- Nói cho cùng, những cái ta sợ mất không có gì là cao cả! Phải chăng đó là lợi ích gì đó trong nháy nháy? Tại sao chúng ta lại ngại dân - Chủ tịch nước nói.
Ông Nguyễn Sự từ quan: Mình già xin nghỉ có chi lạ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trước cử tri quận 1, TP.HCM khi có ý kiến nêu ĐBQH rất khó tiếp xúc hết 100% bà con cử tri.
Ông nhấn mạnh vai trò của đảng viên và tổ dân phố rất quan trọng. Có điều kiện gần gũi với nhân dân, nghe và hiểu tâm tư nguyên vọng của nhân dân thì phải đem những ý kiến đó nói ra chứ không được nghe xong rồi bỏ đó.
Chủ tịch nước, Trương Tấn Sang, tiếp xúc cử tri, tham nhũng, TP.HCM
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
“Nếu chúng ta không nghe, không giải quyết được những tâm tư, khúc mắc của bà con cử tri, của nhân dân là không ổn đâu” – ông phát biểu.
Chủ tịch nước phê bình tình trạng cả nể, không dám đấu tranh, không dám nói thẳng nói thật.
“Bản thân tôi mỗi lần gặp các cán bộ hưu trí cũng bị “truy” dữ lắm. Trong chiến tranh, nguy hiểm mà ta vẫn giữ được khí tiết. Ta không sợ địch. Nay hòa bình rồi tại sao ta lại sợ ta, không dám nói thẳng nói thật? Nói cho cùng, những cái mà ta sợ mất không có gì là cao cả! Phải chăng đó là lợi ích gì đó trong nháy nháy? Tại sao chúng ta lại ngại dân?”.
Chủ tịch nước mong muốn người dân mạnh dạn góp ý, hiến kế. Cán bộ, đảng viên, tổ dân phố phải xây dựng mối quan hệ với nhân dân gắn bó, phải nói và chuyển được lòng dân.
“Đừng ngại gì cả. Suy cho cùng chúng ta đều là dân cả. Bản thân tôi về nhà cởi “áo mão cân đai” ra thì cũng là dân, tôi tiếp xúc thăm hỏi bà con lối xóm, kể cả các em bé. 30 năm qua tôi luôn như vậy!”, ông nói.
Tham nhũng do tham lam
Liên quan đến vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Thị Minh Cần, phường Đa Kao phản ánh qua các vụ án xét xử tham nhũng, nhiều ông cán bộ bị bắt nói trước vành móng ngựa rằng, do trình độ hạn chế, không được học hành nên để xảy ra sơ xuất, hậu quả đáng tiếc.
Chủ tịch nước, Trương Tấn Sang, tiếp xúc cử tri, tham nhũng, TP.HCM
Cử tri Nguyễn Thị Minh Cần
“Nếu vậy, QH nên đề nghị Nhà nước lựa chọn người tài, người có học để làm cán bộ. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho số cán bộ chưa được học đầy đủ được học hành để đảm đương nhiệm vụ…” – cử tri phát biểu.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm đại diện cho dân, ông Nguyễn Hữu Vạn, cử tri phường Bến Thành thiết tha đề nghị ĐBQH hãy đóng vai thường dân, đi lân la vào các quán cà phê, vào chợ, xuống phố v.v… để nghe và hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, gần gũi với nhân dân thì mới có thể chia sẻ, đồng cảm và đưa được nguyện vọng, ý chí của nhân dân lên nghị trường.
Cũng theo ông Vạn, nếu chỉ bằng những cuộc tiếp xúc trước và sau mỗi lần họp QH như thế này thì mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri, nhân dân còn hơi “xa”.
Cử tri quận 1 cũng phản ánh tình trạng bất cập của bảo hiểm y tế xe buýt chạy không có khách, nhà nước phải bù lỗ; việc giải tỏa đền bù, thu phí và lệ phí, giá xăng và giá điện tăng …
Đồng thời có một số ý kiến hiến kế cho QH để giám sát và bảo vệ nguồn tài nguyên, xử lý tham nhũng v.v…
Về ý kiến “cán bộ không được học hành nên có… sơ xuất”, Chủ tịch nước cho rằng cán bộ của ta hiện nay không phải là ít học đâu.
“Tôi đi giám sát ở nhiều nơi tôi biết, trình độ cán bộ cấp tỉnh phần lớn là đã qua đại học. Cán bộ huyện cũng vậy. Những ông cán bộ tham ô nói là do “chưa được học” là không đúng đâu bà con ạ. Vấn đề là đạo đức của những ông này bị hư hỏng, tham lam. Những ông này vô khám học xong ra ngoài chưa chắc đã hết tham lam. Các ông này cũng không hề thiếu tiền để phải tham nhũng. Cho nên chúng ta phải giám sát, phải đấu tranh để họ không thể tham nhũng được nữa” – Chủ tịch nước nói.
Phạm Văn Minh - VPTH lấy từ vietnamnet.vn( Duy Chiến)