Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường
các biện pháp phòng, chống oan, sai
Ảnh: Văn Bình
Chiều 26/6, với 92,11% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nghị quyết gồm 4 điều, đưa ra các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể để tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, tích cực của Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; về cơ bản đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ oan, sai, có vụ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; có một số trường hợp còn chậm bồi thường cho người bị thiệt hại. So với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì việc phòng, chống oan, sai còn hạn chế, bất cập.
Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt một số nhiệm vụ, biện pháp cụ thể.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết (Ảnh: Văn Bình)
Thứ nhất, Chỉ đạo Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Khi đã xác định có oan, sai thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm hoàn trả theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với người mắc sai phạm; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.
Thứ hai, Chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm; áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác để giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình; không để xảy ra các trường hợp chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và người đứng đầu cơ sở này.
Quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nghiêm thẩm quyền tố tụng do luật định; khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm do hành chính hóa các quan hệ hình sự, nâng cao chất lượng điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền, bảo đảm không để xảy ra oan, sai. Bộ Công an sớm hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình điều tra các loại án, về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhất là đối với các vụ án giết người, hiếp dâm không quả tang; tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình. Căn cứ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cần giao cho Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý, giải quyết các vụ án mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án có hiệu lực pháp luật kết án bị cáo hình phạt chung thân hoặc tử hình để điều tra lại.
Thứ ba, Chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thực hành quyền công tố gắn với hoạt động điều tra và kiểm sát hoạt động tư pháp; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong xử lý tội phạm; bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan, sai; khắc phục tình trạng buông lỏng trách nhiệm, thống nhất một chiều với Cơ quan điều tra trong phân loại, xử lý vụ án; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật; tăng cường trách nhiệm công tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn kêu oan, đơn tố cáo bức cung, nhục hình.
Thứ tư, Chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quyền tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm các bản án, quyết định hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; kiên quyết tuyên bị cáo vô tội trong trường hợp không có căn cứ kết tội; chấn chỉnh, khắc phục việc xử phạt bị cáo quá nặng hoặc quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.
Tòa án nhân dân tối cao tăng cường tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, nhất là đơn kêu oan của các bị án có mức hình phạt tù 20 năm, tù chung thân, tử hình; nếu có căn cứ pháp luật thì phải xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm không oan, sai.
Thứ năm, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại đối với các vụ án mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án có hiệu lực pháp luật để điều tra lại; khẩn trương giải quyết các vụ án đã quá hạn luật định, xử lý dứt điểm những vụ án đã kéo dài trên 05 năm và một số vụ án khác dư luận cử tri quan tâm; minh oan và giải quyết bồi thường kịp thời cho người bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; có giải pháp hiệu quả tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm công vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; xem xét, điều chuyển biên chế phù hợp cho các địa phương xảy ra nhiều án, tránh áp lực quá nhiều công việc dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Thứ sáu, Liên Đoàn luật sư Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc đào tạo, phát triển nhanh đội ngũ luật sư, nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của luật sư; giám sát Luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm bào chữa, cung cấp dịch vụ pháp lý, nhất là đối với những trường hợp bào chữa chỉ định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tố tụng.
Thứ bảy, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, đào tạo cán bộ để nâng cao chất lượng công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông… đồng thời sớm hoàn thiện, ban hành quy trình, quy chuẩn giám định trong các lĩnh vực này, tạo cơ sở tin cậy cho cơ quan tố tụng xem xét, quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ tám, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự đã ban hành; chậm nhất đến tháng 12/2015 phải hoàn thành việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn về giám định “hàm lượng” các chất nghi là ma túy và Công văn số 234/TANDTC ngày 17/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án các địa phương khi xét xử các vụ án về ma túy buộc phải có giám định “hàm lượng” các chất nghi là ma túy; Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT ngày 02/11/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về phạm vi các trường hợp được bồi thường thiệt hại, bảo đảm phù hợp với Bộ luật hình sự, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử; đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại.
Cuối cùng, Chính phủ đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung, dùng nhục hình; có lộ trình, kế hoạch cụ thể để nâng cấp kịp thời các cơ sở giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc quá tải về giam giữ; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, trước hết tại các nơi vẫn đang phải thuê, mượn trụ sở làm việc.
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)