực hiện chức năng thực hành quyền công tố. Đây là một chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng, khẳng định vị trí trọng yếu của Viện kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nói chung và huyện Xuyên Mộc nói riêng sẽ đảm bảo khắc phục được tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của toàn bộ hệ thống tư pháp trên địa bàn huyện, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuyên Mộc trong những năm qua đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ không có oan sai và bỏ lọt tội phạm. Nguyên nhân là quá trình thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện không chỉ quan tâm đến việc phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời mà còn đặc biệt chú trọng đến công tác phòng ngừa tội phạm, làm rõ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến việc thực hiện tội phạm để kiến nghị các cơ quan có biện pháp phòng ngừa.

Kiểm sát viên VKSND huyện Xuyên Mộc thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử lưu động

   Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thực hành quyền công tố trong giải quyết các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện những năm qua còn có một số thiếu sót, tồn tại. Tuy những hạn chế, tồn tại chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng do tính đặc thù của hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự, đối tượng tác động của hoạt động này là tội phạm và người phạm tội, đặc thù của từng loại tội phạm, mỗi quyết định áp dụng pháp luật đều tác động trực tiếp đến những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, mỗi một vụ việc oan, sai đều để lại hậu quả và những tác động tiêu cực đối với xã hội. Mặt khác, trong thời gian tới, nền kinh tế của huyện Xuyên Mộc tiếp tục phát triển mạnh về mọi mặt với những tiềm năng, điều kiện thuận lợi sẵn có cùng sự năng động, đổi mới của lãnh đạo và nhân dân huyện. Tuy nhiên, việc phát triển đó cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội đòi hỏi các ngành, các cấp phải có chiến lược cụ thể để quản lý xã hội phát triển ổn định, an toàn, bình đẳng và văn minh. Dự báo tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn huyện Xuyên Mộc sẽ vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội ngày càng cao và hậu quả tác hại ngày càng lớn, nổi bật là các loại tội phạm cướp tài sản, cố ý gây thương tích, với nhiều hình thức và thủ đoạn mới. Để nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố trong giải quyết các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện Xuyên Mộc  thời gian tới, ngoài những giải pháp chung về hoàn thiện pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, chúng ta cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

   Một là: Nâng cao trình độ năng lực của Viện trưởng, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên trong việc thực hành Quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự. Trước hết là nâng cao ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên. Do tính đặc thù của hoạt động thực hành quyền công tố, vào thời điểm xã hội phát triển theo cơ chế thị trường, cán bộ, kiểm sát viên cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuyên Mộc phải thường xuyên đối mặt với những tiêu cực của xã hội, hàng ngày phải tiếp xúc với những chủ thể mà đa số là có tiền, có ảnh hưởng, có vị trí xã hội nhất định. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ, kiểm sát viên có vi phạm pháp luật trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thì công tác giáo dục, nâng cao ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi Ngành Kiểm sát phải quan tâm thường xuyên và liên tục. Nâng cao ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp cán bộ, kiểm sát viên có định hướng đúng đắn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như trong giải quyết các vấn đề cụ thể. Đồng thời giúp cán bộ, kiểm sát viên vận dụng pháp luật đúng đắn, có lý, có tình và không xa rời thực tiễn; giúp cán bộ, Kiểm sát viên có tinh thần trách nhiệm cao, luôn chủ động với công việc được giao hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó là nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên. Những hạn chế, tồn tại của ngành về hoạt động thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự do nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân rất cơ bản là do trình độ năng lực chuyên môn của một bộ phận không nhỏ cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện làm công tác áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố còn nhiều hạn chế. Thực tế này cho thấy, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên là việc làm có ý nghĩa quyết định nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động thực hành quyền công tố của ngành Kiểm sát nhân dân.

    Hai là: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và kiểm tra của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên đối với cấp dưới. Đối với ngành Kiểm sát - hệ thống cơ quan được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất, nên công tác quản lý, chỉ đạo điều hành càng có vai trò và ý nghĩa quyết định:

   - Từng cấp kiểm sát, từng cán bộ, kiểm sát viên phải nhận thức và quán triệt sâu sắc nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ngành theo đúng quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, đó là nguyên tắc Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Theo đó, ở mỗi cấp kiểm sát, mọi hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành đều do Viện trưởng thực hiện, cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị phải tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo điều hành của Viện trưởng. Quyết định cuối cùng thuộc về Viện trưởng.

