03/11/15 18:51

Ý KIẾN CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ (SỬA ĐỔI), LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH (SỬA ĐỔI)

 
  1. Về vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Mục 2 Chương IV, từ Điều 57 đến điều 63 dự thảo BLTTDS; Mục 2 Chương III, từ Điều 48 đến Điều 54 dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý)
* Dự thảo BLTTDS, Luật TTHC: không tiếp tục quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng mà quy định một mục riêng, xác lập vị trí pháp lý độc lập cho VKSND với tư cách là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS, TTHC. Lý do Ủy ban Tư pháp (UBTP) đưa ra sửa đổi này là vì trong TTDS, TTHC, VKSND chỉ thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, không còn quyền khởi tố vụ án.
* Quan điểm của ngành KSND: Đề nghị tiếp tục quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng trong TTDS, TTHC vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, pháp luật về tố tụng dân sự, hành chính từ trước đến nay luôn khẳng định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng, không phụ thuộc vào việc có hay không có thẩm quyền khởi tố vụ án (BLTTDS năm 2004 và Luật TTHC năm 2010 mặc dù không quy định thẩm quyền khởi tố vụ án của Viện kiểm sát nhưng vẫn ghi nhận Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng).
Thứ hai, BLTTDS là Luật TTHC hiện hành mặc dù không còn quy định thẩm quyền khởi tố của VKSND nhưng vẫn tiếp tục giao cho VKSND thực hiện các thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng như; nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ hoặc tự mình thu thập chứng cứ; Tham gia các phiên toà, phiên họp, thẩm vấn đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn lại phiên toà; Kiến nghị, kháng nghị bản án, quyết định của Toà án; Yêu cầu, kiến nghị xử lý người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật…
Thứ ba, tổng kết thực tiễn cho thấy quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng đang phát huy tác dụng tốt, góp phần cùng Toà án giải quyết vụ án đúng pháp luật, kịp thời. Chính vì vậy, trong hồ sơ dự án BLTTDS, Luật TTHC trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, cơ quan chủ trì soạn thảo là TAND tối cao đề nghị quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ tư, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính là cơ quan tiến hành tố tụng như quy định hiện hành. Do đó, không có căn cứ để thay đổi vị trí pháp lý của VKSND.
Thứ năm, dự thảo BLTTDS, Luật TTHC (sửa đổi) tiếp tục phân chia chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thành 02 nhóm: (1) Cơ quan tiến hành tố tụng (nhân danh quyền lực Nhà nước để thực hiện hoạt động tố tụng) và (2) Người tham gia tố tụng (tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình). Do đó, phải xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng mới bảo đảm phù hợp.
Thứ sáu, đa số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 nhất trí quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng. Tại phiên họp thứ 40, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng kết luận nhất trí với ý kiến của đa số Đại biểu Quốc hội.
   2. Về sự tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính của VKSND
2.1. Về các trường hợp VKSND tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 21, dự thảo BLTTDS, Điều 26 dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý.
* Dự thảo BLTTDS, Luật TTHC: tiếp tục giữ nguyên quy định tại Điều 21 BLTTDS, Điều 23 Luật TTHC hiện hành về các trường hợp VKSND tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
* Quan điểm của ngành KSND: Nhất trí tiếp tục quy định VKSND tham gia các phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính thời gian qua.
Riêng đối với phiên toà sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự, hiện nay, dự thảo BLTTDS đã quy định nguyên tắc “Toà án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (Khoản 2 Điều 4), đồng thời, bổ sung quy định về giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các điều 43,44 và 45 để xin ý kiến Quốc hội. Ngành KSND đề nghị quy định VKSND phải tham gia phiên toà sơ thẩm khi Toà án xét xử những vụ việc nêu trên, nhằm góp phần cùng với Toà án bảo vệ công bằng, công lý cho người dân.
2.2. Về quy định Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên toà (Khoản 1 Điều 233 và Khoản 1 Điều 297 dự thảo BLTTDS; Khoản 1 Điều 158 và Khoản 1 Điều 226 dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý)
* Dự thảo VLTTDS, Luật TTHC quy định Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên toà mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên toà với lý do nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát vien và VKSND.
* Quan điểm của ngành KSND: Đề nghị giữ nguyên các quy định tại Điều 207 và Điều 266 BLTTDS, Điều 130 và Điều 194 Luật TTHC hiện hành nêu rõ trong mọi trường hợp nếu Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên toà mà vắng mặt thì phải hoãn phiên toà, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, kiểm sát trực tiếp tại phiên toà là phương thức hiệu quả nhất để thực hiện kiểm soát quyền lực đối với hoạt động xét xử của Toà án.
Thứ hai, những trường hợp pháp luật quy định phải có Kiểm sát viên tham gia phiên toà là những trường hợp mà thực tiễn cho thấy quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự dễ bị xâm phạm, chất lượng xét xử còn hạn chế, cần thiết phải có sự kiểm sát trực tiếp của VKSND.
Thứ ba, tổng kết thực tiễn cho thấy VKS các cấp đã thực hiện tốt trách nhiệm tham gia phiên toà, phiên họp trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Việc Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên toà, nếu có, chỉ là một số ít trường hợp do gặp phải sự kiện bất khả kháng mà VKS không thể cử Kiểm sát viên thay thế ngay do cần có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án. Báo cáo tổng thể thực tiễn thi hành BLTTDS, Luật TTHC không tổng kết vấn đề này.
3. Về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm (Điều 263 dự thảo BLTTDS, Điều 192 dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý)
