Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm
(ĐCSVN) – Chiều 5/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng tướng Chín phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo.
Ngày 25/12/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Lễ công bố kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo
Bộ luật dân sự (sửa đổi). (Ảnh: TH) .
Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 2/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Theo đó, nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bao gồm toàn bộ dự thảo: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật dân sự.
Tại lễ công bố, giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Dự thảo có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.
Để thể hiện rõ hơn vị trí của Bộ luật dân sự với tư cách là luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật dân sự, dự thảo Bộ luật quy định, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự bao gồm các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.
Dự thảo Bộ luật quy định, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là các nhân và pháp nhân. Đối với cá nhân, dự thảo Bộ luật tăng cường các cơ chế pháp lý để thực hiện, bảo vệ tốt hơn quyền của các nhóm yếu thế và năng lực hành vi dân sự, đặc biệt là chế độ giám hộ. Đối với pháp nhân, dự thảo Bộ luật quy định mọi cá nhân, tổ chức có quyền thành lập pháp nhân.
Về hình thức sở hữu, dự thảo Bộ luật quy định, hình thức sở hữu trong Bộ luật dân sự bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung…
Bộ trưởng cho hay, 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân; chủ thể của của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; hình thức sở hữu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản và thời hiệu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ công bố. (Ảnh: TH).
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bộ luật dân sự là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân, là luật chung, luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm..
Để việc tổ chức lấy ý kiến được tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính thiết thực, hiệu quả cũng như sự công khai, minh bạch, khoa học và tiết kiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND và HĐND các địa phương nghiêm chỉnh, khẩn trương thực hiện Nghị quyết 857 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch 01 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Hội luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát huy vai trò, huy động các thành viên tham gia tích cực vào quá trình lấy ý kiến.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tin truyền thông có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các nội dung dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) để kịp thời phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân và đăng tải các ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự với các hình thức và thời lượng phù hợp.
"Các cơ quan phải tổng hợp đầy đủ, chính xác mọi ý kiến góp ý của nhân dân. Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); công bố công khai việc tiếp thu, giải trình“- Phó Thủ tướng lưu ý.
Về phương pháp, hình thức lấy ý kiến, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần có cách làm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp. Cần phát huy hiệu quả của các phương pháp truyền thông qua internet, qua hệ thống phát thành, truyền hình... Việc lấy ý kiến phải phù hợp với từng đối tượng: người dân, các nhà khoa học pháp lý, các nhà quản lý...
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và sự làm việc khẩn trương, hiệu quả của các cơ quan liên quan trong quá trình lấy ý kiến, chúng ta sẽ xây dựng, hoàn thiện được một dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) có chất lượng cao, bảo đảm tiến độ để trình Quốc hội thông qua, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Thu Hằng