02/04/15 15:34

VIỆN KSND HUYỆN LONG ĐIỀN TỔ CHỨC PHIÊN TÒA RÚT KINH NGHIỆM HAI CẤP


  Ngày 31/3/2015, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Long Điền, Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Điền phối hợp cùng Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đưa ra xét xử vụ án Phạm Văn Thái cùng đồng bọn phạm tội “Cố ý gây thương tích” và “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 104 và Điều 138 của Bộ luật hình sự.

  Với sự tham dự của lãnh đạo Phòng 3 Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lãnh đạo và kiểm sát viên của các Viện kiểm sát thành phố, huyện, lãnh đạo cùng các kiểm sát viên, chuyên viên của đơn vị và thẩm phán của tòa án.  Sau khi phiên tòa kết thúc, đ/c Phan Anh Dũng – Phó Phòng 3, Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì họp rút kinh nghiệm những mặt làm được và những mặt còn hạn chế nhằm tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong hoạt động xét xử hình sự, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.

 Qua quá trình họp rút kinh nghiệm nhìn chung vụ án đưa ra xét xử đạt yêu cầu, chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân cũng như kiểm sát viên thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình, mức án Tòa tuyên phù hợp với quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát. Bên cạnh những mặt làm được, còn có một số hạn chế cần rút kinh nghiệm từ những ý kiến đóng của các đơn vị tham dự phiên tòa, cụ thể như sau:
- Đối với Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa: Thẩm phán khi xét hỏi người bị hại sử dụng ngữ điệu như là hỏi các bị cáo và người bị hại là người bị thiệt hại về tài sản, thể chất, cũng như tinh thần nên cần sử dụng âm điệu ngữ điệu khác với việc xét hỏi các bị cáo.
 Trong việc điều khiển phiên tòa của chủ tọa chưa kịp thời nhắc nhở người tham dự phiên tòa, nên còn việc người tham dự phiên tòa ra vào và không tắt điện thoại di động dẫn đến làm mất trật tự và ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của phiên tòa. Chưa chú ý để chấn chỉnh việc trả lời của các bị cáo (bị cáo trả lời mà không thưa Hội đồng xét xử).
 Khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa chủ tọa phải hỏi kiểm sát viên có ý kiến đối với cả phần thủ tục chứ không chỉ hỏi ý kiến kiểm sát viên về sự vắng mặt của người tham gia tố tụng và phải có câu chuyển tiếp khi kết thúc phần thủ tục; để chuyển sang phần xét hỏi trước khi đề nghị kiểm sát viên công bố bản cáo trạng. Chủ tọa nên dùng từ “yêu cầu” đối với bị cáo, không dùng từ “đề nghị”.
- Đối với bản cáo trạng: Nội dung cáo trạng không nêu đầy đủ được các tình tiết của nội dung vụ án như phương tiện là xe mô tô mà bị cáo sử dụng chở hai con dao đến quán để cho đồng bọn sử dụng chém người khác hiện nay ở đâu và tại sao không thu giữ; vật chứng vụ án cố ý gây thương tích là hai con dao không thu giữ được nhưng trong cáo trạng lại miêu tả chi tiết về kích thước của hai con dao; chưa nêu căn cứ để tách hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” của Tuệ. Phần kết luận của cáo trạng cần nêu luôn hành vi của Quân về tội “Trộm cắp tài sản” vì trên phần nội dung Quân cùng với Thái và Thành cùng nhau đi tìm tài sản để trộm cắp. Việc nhận định Quân tại thời điểm “phạm tội” khi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện là chưa đúng vì đã kết luận Quân phạm tội mà cần sử dụng “tại thời điểm Quân thực hiện hành vi trộm cắp tài sản”. Cần có câu chuyển tiếp giữa hai tội danh trong phần kết luận (phạm tội… và tội, không sử dụng “phạm hai tội”).
- Đối với Kiểm sát viên: Kiểm sát viên thực hành quyền công tố khi công bố cáo trạng phải đọc chính xác, rõ ràng. Tại phiên tòa hôm nay Kiểm sát viên đã đọc nhầm một vài từ trong bản cáo trạng.
  Kiểm sát viên cần phải ghi chép đầy đủ quan điểm của luật sư để nắm rõ quan điểm, luận cứ của luật sư để đưa ra quan điểm tranh luận, đối đáp lại với luật sư, ví dụ như: Cần phân tích rõ vì sao phải áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo Hảo mà không cho bị cáo Hảo được hưởng án treo chứ không thể tranh luận quá ngắn gọn và nói là “bảo lưu quan điểm”.
Phần luận tội của kiểm sát viên phân tích hành vi của bị cáo Hảo là do “mâu thuẫn nhỏ nhen” là chưa chính xác vì thật ra bị cáo không có mâu thuẫn gì với bị hại mà hành vi của các bị cáo là vô cớ chém người, mang tính chất côn đồ nhưng trong định khung lại không áp dụng tình tiết côn đồ đối với các bị cáo.
  Từ những ý kiến đóng góp của lãnh đạo, kiểm sát viên các viện kiểm sát thành phố, huyện và kết luận của lãnh đạo phòng 3, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh BR-VT, lãnh đạo đơn vị và bản thân kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa xin tiếp thu và sẽ họp rút kinh nghiệm tại đơn vị.
               
    Tin bài: Phan Phúc Huy

Lên đầu trang