(ĐCSVN) – Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. (Ảnh: TH)
Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những kết quả và thành công của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Quốc hội đã quyết nghị được nhiều vấn đề quan trọng, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, trong đó nổi bật là Quốc hội đã thông qua 18 dự án luật; 11 Nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác; quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước.
Các cử tri đánh giá cao hiệu quả các lần lấy phiếu tín nhiệm cho các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc làm này đã có tác dụng tích cực, vừa động viên những người được lấy phiếu đã làm tốt tiếp tục nêu cao hơn tinh thần làm việc, vừa nhắc nhở những người khác chưa làm tốt cần nỗ lực phấn đấu hơn trước sự tin tưởng, bỏ phiếu của cử tri. Tuy nhiên, các cử tri vẫn băn khoăn và mong muốn nên có 2 mức phiếu là tín nhiệm và không tín nhiệm, thay vì có 3 mức như hiện nay là tín nhiệm thấp, tín nhiệm và tín nhiệm cao.
Đặc biệt, hầu hết các cử tri đều quan tâm tới công tác chống tham nhũng, xử lý tham nhũng và cho rằng nạn tham nhũng vẫn hết sức nhức nhối, trong khi công tác này thực hiện chưa thật sự quyết liệt, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra. Hiện nhân dân trông chờ vào sự quyết tâm trước nạn tham nhũng đang hoành hành và yêu cầu Quốc hội có quyền chỉ mặt điểm tên trên nghị trường và bằng chính lá phiếu. Đồng thời cần thay đổi cách tiếp cận tư duy và thanh lọc bộ máy để chống tham nhũng. Các cử tri yêu cầu Đảng, Nhà nước xử lý triệt để vụ ông Trần Văn Truyền cả về các vấn đề liên quan đến nhà, đất và việc bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu…
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng đã góp nhiều ý kiến vào hoạt động của kỳ họp Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội, tổ chức cơ quan dân cử, việc triển khai đưa Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống; việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh - quốc phòng; công tác tổ chức cán bộ, vấn đề văn hóa từ chức; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe nhân dân; tình trạng quá chú trọng thi cử, bằng cấp, số lượng giáo sư tiến sỹ nhiều nhưng phát minh sáng kiến khoa học đi vào cuộc sống thì ít; việc cải tiến sách giáo khoa hiện nay; vấn đề hàng giả, hàng nhái; vấn đề ô nhiễm môi trường…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri. Tổng Bí thư nêu rõ, các ý kiến của cử tri là những góp ý rất tâm huyết, thể hiện trình độ, trí tuệ và trách nhiệm với các công việc chung, các vấn đề đại sự của quốc gia. Điều này cũng thể hiện rõ với sự cởi mở, dân chủ, hoạt động của Quốc hội ngày càng được nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi, giám sát. Qua đó toát lên tinh thần toàn dân làm việc nước, là bước tiến lớn trong thực hiện công tác dân chủ, đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời cũng thể hiện hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải đáp ý kiến của cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Tổng Bí thư nêu rõ, lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm theo 3 mức đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Lấy phiếu tín nhiệm là dịp nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe, đồng thời là một kênh để Đảng xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu việc lấy phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tín nhiệm. Điều này đã được Quốc hội thống nhất cao, thể hiện qua việc 82% đại biểu Quốc hội tán thành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, xung quanh câu chuyện này, lần tiếp xúc cử tri nào cũng nhiều ý kiến nhất, đây là vấn để được cả xã hội quan tâm. Tổng Bí thư cho rằng, trên thế giới đều có tham nhũng, chỉ là nhiều hay ít vì đây là vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của những người có chức có quyền. Tổng Bí thư khẳng định, Đảng ta đã coi đây là 1 trong 4 nguy cơ lớn nhất của đất nước. Quan điểm của Đảng là kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảng kiên quyết chống tham nhũng ở tất cả các cấp và không có vùng cấm, không có khoan nhượng. Vấn đề là phương pháp, cách làm thế nào để đảm bảo hiệu quả, đồng thời đảm bảo được ổn định để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Kết quả chưa được như mong muốn vì tham nhũng là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải làm từng bước, xử lý theo đúng pháp luật, nghiêm minh và phải làm lâu dài.
Các cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: TH)
Chia sẻ thêm với cử tri về vụ việc sai phạm của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua, Tổng Bí thư cho biết, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận công khai, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành xử lý, thu hồi tài sản theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta tập trung xử lý nghiêm, nhưng đòi hỏi phải có thời gian, phải qua các khâu xác minh, điều tra, kết luận để người bị xử lý tâm phục, khẩu phục. Chúng ta quyết liệt chống tham nhũng, nhưng phải bình tĩnh, tỉnh táo chứ không vội vã.
Liên quan đến đề xuất của một số cử tri về việc công khai kê khai tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc này đã có quy định kê khai tại nơi công tác, còn công khai trên phương tiện thông tin thì sẽ vi phạm quyền công dân.
Liên quan đến băn khoăn của cử tri về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư nêu rõ, cần tiếp tục thực hiện lâu dài, kiên trì, bền bỉ, không phải chỉ có kiểm điểm phê bình xong. Nghị quyết Trung ương 4 bao gồm toàn diện những vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng, về tổ chức, về con người và một loạt giải pháp, bao gồm 3 nội dung, 4 nhóm giải pháp. Lấy phiếu tín nhiệm, xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, rồi tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tổ chức lại các cơ quan thanh tra, điều tra khởi tố, tổ chức các đoàn đi kiểm tra, rồi xét xử các vụ án lớn... làm sao phải tâm phục khẩu phục, đừng để oan sai nhưng không để lọt tội. Cùng với nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng,Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tập trung đẩy mạnh gắn việc học tập với làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng trao đổi về từng vấn đề cử tri quan tâm như vấn đề biển Đông, tinh giảm biên chế, tinh khả thi của các bộ luật trong thực tiễn cuộc sống, cải cách chế độ tiền lương, tổ chức Hội đồng nhân dân... Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề thì cần có phương pháp tiếp cận toàn diện, cụ thể, khách quan, biện chứng, không quy kết cũng tránh thổi phồng...
Thu Hà