26/07/16 10:04

Tìm hiểu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người cán bộ kiểm sát.

          Theo lời kể của đồng chí Bùi Lâm (nguyên Viện trưởng Viện công tố trung ương), để chuẩn bị cho việc thành lập hệ thống ngành Kiểm sát nhân dân, các đồng chí Huỳnh Lắm, Bùi Lâm và Nguyễn Văn Ngọc được giao xây dựng dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc đến báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin ý kiến. Khi làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Viện kiểm sát phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ của mình và đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Kiểm sát. Là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, cán bộ ngành Kiểm sát phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Đặc biệt, Bác nhấn mạnh vấn đề đạo đức cán bộ kiểm sát. Theo Bác, cán bộ Kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện để có được các đức tính:“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Kể từ đó đến nay, các thế hệ cán bộ ngành kiểm sát luôn lấy lời dạy của Người để rèn luyện bản thân bởi đây chính là tư tưởng đạo đức của Người muốn gửi gắm đến các cán bộ ngành kiểm sát. Nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành kiểm sát nhân dân, chúng ta cùng tìm hiểu về 5 đức tính của cán bộ kiểm sát theo lời dạy của Người.

          Ban chấp hành Đảng bộ VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2015-2020.

          “Công minh” là “ngay thẳng và sáng suốt” . Đức tính này là một yêu cầu đối với mọi cán bộ của các cơ quan Đảng và Nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Đối với cán bộ Kiểm sát thì đây là tiêu chuẩn đầu tiên và có tính nguyên tắc vì nếu thiếu ngay thẳng, sáng suốt thì không thể kiểm tra và giám sát ai được. Bởi ngay thẳng là chân thật và theo đúng lẽ phải, không gian dối, không thiên vị. Nếu thiếu ngay thẳng thì cán bộ và quần chúng nhân dân không tin.

          Công minh đòi hỏi chúng ta trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp không được làm oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để một công dân nào bị hạn chế về các quyền dân chủ một cách trái pháp luật. Khi xử lí một hành vi phạm pháp phải đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng mức độ lỗi của họ đã gây ra, đồng thời đúng chính sách và pháp luật. Công minh phải trên cơ sở đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng cũng không bao giờ được xa rời nguyên tắc pháp luật. Bởi vì bản thân nội dung quy định của pháp luật đã thể hiện sự công minh, nó vừa bảo vệ lợi ích Nhà nước vừa bảo vệ lợi ích của công dân, nó công bằng với mọi người, không phân biệt người đó là ai.

        Mặt khác, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp, cán bộ kiểm sát mà trực tiếp là Kiểm sát viên phải đảm bảo các quyền của những người tham gia tố tụng được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác tôn trọng và đảm bảo được thực thi trên thực tế, nhất là trong các vụ án hình sự, vụ án hành chính, nơi có những quan hệ pháp luật mang tính chất hành chính, cưỡng chế với đặc trưng là tính bất bình đẳng, quan hệ một chiều. Bởi Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan duy nhất thuộc bộ máy nhà nước được Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất giao thực hiện chức năng kiểm tra và giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Đây là một trong những đặc trưng mang tính tiến bộ của cách thức tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước của chúng ta, nhà nước của dân, do dân, vì dân.

          “Chính trực” là ngay thẳng, vô tư, trung thực, nghĩa là nói đúng sự thật và làm nguời khác hiểu đúng sự thật. Là người thay Nhà nước thực hiện quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm và người phạm tội; đồng thời thực hiện quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân khi tham gia vào hoạt động tư pháp, nên chính trực là đức tính không thể thiếu được đối với cán bộ Kiểm sát. Có thể nói, cán bộ Kiểm sát là một trong những người bảo vệ cán cân công lý, nếu thiếu ngay thẳng, trung thực, lại thiên vị thì không hoàn thành được trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho.

          Khi cán bộ có đức tính này sẽ nói đúng sự thật và làm nguời khác hiểu đúng sự thật, kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi, việc làm vi phạm pháp luật, kiên trì bảo vệ chân lí, không hữu khuynh, né tránh. Đức tính chính trực hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cục bộ. Chỉ có ngay thẳng, trung thực chúng ta mới thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; mới củng cố và giữ gìn sự đoàn kết nhất trí; mới hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân; mới đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân mình; mới tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, với tổ chức; không xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật. Đó cũng chính là biểu hiện ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ Kiểm sát.

         “Khách quan” là “trường hợp đặt mình làm khách mà xem xét ngoại vật, xem chân tướng vật ấy mà nhận tính chất của nó, không để bản ngã của mình can thiệp vào” ; là tất cả những gì đang tồn tại không phụ thuộc vào ý nghĩ chủ quan của con người. Khái niệm đó nói lên tính độc lập ngoài ý muốn chủ quan của con người. Chúng ta thường nói phải tôn trọng sự thật khách quan, nó có ý nghĩa là sự thật khách quan như thế nào ta phải hiểu đúng và nói đúng như vậy.

         Có thể nói khách quan là tiêu chuẩn về thế giới quan và phương pháp luận trong nhận thức và hành động của Cán bộ kiểm sát. Khi xem xét một sự việc, một con người có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì Cán bộ kiểm sát phải thật sự khách quan, không được suy diễn chủ quan; phải đặt sự việc, hiện tượng đó trong điều kiện, hoàn cảnh nó xảy ra; đồng thời phải phản ánh đúng và đầy đủ các tình tiết có liên quan trong hồ sơ, tài liệu về con người, sự vật, hiện tượng đó. Khách quan cũng có nghĩa là không xuyên tạc sự thật, không được và không cho phép hiểu và làm sai sự thật. Muốn tiếp cận chân lí, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng vươn lên về mọi mặt tri thức khoa học, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Khách quan là đức tính chỉ đạo về tư tưởng, giúp chúng ta phải vươn lên về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng phát triển.

