05/12/14 13:49

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN THÔNG BÁO NHANH NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị

             Ngày 04/12/2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến Thông báo nhanh những nội dung mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh và các đồng chí nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao qua các thời kỳ: Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Văn Thìn, Khuất Văn Nga, Dương Thanh Biểu. Thành phần tham dự hội nghị gồm: Lãnh đạo cấp vụ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp khu vực; Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Hội nghị được tổ chức trực tuyến nối điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao với 65 điểm cầu tại Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện kiểm sát quân sự trung ương và đại diện Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh (tổng số 66 điểm cầu).


Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
thông báo nhanh những nội dung mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sử đổi


            Tại hội nghị, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo nhanh tới đại biểu tham dự hội nghị những nội dung mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Theo đó, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII tại kỳ họp thứ Tám ngày 24/11/2014 đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân với số phiếu tán thành là 411 phiếu (chiếm 82,7%). Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân gồm 06 chương, 101 điều nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thực tiễn; nội dung Luật cũng đã thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/6/2015.Luật xác định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân trong phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động tư pháp; trách nhiệm quyết định việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; tăng cường vai trò của VKSND trong các lĩnh vực phi hình sự, nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần; có trách nhiệm giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp….
              Cụ thể hóa cácnguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp 2013 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND như nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử, nhờ người bào chữa, xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp… Theo đó, Luật đã quy định rõ vai trò của công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND; xác định trách nhiệm tranh tụng tại phiên tòa, phân định rõ trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cũng như đổi mới tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên.
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã làm rõ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành; xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng các Viện Kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện Kiểm sát cấp dưới. Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp dưới; điều chỉnh quy định về vai trò của Ủy ban kiểm sát bảo đảm phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp; làm rõ mối quan hệ giữa Kiểm sát viên và Viện trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, bổ sung quy định về nhiệm vụ của từng ngạch Kiểm sát viên, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp.
           Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
           Về chức năng, nhiệm vụ,Luật đã quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định rõ các mặt công tác và thẩm quyền cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân trong từng lĩnh vực, đặt nền tảng cho việc hình thành cơ sở lý luận về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm thống nhất nhận thức và hoạt động có hiệu quả trên thực tế; quy định về các công tác khác Viện kiểm sát nhân dân đang thực hiện mà chưa được Luật quy định, như: Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp; thống kê tội phạm, thống kê hình sự; nghiên cứu khoa học; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; thông tin, tuyên truyền, pháp luật; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
           Về tổ chức bộ máy và các chức danh tư pháp, Luật quy định hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm 4 cấp như Kết luận 79-KL/TW (bao gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân cấp cao,Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, VKSND cấp huyện và Viện kiểm sát quân sự các cấp); quy định các chức danh tư pháp và chức danh khác của từng cấp Viện kiểm sát; việc thi tuyển Kiểm sát viên được quy định áp dụng việc thi tuyển đối với các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp, còn đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì tiếp tục giữ cơ chế tuyển chọn như quy định hiện hành. Ngạch kiểm sát viên VKSND gồm có bốn ngạch: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm sát viên cao cấp; Kiểm sát viên trung cấp; Kiểm sát viên sơ cấp. Số lượng kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người. Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm. Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch, thời hạn là 10 năm.

 

Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Kế hoạch tại hội nghị


          Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Kế hoạch triển khai thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Việc triển khai thực hiện Luật và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 nhằm mục đích quán triệt, triển khai đầy đủ, sâu sắc các nội dung của Luật và Nghị quyết thi hành Luật đến tất cả các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp, Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân để tạo sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đồng bộ, có hiệu quả các quy định của Luật và Nghị quyết thi hành Luật. Thông qua việc triển khai thi hành Luật và Nghị quyết thi hành Luật tạo sự đổi mới toàn diện, củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp, sử dụng, điều động, chuyển động vị trí công tác phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ở tất cả các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp; tạo sự chuyển biến rõ rệt, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Một số hình ảnh tại các điểm cầu:


             Phát biểu tại hội nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) là một sự kiện quan trọng đối với ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng những đòi hỏi của tình hình phát triển đất nước hiện nay, tạo cơ sở pháp lý để đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân là một văn kiện pháp lý quan trọng và cần thiết của ngành Kiểm sát nhân dân để khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.Viện kiểm sát nhân dân được xác định là thiết chế kiểm soát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, đồng thời, kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp; mặt khác Viện kiểm sát nhân dân cũng chịu sự kiểm soát của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, là cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân còn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan dân cử và nhân dân. Đồng chí Viện trưởng yêu cầu sau hội nghị này, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm túc kế hoạch triển khai Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã được Quốc hội thông qua.


                                                                                                                                             Trường Giang

Lên đầu trang