   - Phải khắc phục ngay tình trạng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không kịp thời. Vì thế VKSND tỉnh không nắm được tình hình để chỉ đạo cụ thể.     

   - Công tác kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ phải được làm thường xuyên và liên tục. Thông qua công tác kiểm tra để nắm chất lượng hoạt động thực tế trong hoạt động nghiệp vụ của từng đơn vị, kịp thời phát hiện những sai phạm, thiếu sót để uốn nắn, rút kinh nghiệm. Đồng thời, khắc phục tình trạng, một số đơn vị do chạy theo thành tích mà báo cáo không đầy đủ kết quả công tác, đặc biệt là những thiếu sót tồn tại của đơn vị.

   - Thông qua công tác thống kê báo cáo và công tác kiểm tra nghiệp vụ của VKSND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuyên Mộc tổ chức họp cơ quan rút kinh nghiệm kịp thời. - Thông qua các phiên họp định kỳ trực tuyến giữa lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc kiểm điểm về những việc đã làm được và những việc chưa làm được. Đây cũng là dịp phát huy sức mạnh của tập thể trong việc thảo luận bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố.

   Ba là: Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, Kiểm sát viên của VKSND cấp huyện. Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiều chế độ, chính sách đối với cán bộ các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, so với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và trong mối tương quan về mức sống với các ngành khác, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc của ngành Kiểm sát vẫn còn thiếu thốn; đời sống của cán bộ, kiểm sát viên còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, Kiểm sát viên theo hướng có chế độ lương, phụ cấp và các đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ kiểm sát viên cấp huyện, để họ có điều kiện ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

   Bốn là: Tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên, Viện trưởng, phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện trong thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự. Trách nhiệm của kiểm sát viên, Viện trưởng, phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện trong hoạt động thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra các vụ án hình sự là sự chủ động của Viện kiểm sát địa phương đối với hoạt động điều tra các vụ án hình sự. Trong mỗi giai đoạn, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Tòa án có những trách nhiệm khác nhau. Cơ quan điều tra có trách nhiệm chứng minh sự thật vụ án, thu thập các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố, quyết định việc buộc tội, gỡ tội trên cơ sở kết quả điều tra. Tòa án sẽ ra phán quyết, quyết định việc có tội hay không có tội, mức hình phạt. Mỗi hành vi, quyết định tố tụng đều phải có cơ sở, căn cứ vững chắc và hợp pháp. Khi thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự đòi hỏi Viện kiểm sát nhân dân phải phân tích kỹ sự việc, kết luận đầy đủ và đúng đắn mới đề xuất đường lối xử lý. Khi xét phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân phải quán triệt tư tưởng khẩn trương nhưng cũng phải thận trọng, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, làm rõ các căn cứ thực tế và căn cứ pháp luật. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án phải phân tích, đánh giá đầy đủ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nguyên nhân điều kiện phạm tội, đánh giá một cách toàn diện để xác định mức hình phạt, loại hình phạt thỏa đáng.

   Năm là: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa ngành Kiểm sát với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự là hoạt động phức tạp được pháp luật trao cho một hệ thống các cơ quan khác nhau thực hiện, đó là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Mỗi cơ quan được pháp luật trao thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhất định và có tính độc lập tương đối với các cơ quan khác. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân huyện, phải nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật của Cơ quan điều tra và Tòa án các cấp. Liên ngành Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án cấp huyện Xuyên Mộc phải thống nhất xây dựng được quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng hình sự, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị trong hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự, đặc biệt là đối với các vụ án lớn, án trọng điểm, án nghiêm trọng, phức tạp, những vụ án cần điều tra, truy tố, xét xử nhanh phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, những vụ án cần tiến hành theo thủ tục rút gọn… Hoạt động phối hợp liên ngành phải được thực hiện ngay từ khi có tin báo, tố giác về tội phạm đến khi vụ việc được giải quyết một cách triệt để theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng để lọt người, lọt tội hoặc làm oan người vô tội.

   Từ thực tiễn của Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuyên Mộc trong hoạt động thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự thấy rằng, nếu thực hiện tốt những giải pháp này sẽ góp phần đáng kể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hạn chế được những vi phạm nảy sinh trong hoạt động thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án hình sự nói riêng và trong thực hành quyền công tố nói chung của ngành Kiểm sát./.


      Bài viết: Nguyễn Trần Thanh - VKSND H. Xuyên Mộc

Lên đầu trang