        “Thận trọng” là sự cân nhắc suy tính nghiêm túc, cẩn thận trong hành động để tránh sai sót, thể hiện ý thức trách nhiệm cao trong công tác và trong mọi hành động của người cán bộ. Tính thận trọng trong công việc của Cán bộ kiểm sát là khi xem xét một sự việc, một con người phải nhìn nhiều mặt, không thể tùy tiện, vội vàng, thiếu tính toán cẩn thận; là sự cân nhắc, nghiên cứu sự vật, hiện tượng đã xảy ra nhằm đảm bảo sự chính xác trong kết luận, không chủ quan và cũng không rụt rè, do dự khi kết luận đúng.

          Thận trọng còn thể hiện tính tổ chức và kỷ luật của Cán bộ Kiểm sát, luôn có ý thức báo cáo đầy đủ những hành động và công việc mà mình được phụ trách, đồng thời cũng dám chịu trách nhiệm với tổ chức những công việc mình giải quyết. Công tác thực hiện chức năng của Viện kiểm sát ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đến sinh mệnh chính trị của con người, nên đòi hỏi Cán bộ kiểm sát phải có đức tính thận trọng. Khi thực hiện quyền năng của mình, Cán bộ kiểm sát, đặc biệt là Kiểm sát viên, phải cân nhắc kỹ lưỡng xem có đầy đủ căn cứ pháp luật để quyết định áp dụng hay không áp dụng một biện pháp hoặc một quyết định để đảm bảo quyết định áp dụng pháp luật đó luôn có căn cứ và đúng pháp luật. Bởi mỗi sự kiện pháp lý xảy ra đều trong một hoàn cảnh cụ thể, cho nên phải điều tra, thu thập chứng cứ, phải nghiên cứu kỹ càng cả về nội dung vụ việc cũng như căn cứ pháp luật để vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách pháp luật. Bởi quá trình điều tra một vụ án hình sự hay quá trình thu thập chứng cứ khi giải quyết một vụ án dân sự đều là quá trình nhận thức. Khi sự kiện pháp lý đó xảy ra, những người tiến hành tố tụng không hề biết. Do vậy, qua quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, người tiến hành tố tụng nhận thức được nội dung và bản chất của sự kiện pháp lý và từ đó có cách giải quyết đúng đắn.

          “Khiêm tốn” là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc tự đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người. Khiêm tốn còn là phong cách xử sự giữa người với người. Nó trái ngược với tính cách tự cao, tự đại, quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng. Ngành Kiểm sát là một ngành được Đảng và Nhà nước, cụ thể là Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thành lập và giao cho thực hiện quyền công tố và quyền kiểm tra, giám sát tối cao việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động tư pháp. Nếu tự mình không khiêm tốn, Cán bộ kiểm sát sẽ không được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân cũng như sự phối hợp của các cơ quan hữu quan khác khi thực hiện nhiệm vụ.

          Khiêm tốn là một đức tính, một phong cách cần có đối với mọi cán bộ của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt càng cần thiết đối với cán bộ Kiểm sát, vì mọi hành vi của cán bộ kiểm sát, đặc biệt là Kiểm sát viên, khi thực hiện nhiệm vụ, đều đại diện cho Nhà nước. Thiếu sự khiêm tốn cần thiết thì khó tiếp cận, khó thuyết phục được đối tượng cần kiểm sát, khó gây được sự thiện cảm và đồng tình của quần chúng. Chúng ta đều biết rằng, đối tượng của nhận thức là vô hạn, nhận thức của con người lại có hạn, đối với từng cá thể lại càng hữu hạn hơn. Phải khiêm tốn lắng nghe ý kiến của quần chúng, ý kiến của tập thể, bởi vì ý kiến của tập thể bao giờ cũng sáng suốt hơn, đầy đủ hơn.

          Một điều cần chú ý trong nội dung này là: khiêm tốn hoàn toàn khác với hữu khuynh, rụt rè, né tránh ngại va chạm, thiếu kiên quyết trong công tác và thực hiện quyền năng của Kiểm sát viên. Hữu khuynh, né tránh, thiếu kiên quyết thì không thể thực hiện tốt công tác kiểm sát, vì đặc trưng của công tác kiểm sát là đấu tranh bảo vệ chân lí. Có khiêm tốn thì cán bộ, đảng viên mới được quần chúng tin cậy, gần gũi và cho chúng ta biết những điều chúng ta muốn biết, quần chúng mới nhiệt tình giúp đỡ chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để làm tròn nhiệm vụ. Có khiêm tốn mới có quan hệ phối hợp tốt với các ngành, các cấp và như vậy mới đạt được mục đích trong tất cả các khâu công tác.

                      Lãnh đạo VKSND tỉnh BRVT nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc năm 2015.

         Trong không khí chào mừng kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Ngành kiểm sát nhân dân, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo lời dạy của Bác để cùng góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; qua đó thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam.

         Tin bài: Ma Quang Lâm - Phó viện trưởng VKSND H. Tân Thành.

Lên đầu trang