* Trong quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị quy định: tại phiện toà sơ thẩm, Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo phát luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Toà án; việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ, việc cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Kiểm sát viên không đề xuất quyết định giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
* Quan điểm của ngành KSND: đề nghị quy định tại phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ, việc (bao gồm cả việc chấp hành pháp luật tố tụng). Căn cứ của việc đề xuất này là:
Thứ nhất, Khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014 qui định: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. B3o vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân…”. Để thực hiện nhiệm vụ này, VKSND có trách nhiệm phát hiện, nêu rõ mọi vi phạm pháp luật của các chủ thể trong việc giải quyết vụ án (cả vi phạm về phát luật nội dung và pháp luật tố tụng); đồng thời, phải thể hiện rõ quan điểm về việc xử lý các vi phạm đó.
Thứ hai, các khoản 2 và điều 4 Điều 27 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn “kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc”, “tham gia phiên toà, phiên họp, phát biểu quan điểm của VKSND về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo qui định của pháp luật”. Như vậy, pháp luật không giới hạn phạm vi kiểm sát, phạm vi phát biểu quan điểm của VKSND. Viện kiểm sát có trách nhiệm có trách nhiệm phát biểu cả về nội dung vụ án và việc chấp hành pháp luật tố tụng. Việc xây dựng các dự án luật tiếp theo phải bảo đảm thống nhất với các luật vừa được Quốc hội thông qua.
Thứ ba, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp không chỉ nhằm mục đích phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trong hoạt động tư pháp mà còn có mục đích phòng ngừa vi phạm. Thực tiễn công tác kiểm sát việc xét xử vụ việc dân sự, vụ án hành chính cho thấy, để tham gia phiên toà, phiên họp, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, theo dõi chặt chẽ toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc nên nắm rõ những vấn đề như: tính hợp pháp, tính liên quan, tính có căn cứ của tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ; có sự mâu thuẫn trong nội dung các tài liệu, chứng cứ hay không; việc áp dụng pháp luật của Thẩm phán trong quá trình chuẩn bị xét xử; việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong quan hệ dân sự, hành chính dẫn đến tranh chấp… Nếu Kiểm sát viên được phát biểu về những vấn đề này ngay tại vi phạm sẽ giúp cho Toà án có cơ sở để đánh giá vụ án đầy đủ, toàn diện, ra bản án, quyết định kịp thời, đúng pháp luật, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Thứ tư, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội XIII, đa số đại biểu Quốc hội tán thành qui định: tại phiên toà  sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm cả về việc chấp hành pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng. Trên cơ sở đó, ngành KSND đề nghị chỉnh lý qui định về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm như sau: “ Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Toà án kể từ khi thụ lí; cho đến người tham gia tố tụng dân sự”.
4. Về quyền thu thập chứng cứ của VKSND (Điều 98 dự thảo BLTTDS, Điều 86 dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lí)
* Dự thảo BLTTDS, Luật THHC: không tiếp tục quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ của VKSND; đồng thời, bỏ qui định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho VKSND (Điều 7 dự thảo BLTTDS. Điều 10 dự thảo Luật TTHC).
* Quan điểm của ngành VKSND: Đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của VKSND và trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho VKSND theo điều 7, 85 và 94 BLTTDS; các điều 9, 78 và 87 Luật TTHC hiện hành, vì các lí do sau đây:
Thứ nhất, Luật tổ chức VKSND năm 2014 (Khoản 3 Điều 27) quy định khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn “Thu nhập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định”. Khoản 4 Điều 85 BLTTDS, Khoản 3 Điều 78 Luật THHC hiện hành quy định: Viện kiểm sát có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy quy định nêu trên chính là điều kiện bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện tốt quyền kháng nghị (vì Viện kiểm sát kháng nghị cả vi phạm pháp luật tố tụng và vi phạm pháp luật nội dung), quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát tại phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
5. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát (Điều 57 dự thảo BLTTDS, Điều 48 dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lí)
* Dự thảo BLTTDS, Luật THHC: qui định như sau:”Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ quyền về việc thực hiện nhiệm vụ được giao”.
* Quan điểm của ngành KSND: Đề nghị giữ nguyên qui định Viện trưởng VKSND uỷ nhiệm cho Phó Viện trưởng VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng theo Khoản 2 , Điều 44 BLTTDS, Khoản 2 Điều 39 Luật THHC hiện, hành vì các lí do sau đây:
Thứ nhất, qui định tại Khoản 2 Điều 44 BLTTDS, Khoản 2 Điều 39 Luật TTHC hiện hành đều xác định cơ chế khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Thực tiễn thực hiện công tác của VKSND cho thấy qui định này là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng kháng nghị của Viện kiểm sát.
Thứ hai, BLTTDS và Luật TTHC đã có quy định rất chặt chẽ về thời hạn kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, đặc biệt là thời hạn kháng nghị phúc thẩm không dài. Nếu sửa đổi, bổ sung như qui định nêu trên của dự thảo BLTTDS và dự thảo Luật TTHC thì Viện trưởng VKSND sẽ gặp khó khăn trong việc kháng nghị đúng thời hạn luật định. Do vậy, cần cân nhắc để qui định phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
Thứ ba, bảo đảm đồng bộ với qui định của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng đang được Uỷ ban Tư pháp chủ trì chỉnh lý.
Với 5 nội dung ý kiến của Ngành kiểm sát nhân dân về Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất quan điểm trên và đã báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nhằm góp phần xây dựng pháp luật ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhà nước và công dân.

                                     Thanh Hoa – Phòng 9 VKSND tỉnh

Lên đầu trang